Mới đây, một bài báo công bố trên Nature Ecology & Evolution (hôm 25/06/2018) đã chỉ ra: có thể không phải các yếu tố như di truyền hay chủng tộc, mà chính môi trường thơ ấu mới đóng vai trò quan trọng quyết định nhiều thứ, bao gồm cả mức Testosterone của cơ thể
Testosterone là hormone ảnh hưởng tới khối lượng cơ bắp, khả năng sinh sản và tuổi dậy thì ở nam giới.
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Durham (Anh) thực hiện khi khảo sát năm nhóm nam giới khác nhau, dựa trên dữ liệu về nơi mà họ trải qua thời thơ ấu – tại Bangladesh hoặc London, bao gồm: những người sinh ở Bangladesh và hiện vẫn sống tại đó; sinh ở Bangladesh và chuyển đến London khi còn bé; sinh ở Bangladesh và chuyển đến London khi trưởng thành; sinh ở Anh và có cha mẹ di cư từ Bangladesh; sinh ở Anh nhưng có tổ tiên là người châu Âu khác.
Trong khi nồng độ Testosterone cả quá cao lẫn quá thấp đều gây ra các vấn đề về sức khỏe thì tất cả những người đàn ông tham gia nghiên cứu trên chỉ ở mức bình thường và hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, kết quả khảo sát lại ghi nhận một vài khác biệt đáng kể giữa các quần thể: những người sinh ra ở Anh hoặc Bangladesh, nhưng đều được nuôi dưỡng ở Anh, thì sẽ mang nhiều điểm tương đồng như mức Testosterone, chiều cao và tuổi bắt đầu dậy thì, bất kể tổ tiên của họ là ai và ở đâu. Còn lại, nhóm sinh ra và lớn lên ở Bangladesh – bao gồm cả những người chuyển đến Vương quốc Anh khi trưởng thành – nhìn chung thường bước vào tuổi dậy thì muộn hơn, có chiều cao khiêm tốn và mức Testosterone thấp hơn (Bởi vì đây chỉ là những giá trị trung bình, cho nên chúng ta không thể biết chi tiết về mức Testosterone của bất kỳ người đàn ông cụ thể nào tại Anh hay Bangladesh).
Bác sĩ Landon Trost, chuyên khoa nội tiết tại bệnh viện Mayo, người không tham gia vào nghiên cứu trên, nhận xét: những phát hiện này cho thấy có lẽ những gì xảy ra trong giai đoạn thơ ấu – liên quan đến môi trường – đã gây ảnh hưởng suốt đời đến hoạt động sản sinh Testosterone ở nam giới. Điều này là hoàn toàn phù hợp với những gì y học đã biết về tác động của một số căn bệnh thời thơ ấu đến Testosterone, Trost nói. “Chẳng hạn những trường hợp vô sinh do tiền sử mắc các bệnh nhiễm trùng như quai bị – chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự sản sinh tinh trùng do thiếu hụt Testosterone.”
Dẫu vậy, Trost cũng cảnh báo, rằng mặc dù nghiên cứu trên đã chỉ ra môi trường dường như là một yếu tố quan trọng hơn nhiều so với di truyền trong hoạt động sản xuất Testosterone của cơ thể, nhưng không hẳn đã là quan trọng nhất đối với giai đoạn thơ ấu. “Những trẻ em di cư ở độ tuổi nhỏ hơn thường dễ thích nghi với lối sống mới hơn so với những người đến muộn – có xu hướng bám víu vào chế độ ăn, truyền thống và phong tục cũ”. Nói cách khác những người đàn ông Bangladesh di dân đến Anh khi trưởng thành sẽ có đời sống đủ khác so với những ai cũng sinh ra ở Bangladesh song lớn lên ở Vương quốc Anh, dẫn tới sự khác biệt [trung bình] liên quan đến mức Testosterone giữa họ.
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng tất cả những khác biệt trong báo cáo này đều dựa trên giá trị trung bình rộng: bất cứ ai sinh ra và lớn lên ở Bangladesh cũng dễ dàng có mức Testosterone cao hơn người sinh ở Anh. Thậm chí sự trùng lặp dân số ở đây cũng là rất lớn, điều chỉ xảy ra đối với các mẫu tương đối lớn, chẳng hạn 359 người đàn ông tham gia nghiên cứu này, dẫn tới sự khác biệt đáng kể.
Nguồn: https://www.livescience.com/62919-testosterone-genetics-environment.html
Phạm Nhật theo Livescience