Các nhà khoa học Brazil đã phát hiện tác động tai hại của thuốc diệt nấm và thuốc trừ sâu dùng trong nông nghiệp đối với sản lượng và chất lượng sản phẩm ngành trồng dâu nuôi tằm.
Theo Journal of Economic Entomology, một vấn đề quan trọng khi sử dụng thuốc trừ sâu trong nông nghiệp là tác động của chúng đối với các sinh vật không liên quan gì đến mục đích sử dụng thuốc trừ sâu. Tác động tiêu cực của nhiều loại hóa chất đối với loài ong mật đã được biết đến rộng rãi. Các nhà khoa học Brazil mới đây đã xác định rằng sâu tằm cũng bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu dùng trong nông nghiệp.
Mục đích nghiên cứu ban đầu của giáo sư Daniel Nicodemo ở Đại học São Paulo là xác định xem pyraclostrobin (một loại thuốc diệt nấm thuộc nhóm strobilurin) liệu có giúp cải thiện chất lượng của lụa hay không. Việc sử dụng chất này ức chế sự phát triển của nấm gây bệnh trên lá dâu tằm, làm chậm sự lão hóa của lá và tăng cường khả năng chịu quá trình ô xy hóa. Các thí nghiệm ban đầu đã xác nhận rằng pyraclostrobin cải thiện giá trị dinh dưỡng của lá, nhưng kết quả thu được khi cho những con sâu tằm ăn lá không như các nhà khoa học mong đợi.
Pyraclostrobin tác dụng lên sâu bướm cũng tương tự như tác động của nó đối với nấm gây bệnh. Pyraclostrobin làm gián đoạn hoạt động của chuỗi hô hấp vận chuyển electron, ức chế vận chuyển electron trong các ti thể và giảm sản sinh ra các phân tử mang năng lượng. Giáo sư Daniel Nicodemo giải thích rằng pyraclostrobin hoạt động như một chất ức chế chuỗi hô hấp, ảnh hưởng đến sinh học ty thể. Do đó, tác dụng chính dự kiến đối với nấm cũng xảy ra đối với tằm. Hậu quả là sự gia tăng tỷ lệ tử vong của sâu tằm lên đến 3 lần và giảm trọng lượng kén do những con tằm sống sót tạo ra.
Các nhà nghiên cứu không loại trừ rằng các loại thuốc trừ sâu khác cũng tác động có hại đối với tằm. Các chủ sở hữu của trang trại trồng dâu nuôi tằm Brazil đã bắt đầu nhận thấy rằng sản lượng và chất lượng lụa suy giảm ngay cả khi sâu tằm được chăm sóc đúng đắn và với chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
Vì ở Brazil diện tích trồng cây dâu tằm thường là khu vực nhỏ bao quanh bởi các đồn điền rộng lớn trồng ngô, đậu nành hoặc mía, nơi thuốc trừ sâu được sử dụng nhiều nên các nhà nghiên cứu cho rằng các hóa chất dùng trong nông nghiệp là nguyên nhân khiến sản lượng và chất lượng lụa giảm sút.
Theo Motthegioi