Nếu các thành phố tràn đầy sức sống luôn là ước muốn của nhân loại, thì Jane Jacobs (1916 – 2006) chính là người đã để lại những chỉ dẫn vô giá để xây dựng chúng.

Jane Jacobs, người đã cách mạng hóa ngành quy hoạch đô thị tại Mỹ. Ảnh: Wikimedia Commons.
Jane Jacobs, người đã cách mạng hóa ngành quy hoạch đô thị tại Mỹ. Ảnh: Wikimedia Commons.

Đó là suy tư trong cuốn The Death and Life of Great American Cities (tạm dịch: Sự sống và lụi tàn của các thành phố lớn ở Mỹ) do Random House (New York) xuất bản năm 1961, và ngay lập tức trở thành hiện tượng. Trong sách, Jacobs đã gợi mở một số nguyên tắc giúp kiến tạo những cộng đồng đô thị lành mạnh, chẳng hạn: các block nhà không chỉ là những khối bê tông mà cần phản ánh được “tình cảm” của người dân ngụ tại đó; hay để duy trì trật tự trong sự gắn kết tương tác, bà đưa ra khái niệm keep eyes on the street, lập luận: các khu phố đông vui với nhiều hoạt động đa dạng thường khá an toàn, bởi hầu hết những rủi ro tiềm ẩn đều được giám sát bởi đám đông. Jacobs ví đường phố cũng giống như sân khấu bale, nơi từng cá nhân dù xa lạ nhưng vẫn cố nhập vai thật tốt nhằm mang lại kết quả cuối cùng là một cộng đồng đáng sống, … Sau hơn nửa thế kỷ, ý tưởng về các môi trường hỗn hợp với mật độ vừa phải, chú trọng không gian xanh và ưu tiên người đi bộ đã thống trị ngành quy hoạch đô thị với trào lưu New Urbanism (đô thị mới) rồi tăng trưởng thông minh, ...

Death and Life ra đời không khác kịch bản phim là mấy. Jacobs, một bà nội trợ đến từ Scranton, chưa tốt nghiệp đại học, đã trải qua nhiều công việc từ thư ký, biên tập viên cho đến nhà văn, để rồi tha thiết yêu từng con phố cũ của New York. Cuộc sống cứ trôi qua bình lặng như vậy, đến khi người phụ nữ ấy nghe về những kế hoạch của Robert Moses – chủ thầu xây dựng tiếng tăm, người đang có tham vọng làm một đại lộ xuyên qua công viên Washington Square Park, nơi bà vẫn đưa con đi học mỗi ngày, bên cạnh dự án cao tốc Hạ Manhattan và hàng chục tòa nhà cao tầng nhân danh phá dỡ, cải tạo các khu ổ chuột. Lúc đó đang là thời hoàng kim của trào lưu “đổi mới đô thị”, nhưng khác với phần lớn mọi người, Jacobs lại cảm thấy các thành phố đang bị tàn phá bởi sự “cuồng nhiệt” của những nhà quy hoạch với tầm nhìn không tưởng và xa rời thực tiễn về cách mọi người nên sống.

Công viên Washington Park tại New York. Ảnh: Wikimedia Commons.
Công viên Washington Park tại New York. Ảnh: Wikimedia Commons.

Năm 1956, Jacobs đại diện cho tạp chí Architectural Forum chia sẻ quan sát của mình tại Harvard, tin rằng các nhà quy hoạch đang mắc sai lầm nghiêm trọng. Bà đã tranh luận cùng những bộ óc lỗi lạc nhất của ngành như Lewis Mumford, Holly Whyte, Jason Epstein, … Nhờ khoản hỗ trợ tài chính từ quỹ Rockefeller Foundation, bà đã viết và xuất bản cuốn sách của mình. Ngay khi vừa ra mắt (tháng 11/1961), Death and Life thực sự đã đánh thức Mỹ, Canada và các xã hội phương Tây. Jacobs chỉ trích Moses cùng những nhà hoạch định và phát triển đô thị khác chẳng khác gì “kẻ mù” khi chỉ ngồi soạn thảo dự án bên bàn giấy, để rồi hủy hoại tiền đồ của các thành phố bằng máy ủi và những khối thép-kính, tuy hiện đại nhưng vô hồn, lạnh lẽo, …

