Simba và Kimba
"Vua sư tử" lần đầu xuất hiện vào năm 1994, được quảng cáo rầm rộ là bộ phim "nguyên tác" đầu tiên của Disney sau nhiều thập kỷ chỉ tập trung chuyển thể truyện cổ tích.
Dù không được kỳ vọng nhiều và chỉ được giao cho những chuyên viên đồ họa "hạng B" (những người giỏi nhất được Disney điều về dự án Pocahontas), Vua sư tử ngay lập tức trở thành một hiện tượng khi nhận được vô vàn lời khen từ các chuyên gia nghệ thuật.
Thành công nối tiếp thành công, Vua sư tử vươn lên trở thành bộ phim hoạt hình có doanh thu phòng vé lớn nhất trong lịch sử với 986 triệu USD. Vua sư tử còn được giải Quả cầu vàng cho bộ phim ca nhạc hay nhất, nằm trong top 50 phim có doanh thu cao nhất lịch sử và luôn dẫn đầu doanh thu băng video trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, nhiều chỉ trích đã xuất hiện giữa "cơn mưa" thành công của Vua sư tử, đặc biệt là từ giới hâm mộ Nhật Bản và vị Vua của họ - Kimba.
Kimba – chú sư tử trắng xuất hiện lần đầu vào những năm 1950 thông qua bộ truyện tranh "Chúa tể rừng xanh". Được sáng tác và phát thảo bởi Osamu Tezuka và được chuyển thể thành phim hoạt hình vào năm 1965 - 1966 (gần 30 năm trước khi Vua sư tử của Disney ra đời).
Tuy không thành công bằng người em Simba, nhưng Kimba cũng gây được không ít tiếng vang trong nước, thậm chí còn được lồng tiếng và trình chiếu trên truyền hình nội địa Mỹ vào cuối những năm 1960.
Nhưng điều làm người hâm mộ Nhật Bản bất ngờ nhất là sự tương đồng giữa hai cốt truyện, trong Chúa tể rừng xanh, Kimba là một chú sư tử trắng có cha từng là Chúa tể của khu rừng, nhưng khi cha của mình bị hãm hại, Kimba bị lạc tới một nơi rất xa. Sau một thời gian, Kimba tìm về quê hương của mình để đối đầu với nhân vật sư tử phản diện Claw cùng với bầy thuộc hạ linh cẩu.
Nếu giấu đi tên nhân vật, đa phần mọi người sẽ không phân biệt được câu chuyện trên là của Kimba hay Simba.
Phản ứng của Disney
Ngay khi được hỏi, người đại diện của Disney ngay lập tức phủ nhận mọi cáo buộc, khẳng định tất cả nhân sự tham gia sản xuất Vua sư tử hoàn toàn không biết đến Kimba hay tác giả Tezuka.
Trong một buổi phỏng vấn với tờ Los Angeles Times, đạo diễn Rob Minkoff không những phủ nhận mọi tin đồn mà còn nhấn mạnh rằng ông chỉ biết Kimba khi đến Nhật Bản để quảng cáo cho Vua sư tử.
Tuy nhiên, những lời khẳng định trên hoàn toàn không thuyết phục được người hâm mộ Nhật Bản, thứ nhất vì đồng đạo diễn Vua sư tử - Roger Allers đã từng làm chuyên viên hoạt hình tại Nhật vào những năm 1980, thời kỳ mà Kimba đã tạo được tên tuổi và xuất hiện khắp nơi trong nước.
Thứ hai, Tezuka và công ty của mình còn được biết đến với biệt danh "Disney Nhật Bản" vì là một trong những đối tác hiếm hoi được Disney liên hệ để chuyển thể truyện tranh cho hai tác phẩm nổi tiếng: Bambi vào năm 1951 và Pinocchio vào năm 1952.
Bambi và Pinocchio phiên bản manga
Dư luận càng sôi sục hơn khi Matthew Broderick - diễn viên lồng tiếng cho Simba thừa nhận đã không phân biệt được nhân vật mà mình sẽ nhập vai: "Tôi tưởng đạo diễn đang nói về Kimba, chú sư tử màu trắng trong bộ phim hoạt hình tôi xem hồi nhỏ."
Không những thế, chủ tịch Roy Disney cũng nhầm lẫn khi gọi tên nhân vật "Kimba" trong một cuộc phỏng vấn trước khi Vua sư tử ra mắt.
Series hoạt hình nổi tiếng - Gia đình Simpsons còn chế giễu sự nhầm lẫn trên bằng một phân đoạn, trong đó có hình ảnh Vua sư tử hiện trên mây và nói: "Hãy trả thù cho cha, Kimba... à nhầm, Simba".
Những điểm tương đồng
Không chỉ là cốt truyện và tên nhân vật, cùng điểm qua một loạt điểm tương đồng trong tạo hình giữa Simba và Kimba.
Thế đứng "chúa tể" của hai vua sư tử
Mâu thuẫn giữa cha Simba và Kimba với một sư tử phản diện
Cả hai đều nhìn thấy hình ảnh cha của mình trên mây
Scar và Claw - hai nhân vật phản diện với vết sẹo trên mắt
Nhân vật khỉ đầu chó thông thái
Hình ảnh đàn thú di chuyển lúc hoàng hôn kinh điển
Ngoài ra còn một loạt điểm tương đồng đến khó tin giữa các nhân vật phụ như chim chóc, heo rừng, cảnh Simba và Kimba thử ăn thực vật, nhân vật chính bị nhân vật phản diện đẩy xuống vực sâu …
Không khó để đồng cảm với sự bức xúc của người hâm mộ Nhật Bản khi xem qua những hình ảnh trên.
Phản ứng từ phía Nhật Bản
Nhiều tờ báo đã tìm đến công ty của Tezuka và gia đình để tìm hiểu rõ hơn, nhưng mọi người chỉ thừa nhận rằng có sự tương đồng giữa Simba và Kimba, không ai mong muốn làm sự việc trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, có 3 lý do để phía Nhật Bản chịu "khuất phục" như vậy, thứ nhất là mối quan hệ giữa hãng phim Nhật và Disney, hiện một bên đã trở thành thế lực giải trí mang tầm vóc toàn cầu, đối tác Châu Á sẽ hoàn toàn bất lợi nếu làm lớn sự việc.
Thứ hai có lẽ đến từ nguyện vọng của tác giả quá cố Tezuka, khi còn sống, ông luôn khẳng định mình là một "fan chân chính" của Disney, ông cũng từng bày tỏ mong muốn Disney có thể chuyển thể đứa con tinh thần Kimba của mình lên màn ảnh rộng.
Và cuối cùng là hiệu quả truyền thông mà Vua sư tử Simba đã mang lại cho "đàn anh" Kimba, sau nhiều bài báo "bóc mẽ" sự giống nhau đến lạ thường giữa hai bộ phim, doanh thu băng video của Vua sư tử Nhật bỗng nhiên tăng vọt.
Simba và Kimba, sự trùng hợp ngẫu nhiên hay vụ án "sao chép" thành công nhất mọi thời đại? - Câu hỏi có lẽ sẽ không bao giờ có lời giải.