Rêu, địa y và vi khuẩn lam đã tạo thành một lớp vỏ sinh học bảo vệ di sản này trước xói mòn.

Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc là một kỳ quan văn hóa đã sừng sững tồn tại qua hàng bao thiên niên kỷ. Nhưng công trình dài 21.000km này đang có nguy cơ biến mất bởi quá trình xói mòn tự nhiên.

Giờ đây, các nhà khoa học đã phát hiện một số đoạn tường thành được bảo vệ tốt hơn so với các đoạn khác.

Nguyên do là nhờ rêu, địa y và vi khuẩn lam tạo thành một lớp “vỏ sinh học” trên một số đoạn của tường thành. Không chỉ củng cố tường thành, lớp phủ này còn bảo vệ nó khỏi gió và nước. “Lớp phủ sống” cũng giúp tường thành tăng khả năng cách nhiệt trước các biến động về nhiệt độ, các nhà nghiên cứu cho biết.

Vạn Lý Trường Thành này bắt đầu được xây từ khoảng năm 220 TCN để tạo ra “hệ thống phòng thủ thống nhất” cho biên giới phía bắc Trung Quốc. Quá trình xây dựng kéo dài cả ngàn năm. Năm 1987, công trình được UNESCO bầu chọn là Di sản thế giới.

Một số đoạn được xây bằng đất nện, trong đó các vật liệu tự nhiên như sỏi và đất được nén chặt để tạo thành cấu trúc vững chãi. Những vật liệu này cũng cung cấp môi trường sống lý tưởng cho các sinh vật – và qua thời gian, chúng tạo ra một lớp vỏ sinh học bảo vệ phía bên ngoài.

Lớp phủ sinh học hình thành từ rêu, địa y và vi khuẩn lam. Nguồn: Bo Xiao
Lớp phủ sinh học hình thành từ rêu, địa y và vi khuẩn lam. Nguồn: Bo Xiao

Tìm hiểu lớp phủ này, các nhà khoa học Trung Quốc lấy mẫu từ một đoạn tường thành dài gần 500km để phân tích và phát hiện 67% diện tích họ nghiên cứu được bao bọc bởi lớp vỏ sinh học.

Họ cũng tiến hành một chuỗi thí nghiệm để so sánh các mẫu trần trụi và các mẫu có lớp phủ sinh học. Kết quả, những đoạn có lớp phủ sinh học có ít kẽ hở hơn, và chúng chịu đựng tốt hơn trong các bài kiểm tra đo lường khả năng chống chịu. Một số mẫu có lớp phủ lớp sinh học bền chắcgấp ba lần so với các mẫu đất nện trần.

Những phát hiện này rất hợp lý, căn cứ theo những điều mà các nhà khoa học biết về cách vi khuẩn lam và các sinh vật khác hoạt động. Chúng tiết ra những chất có tác dụng như chất kết dính tự nhiên cho các hạt đất nện, làm tăng độ bền và độ ổn định cơ học để chống lại tình trạng xói mòn bên ngoài, đồng tác giả, nhà khoa học về đất Bo Xiao tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết.

Nghiên cứu mới này gợi ý những chiến lược bảo tồn Vạn Lý Trường Thành và các công trình di sản khác được làm từ đất nện. Một số nhà bảo tồn từng phỏng đoán rằng các lớp phủ sinh học có thể khiến các công trình lịch sử xuống cấp nhanh hơn, nhưng nghiên cứu này cho thấy điều ngược lại.

Nguồn: