Khi nhắc đến những thành tựu trong nghiên cứu Việt Nam học quốc tế, không thể bỏ qua công trình “Law and Society in Seventeenth and Eighteenth Century Vietnam” (1990) của GS Yu Insun, một học giả quốc tế hàng đầu về lịch sử Việt Nam nói chung, và luật pháp và xã hội nói riêng.

Việc công trình này được xuất bản một lần nữa ở Việt Nam dưới nhan đề Luật và Xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII mang đến cơ hội cho độc giả trong nước tiếp cận một nghiên cứu và quan điểm khác trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam.

Cuốn sách dựa trên cơ sở luận án tiến sĩ được bảo vệ tại Đại học Michigan năm 1978 của GS Yu Insun. Nguồn: Times
Cuốn sách dựa trên cơ sở luận án tiến sĩ được bảo vệ tại Đại học Michigan năm 1978 của GS Yu Insun. Nguồn: Times

Đầu tiên, phải khẳng định Luật và Xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII là một công trình nghiên cứu công phu, tỉ mỉ và sâu sắc về sự phát triển và thực thi Quốc triều Hình luật hay Luật Hồng Đức lên cấu trúc gia đình Việt Nam truyền thống cũng như mối quan hệ giữa nhà nước - gia đình, cá nhân - xã hội, gia đình - dòng họ,... trên cơ sở các quy định luật pháp. Đặt trong bối cảnh một xã hội Việt Nam nằm giữa những luồng giao lưu và tiếp xúc với văn minh Trung Hoa và văn minh Ấn Độ, lại nằm dưới sự cai trị của một thượng tầng tự định hình và uốn nắn mình theo các điển phạm Nho học phương Bắc, thì việc tìm hiểu luật và xã hội của Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII có ý nghĩa khoa học và thực tiễn to lớn.

Trên cơ sở là luận án tiến sĩ được bảo vệ tại Đại học Michigan (1978) của mình, GS Yu Insun không chỉ tham khảo và kế thừa các nghiên cứu trước đó, mà còn tự mình kiểm tra, đối chiếu một cách cẩn thận và chặt chẽ các nguồn tư liệu Hán-Nôm, bao gồm nhiều tư liệu gốc có giá trị cao. Ngoài ra, ông còn bổ sung và sử dụng nhiều nguồn tư liệu về Việt Nam do người phương Tây và lữ khách đương thời ghi chép lại. Đồng thời, ông liên tục cập nhật cả các nghiên cứu mới của giới học giả Nhật Bản về Việt Nam trong những năm 1980. Điều này không chỉ cho thấy tinh thần cầu thị của ông, mà còn đảm bảo tính xác thực và khách quan trong nghiên cứu.

Mặc dù chưa từng đến Việt Nam vào thời điểm lần đầu xuất bản cuốn sách, Yu Insun đã xác định được vấn đề cơ bản của mối quan hệ giữa cá nhân - tập thể, giữa gia đình - xã hội - nhà nước chính là yếu tố cấu trúc gia đình. Đó là thành công bước đầu của cuốn sách. Như nhiều nghiên cứu truyền thống, Yu Insun đã đặt cấu trúc gia đình Việt Nam trong sự đối sánh với cấu trúc gia đình Trung Hoa như một cách để khơi gợi những tương đồng và dị biệt chỉ Việt Nam mới có.

Khác biệt đầu tiên chính là mối quan hệ căn bản trong gia đình Việt dựa trên quan hệ chồng - vợ (phu-phụ) so với xu hướng cha - con (phụ-tử) ở gia đình Trung Hoa. Bởi cấu trúc cốt lõi của xã hội Việt Nam là gia đình hạt nhân, nơi người chồng dù được quy định nhiều quyền lợi và trách nhiệm hơn theo kinh điển Nho giáo, không thể hoàn toàn lấn át được người vợ như trong các đại gia đình-dòng họ Trung Hoa truyền thống.

Cấu trúc gia đình Việt Nam truyền thống chịu ảnh hưởng nhiều của xã hội Đông Nam Á hơn so với những chuẩn mực và quy phạm Trung Hoa, vốn chứa đựng nhiều quy tắc tôn ti trật tự về ngôi thứ, thân sơ và giới tính. Vai trò người phụ nữ Việt Nam còn tăng lên bởi khả năng và ưu thế của họ trong các hoạt động kinh tế (đặc biệt là thương mại) so với người đàn ông trong gia đình. Họ được quyền sở hữu tài sản riêng, độc lập về kinh tế trước và trong hôn nhân, có quyền tham gia bàn bạc với chồng về tài sản chung, cũng như duy trì chặt chẽ mối quan hệ với nhà mẹ đẻ ngay cả sau khi về nhà chồng. Không chỉ vậy, họ còn có thể nhận được phần tài sản thừa kế của cha mẹ, cũng như đứng ra kế thừa hương hỏa trong trường hợp không có anh em trai. Và bởi vì các gia đình hạt nhân như vậy, người Việt Nam chấp nhận việc con cái có thể ra ở riêng, tách hộ, phân gia ngay sau khi kết hôn dù cha mẹ vẫn còn sống. Tuy nhiên, tác giả cũng lập luận rõ một thực tế, các gia đình thuộc tầng lớp trên trong xã hội có xu hướng chịu ảnh hưởng Nho giáo hơn so với các gia đình chịu ảnh hưởng phong tục truyền thống bản địa.

GS Yu Insun mở rộng nghiên cứu của mình bằng việc xác định mối quan hệ giữa các cá nhân - gia đình - dòng họ - làng và mối quan hệ làng - liên làng - siêu làng trong các tương tác giữa làng và nhà nước.

