Mèo hoang ăn thịt nhiều loài bò sát và là thủ phạm khiến một số sinh vật tại Australia tuyệt chủng.
Nghiên cứu mới chỉ ra, mèo hoang lấy mạng hơn một triệu động vật bò sát mỗi ngày ở Australia, Phys hôm 25/6 đưa tin. Chúng đã xóa sổ một số loài vật của nước này từ khi được người châu Âu đưa đến hai thế kỷ trước. Các nỗ lực triệt sản hoặc giết nhân đạo đến nay vẫn chưa cho thấy hiệu quả đáng kể.
Kết quả nghiên cứu dựa trên hơn 10.000 mẫu thức ăn của mèo do các nhà khoa học môi trường Australia cung cấp. Theo đó, tổng cộng khoảng 650 triệu thằn lằn và rắn trở thành con mồi của mèo hoang và mèo nhà hàng năm.
"Trung bình một năm mỗi con mèo hoang giết chết 225 động vật bò sát", nhà nghiên cứu John Woinarski tại Đại học Charles Darwin cho biết. Mèo hoang ở Australia ăn thịt bò sát nhiều hơn ở Mỹ hay châu Âu. "Chúng tôi bắt gặp nhiều trường hợp chúng ăn số lượng lớn thằn lằn, kỷ lục lên đến 40 cá thể trong bụng một con mèo", Woinarski nói thêm.
Theo nghiên cứu khác do cùng nhóm nhà khoa học tiến hành năm ngoái, mèo giết chết hơn một triệu con chim mỗi ngày ở Australia, trong đó có các loài đang bị đe dọa như chim Cinclosoma punctatum, bồ câu Geophaps scripta và vẹt khoang cổ xanh.Nghiên cứu cũng cho thấy mèo đang tấn công 250 loài bò sát, trong đó có thằn lằn Liopholis kintorei, rồng râu Australia và tắc kè. 11 loài trong số này thuộc nhóm sinh vật bị đe dọa. Số lượng mèo hoang tại Australia lên đến hàng triệu con. Chúng được coi là thủ phạm chính khiến nước này có tỷ lệ động vật có vú tuyệt chủng cao.
Rất khó xác định chính xác mức độ ảnh hưởng của mèo đến động vật bò sát, theo Sally Box, chuyên gia về sinh vật bị đe dọa ở Australia. Nguyên nhân là họ chưa nắm rõ kích thước quần thể của nhiều loài bò sát. Chính phủ nước này đã dành khoảng 23 triệu USD cho các dự án nhằm giảm bớt tác động của mèo hoang đến sinh vật hoang dã.
Theo Vnexpress