Theo sự dẫn đường của người dân địa phương, PGS Chung cùng anh Thắng đã vào trong hang có độ cao 600m so với thung lũng dưới chân núi và phát hiện một di tích khảo cổ vô cùng quý giá. Vào sâu trong hang chừng 10m, nền hang tụt sâu xuống như chiếc giếng với độ sâu gần 20m, đường kính khoảng 3m.
Khi bám dây leo xuống đáy giếng hang, một tầng hang động nữa lại mở ra trước mắt, tối mịt. Đi sâu vào bên trong các nhà khảo cổ đã phát hiện được chiếc quan tài bằng thân cây khoét rỗng - hồn cốt của những câu chuyện hoang tưởng về hang Ma vẫn lan truyền rộng rãi ở huyện Võ Nhai.
PGS -TS Trình Năng Chung (bên phải) và đồng nghiệp xử lý móng chùa thời Trần ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Ảnh: Văn Đức
PGS Chung cho biết: “Đang đi, tôi giật mình chững lại, dưới ánh đèn chuyên dụng, thật bất ngờ một chiếc quan tài bằng thân cây khoét rỗng hiện ra trong một ngách hang, tôi sung sướng đến run người. Cậu học trò đi cùng cũng chung cảm giác như vậy. Bởi lẽ chúng tôi biết rằng, trước mắt chúng tôi là một loại hình di tích mộ táng lần đầu tiên phát hiện được ở khu vực núi rừng Việt Bắc”.
Chiếc quan tài được làm từ thân cây gỗ lớn, xẻ làm đôi. Phần nắp phía trên và nửa thân bên dưới được đẽo lõm xuống hình lòng máng chứa xương cốt và đồ tùy táng. Tại thời điểm PGS Chung phát hiện, phần bụng của thân cây đã bị mọt nên hầu hết những vật tùy táng như bát sứ và xương đều bị rơi xuống dưới dọc theo thân quan tài.
Theo PGS Chung, dựa vào hoa văn trên những chiếc bát được chôn theo mộ, có thể xác định mộ táng này ở thế kỷ 15 hoặc 16. Những chiếc bát này xuất xứ ở lò gốm Chu Đậu (Hải Dương). Từ đó, ông xác định, chủ nhân của quan tài này là người Việt cổ.
Điều lý thú là, trên một vách hang đối diện cách quan tài khoảng 15m có viết bằng nét mực đen hai chữ Hán “Thập thiên” phía dưới vẽ một mũi tên chỉ xuống dưới. Nhiều đồn đoán cho rằng đây là nơi “giấu của” như truyền thuyết trong vùng.
Theo hướng mũi tên, các nhà khảo cổ tìm thấy hố đào rất lớn. Một câu hỏi lớn đặt ra là liệu chủ nhân của mộ thân cây và sự có mặt của hố đào có liên quan đến nhau không? Những câu hỏi này, đến nay PGS Chung và các cộng sự vẫn chưa tìm được bằng chứng để kết luận.
Điều đáng nói, đây là phát hiện đầu tiên tại vùng núi Việt Bắc về hình thức mộ táng thân cây trong hang động. Trước đó, các nhà chuyên môn vẫn đinh ninh rằng, hình thức táng trong hang động chỉ có ở vùng Tây Bắc, ven sông Đà.
Với phát hiện này, PGS Chung tin tưởng rằng, nếu mở rộng diện khảo sát sẽ bổ sung thêm được những di tích tương tự ở vùng núi rừng Đông Bắc.