Tác giả chỉ ra dù coi Nho giáo như một hệ tư tưởng để điều chỉnh các cấu trúc xã hội của triều đình trung ương, nhưng nhà Lê-Trịnh không cố gắng áp đặt các cấu trúc gia đình Nho giáo hoàn toàn lên xã hội. Một phần của điều này bắt nguồn từ những lo ngại thiết lập các dòng họ thế gia có thể thách thức triều đình tại địa phương, phần vì chính phản kháng từ những gia đình và làng mạc trong đời sống thường nhật. Trớ trêu là việc triều đình để mất quyền kiểm soát các chính quyền làng xã trên thực tế trong thế kỷ XVIII đã tạo điều kiện cho những lo ngại nêu trên tiến triển. Nỗ lực áp đặt Nho giáo đã tạo nên tầng lớp quan lại có ảnh hưởng tại địa phương, cấu kết với họ hàng để tạo dựng thế lực, ẩn lậu thuế và nhân lực đóng góp cho triều đình.

GS Yu Insun ký tặng sách hôm 13/9/2023 ở Hà Nội nhân dịp dự tọa đàm về tác phẩm của mình. Nguồn: Times
GS Yu Insun ký tặng sách hôm 13/9/2023 ở Hà Nội nhân dịp dự tọa đàm về tác phẩm của mình. Nguồn: Times

Một trong những vấn đề cần chú ý trong nghiên cứu này chính là việc tác giả giới hạn chủ đề nghiên cứu của mình trong một thời gian và không gian tương đối đặc biệt. Về mặt thời gian, thay vì lựa chọn nghiên cứu xã hội và luật pháp dưới thời Lê Sơ thế kỷ XV, một trong những giai đoạn huy hoàng nhất của lịch sử quân chủ Việt Nam, Yu Insun đã lựa chọn tập trung vào hai thế kỷ XVII-XVIII, mà quan điểm truyền thống vẫn xem là giai đoạn khủng hoảng của chính quyền Lê-Trịnh. Về mặt không gian, dù là nghiên cứu về Việt Nam, trên thực tế, tác giả tập trung hầu hết vào Đàng Ngoài (nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Lê-Trịnh) và chỉ mở rộng đến không gian Bắc Trung Bộ ở Huế. Như vậy, về cơ bản, không gian cho các nghiên cứu và nhận định trong cuốn sách này giới hạn trên lãnh thổ nhà Lê Sơ, trước khi có những diễn tiến về dân tộc-lãnh thổ sau cuộc chiến với Champa (1471) và Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa gây dựng sự nghiệp cát cứ cho dòng họ mình giữa thế kỷ XVI.

Việc giới hạn thời gian và không gian như vậy là một trong những tính độc đáo của cuốn sách. Trên cơ sở căn cứ khoa học là việc phát triển và thực thi Quốc triều Hình luật hay Luật Hồng Đức lên xã hội Việt Nam, tác giả cho thấy những thành công, khó khăn và độ chênh mà triều đình Lê-Trịnh đã phải đối mặt khi áp dụng một bộ luật được tạo dựng trong thời kỳ thái bình thịnh trị thế kỷ XV vào một xã hội suy vi, hỗn loạn và bất ổn thế kỷ XVII-XVIII. Đây là những thế kỷ mà chính quyền Lê-Trịnh phải chiến đấu trên cả ba mặt trận: (1) trấn áp các tàn dư nhà Mạc ở Cao Bằng cho đến năm 1677; (2) đối đầu với thế lực cát cứ của chúa Nguyễn ở Đàng Trong; và (3) căng mình chống lại các cuộc khởi nghĩa nông dân, bạo loạn, kiêu binh và giặc cướp trong lãnh thổ. Những đợt xung đột liên miên này tàn phá ghê gớm cơ sở hạ tầng của Đàng Ngoài, vô hình trung dẫn đến các thay đổi, biến động và xáo trộn trong cơ cấu xã hội Việt Nam truyền thống. Và khi thời cuộc thay đổi cấu trúc xã hội, một phản ứng chung thường thấy ở các chính quyền phương Đông là tìm cách viện dẫn lại những điển phạm và truyền thống được xem là ưu việt trong quá khứ để áp đặt vào hiện tại, coi đó là phương thức tối ưu để ổn định lại trật tự vốn có.

Bên cạnh đó, không gian Đàng Ngoài (gồm đồng bằng sông Hồng và đồng bằng Thanh-Nghệ) là không gian lý tưởng nhất để nghiên cứu. Về cơ bản, đây là không gian tập trung đông đúc dân số, dày đặc các trật tự xã hội truyền thống với những cấu trúc chặt chẽ tưởng chừng như khó thay đổi. Sự tồn tại của hệ thống liên kết các làng, liên làng, siêu làng dọc theo các dòng sông và trục thủy lộ chính là hậu phương cho sức mạnh của triều đình, nhưng cũng như đóng vai trò là các thế lực phản kháng triều đình mạnh mẽ nhất. Do đó, chúng tôi cho rằng việc lựa chọn Đàng Ngoài là không gian nghiên cứu hoàn toàn hợp lý.

Có thể nói, công trình của Yu Insun dù có một vài hạn chế chủ yếu bởi nhận thức lịch sử, nhưng đóng một vai trò quan trọng cho lĩnh vực nghiên cứu lịch sử Việt Nam trên quốc tế. Cuốn sách của ông không chỉ đơn thuần dành cho giới nghiên cứu về lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á thời kỳ Cận đại mà còn có giá trị với nhiều bạn đọc quan tâm đến nhiều khía cạnh khác nhau như lịch sử luật pháp và nhà nước, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong gia đình và xã hội truyền thống…