Các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết loài muỗi khổng lồ Bắc Cực đang phát triển rất mạnh do thời tiết ấm lên và đe dọa gây hại cho nhiều loài động vật.

1-2241-1443425015.jpg

Muỗi khổng lồ ở Bắc Cực (phải) lớn hơn nhiềuso với muỗi bình thường. Ảnh: Lauren Culler

"Loài muỗi này tung hoành bất kể ngày đêm, nếu tới Bắc Cực vào đúng mùa của chúng, ta có thể chứng kiến cảnh hàng trăm con muỗi đang chờ đợi một bữa tiệc máu", Lauren Culler, tác giả chính của nghiên cứu, thuộc đại học Dartmouth, cho biết.

"Ở Bắc Cực không có quá nhiều động vật để hút máu, nên khi phát hiện ra con mồi, chúng sẽ lao vào rất dữ tợn để liên tục hút máu. Chúng cứ bám riết lấy con mồi không chịu buông tha", Culler kể.

Các chuyên gia gọi loài muỗi này là muỗi khổng lồ vì chúng có kích thước lớn hơn nhiều so với loài muỗi bản địa ở Mỹ. Vào mùa hè ấm áp, loài muỗi này sinh sôi nảy nở thành từng đàn lớn, đến mức nhiều người đến Bắc Cực đã gọi đùa chúng là "chim đại diện bang Alaska", theo NationalGeographic.

Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí của Hiệp hội Khoa học Hoàng gia Anh hôm 16/9, loài muỗi Bắc Cực (tên khoa học là Aedes nigripes) đang phát triển mạnh vì Bắc Cực ấm lên, gây hại cho con người cũng như nhiều loài động vật hoang dã, đặc biệt là loài tuần lộc Caribou. Khi bị loài muỗi này tấn công, những con tuần lộc thường di chuyển tới những khu vực cằn cỗi, giá lạnh để tránh muỗi, khiến nhiều con non có nguy cơ bị chết đói.

Nhóm đã tiến hành một số thí nghiệm về sự thích ứng của loài muỗi với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu chỉ ra rằng khi nhiệt độ tăng lên một độ C, loài muỗi sẽ phát triển nhanh hơn 10%. Nếu nhiệt độ trung bình tăng lên hai độ C, khả năng sống sót của chúng tăng lên 52%. Trong thực tế, nhiệt độ trung bình ở Bắc Cực đã tăng với tỷ lệ gấp đôi so với nhiệt độ toàn cầu trong vòng 100 năm qua.

"Tuần lộc là một nguồn sinh kế quan trọng đối với cộng đồng địa phương. Nhưng sự gia tăng nhanh chóng của loài muỗi, cùng với việc mở rộng phạm vi về phía Bắc của các loài gây hại khác sẽ để lại những hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe và sinh sản của loài tuần lộc. Nhiệt độ tăng cao cũng làm giảm số lượng của loài này", bà Culler cho biết.

Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng tới loài tuần lộc. Tại California (Mỹ), các chuyên gia cho biết, trận hạn hán lịch sử vào tháng 4 vừa qua có thể dẫn đến một số lượng lớn các ca tử vong do virus West Nile truyền bệnh qua muỗi.

"Khi các loài chim và muỗi đi tìm nguồn nước, chúng sẽ tiếp xúc gần gũi hơn với con người và phát tán virus, đặc biệt là ở những khu đô thị đông đúc", giám đốc Sở Y tế Cộng đồng California Karen Smith cho biết.