Tương tự như Silent Spring (Mùa xuân thầm lặng) của Rachel Carson hay The Feminine Mystique (Phụ nữ lý tưởng) của Betty Friedan, cuốn sách đã gây chấn động lớn. Nhờ nó mà người dân – vốn lâu nay không tham gia nhiều vào các chính sách cho cộng đồng nơi họ đang sống, và phần lớn bởi những kế hoạch đều chỉ được bàn sau cánh cửa đóng kín, đã đứng lên giành lại quyền của mình. Để phản đối Moses, Jacobs đã tập hợp cư dân New York, thu thập hàng vạn chữ ký, gửi vô số kiến nghị, tham dự các phiên điều trần và tổ chức nhiều cuộc biểu tình, khiến dự án cuối cùng phải hủy bỏ. Hiện nay, những hoạt động này đang ngày càng phổ biến và tạo nên đời sống dân sự sôi nổi ở các xã hội Âu Mỹ.

Những cuộc biểu tình do Jane Jacobs truyền cảm hứng, phản đối bất cập trong chính sách quy hoạch đô thị. Ảnh: Wikimedia Commons.
Những cuộc biểu tình do Jane Jacobs truyền cảm hứng, phản đối bất cập trong chính sách quy hoạch đô thị. Ảnh: Wikimedia Commons.

Tuy nhiên, không phải là không có mâu thuẫn phát sinh từ tầm nhìn của Jacobs. Trong số các ví dụ, phải kể đến trường hợp khu Tây làng Greenwich, vốn là một cộng đồng dân cư đa dạng từ Thế chiến II nơi tập hợp nhiều công nhân bến tàu. Để tạo tiền đề góp phần chỉnh trang nơi này, Jacobs đã kêu gọi phát triển dự án West Village House cung cấp nhà ở với giá phải chăng cho người lao động, và kỳ vọng nó sẽ trở thành một hình mẫu chống nạn đầu cơ. Nhưng ngày nay, đây lại là nơi có giá bất động sản thuộc hàng đắt đỏ nhất New York, cùng với SoHo và Tribeca ở phía Nam, và Meatpacking gần công viên trên cao High Line ở phía Bắc. Hay đây đó trên khắp nước Mỹ, nhiều dự án được thiết kế với mục đích ban đầu rất tốt đã gặp không ít khó khăn vì sự phản đối khi được đưa vào các chương trình nghị sự, ví dụ: kế hoạch xây dựng bãi đậu xe bên cạnh trạm trung chuyển JFK-Umass ở Boston, hay tuyến đường sắt cao tốc mới tại Palo Alto (California), …

Với Death and Life, Jane Jacobs đã tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực quy hoạch đô thị. Lao vào trận chiến không cân sức với Robert Moses, bà đã chẳng khác gì chàng tí hon David chống lại gã khổng lồ Goliath, và cuối cùng giành thắng lợi trên một địa hạt mà ngay đến các thị trưởng, thống đốc, hoặc thậm chí cả tổng thống cũng ngại động chạm. Bước sang thế kỷ 21, xu hướng phát triển các thành phố mới còn đòi hỏi nhà hoạch định phải suy nghĩ xa hơn nữa, nhất là ở khía cạnh sáng tạo trong việc tiếp cận tài chính, khả năng thuyết phục và định hướng bộ máy công quyền, cũng như tầm nhìn liên kết các đô thị thành đại khu (megaregion). Không ai có thể chối bỏ di sản cao chót vót của Jane Jacobs cùng ảnh hưởng vô song do Death and Life mang đến, nhưng triển vọng của các thành phố tương lai có thể sẽ cần nhiều hơn thế, thậm chí phải xét lại cả quan điểm của những “đối thủ” mà bà đã từng chống.