Từ những truyền thuyết cổ xưa như chú Cuội và cung trăng cho đến lời đồn đại râm ran về ngày tận thế sẽ đến trùng với thời điểm “siêu trăng”, mặt trăng luôn có một vị trí đặc biệt trong đời sống của con người.
Tác động đến thủy triều Hiện tượng thủy triều ngoài biển chính là do lực hấp dẫn của mặt trăng tác động lên trái đất. Chúng ta biết rằng mặt trăng quay quanh trái đất theo quỹ đạo elip; khoảng cách lớn nhất và nhỏ nhất giữa mặt trăng và trái đất chênh lệch khoảng 50 ngàn kilomet.
Thời điểm “siêu trăng” khi mặt trăng ở gần trái đất nhất chính là lúc nó có tác động lớn nhất lên trái đất, tạo ra các đợt sóng thủy triều gọi là “con nước lớn” (spring tides). Trong con nước lớn, thủy triều cao hơn đáng kể so với bình thường.
Theo các chuyên gia khí tượng, đôi khi sức nước lớn còn làm tăng sức tàn phá của các cơn bão. Mặc dù chưa được chứng minh đầy đủ bằng số liệu khoa học, đã có một số bằng chứng cho thấy mối tương quan giữa các cơn bão trong thời kỳ sóc vọng và cấp độ phá hoại gia tăng của chúng.
Chó mèo gặp nguy hiểmMối liên quan giữa động vật và ngày trăng tròn luôn là một truyền thuyết bí ẩn cần con người nghiên cứu. Năm 2007, bác sỹ thú y Raegan Wells đã thực hiện một nghiên cứu dạng hồi cứu để phân tích toàn bộ 12.000 ca cấp cứu của động vật, đặc biệt là chó mèo, phải vào Trung tâm Thú y của Đại học Colorado trong thời gian từ 1992 đến 2002.
Kết quả thật sự gây ngạc nhiên lớn. Vào ngày trăng tròn và những ngày trước và sau rằm, số ca động vật phải điều trị tăng lên đáng kể. Cụ thể, dẫn liệu cho thấy trong những ngày như vậy rủi ro gặp phải nguy hiểm ở chó cao hơn 23% và ở mèo cao hơn 28% so với giai đoạn còn lại.
Các tác giả lý giải rằng có thể đó là do cường độ chiếu sáng từ mặt trăng cao hơn, một số động vật sẽ có xu hướng hoạt động lâu hơn và tích cực hơn dẫn đến mức độ nguy hiểm cao hơn. Tuy nhiên theo các nghiên cứu tại vùng Colorado thì khu vực đó ánh sáng nhân tạo rất phổ biến và do đó giả thuyết cường độ hoạt động tăng theo ánh trăng là ít có cơ sở.
Một giả thuyết khác nghi ngờ rằng cách cư xử của chủ các con vật nuôi cũng có thể là nguyên nhân khiến cho số ca bệnh tăng lên bất thường. Số ca bệnh cũng tăng lên nếu chủ nhân của các con vật chú ý hơn một chút đến thú cưng của mình trong những ngày đó.
Sau báo cáo của bác sỹ Raegan Wells, diễn biến tại Trung tâm Thú y Đại học Collorado không được tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên những lời đồn đoán về tác động của mặt trăng lên động vật thì vẫn tiếp tục.
Ảnh hưởng đến giấc ngủ của con ngườiBắt nguồn từ các giả thuyết bất tận về trăng tròn tác động đến hành vi con người, đã có rất nhiều nghiên cứu về mặt trăng, về y tế và tội phạm học nhằm phân tích sự thay đổi hành vi của con người trong các giai đoạn của mặt trăng.
Năm 2013, các nhà nghiên cứu của Đại học Basel- Thụy Sỹ đã nhận thấy thời lượng ngủ ngon giảm đi trong những ngày trăng tròn và trăng gần tròn. Trong giai đoạn này các đối tượng được nghiên cứu cần thêm 5 phút để rơi vào giấc ngủ, giấc ngủ của họ ngắn đi 20 phút và mức độ ngủ sâu giảm 30%. Nghiên cứu được thực hiện trên 33 tình nguyện viên, một nửa trong số đó nằm trong độ tuổi từ 20 đến 31 và nửa còn lại trong độ tuổi từ 57 đến 74.
Theo các tác giả, đây là các bằng chứng tin cậy đầu tiên cho thấy nhịp điệu của mặt trăng có thể làm biến đổi cấu trúc giấc ngủ của con người. Nghiên cứu được thực hiện với điều kiện thí nghiệm được kiểm soát nghiêm ngặt, các đối tượng nghiên cứu không có công cụ nào để biết được chu kỳ mặt trăng hiện tại.
Năm 2014, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Gothenburg- Thụy Điển cũng công bố một nghiên cứu độc lập với kết quả tương tự với nhóm từ Thụy Sỹ. Theo tác giả Michael Smith, nghiên cứu của họ cho thấy tác động của mặt trăng còn lớn hơn so với nhóm của Thụy Sỹ.
Tuy nhiên một nhóm khác từ Viện Tâm thần học Max Planck- Đức trên một nhóm lớn gồm 1.200 tình nguyện viên, trải qua 2.000 đêm, khẳng định không tồn tại tương quan như vậy.
Các nhà khoa học của cả đại học Gothenburg và Viện Max Planck đều khẳng định họ cần thêm nghiên cứu để có câu trả lời chính xác nhất.