Đối với hầu hết người lao động trên khắp thế giới, ngày Chủ nhật là dịp để họ nghỉ ngơi, phục hồi sức lực sau một tuần làm việc vất vả, cũng như để đi lễ nhà thờ, gặp gỡ người thân, bạn bè, tham gia các sinh hoạt văn hóa, tinh thần,… hay dọn dẹp nhà cửa.

Mặc dù vậy, nhà lãnh đạo Joseph Stalin (1878 – 1953) lại có vẻ không thích Chủ nhật cho lắm bởi nó kìm hãm mục tiêu đầy tham vọng của ông: biến Liên Xô thành siêu cường công nghiệp chỉ trong một thời gian ngắn. Cứ tới Chủ nhật là cỗ máy sản xuất khổng lồ trên toàn Liên bang lại tạm ngừng hoạt động, năng suất giảm về 0, trong khi người lao động thì ở nhà để theo đuổi những mục tiêu “không mấy phù hợp với cách mạng” như ngủ, chăm sóc gia đình, cầu nguyện,… Tháng 9/1929, Stalin phê chuẩn một cuộc thử nghiệm lớn trên toàn xã hội mà sẽ ảnh hưởng đến 160 triệu người – theo đề xuất của nhà kinh tế kiêm chính trị gia Bolshevik Yuri Larin (1882 – 1932), nhằm tạo nên một cuộc cách mạng nhảy vọt về năng suất.

Công nhân trong một nhà máy ở Liên Xô thập niên 1920.
Ảnh: Archive Z/Flickr
Yuri Larin, cha đẻ kế hoạch Nepreryvka. Ảnh: Wikipedia

Kế hoạch mang tên Nepreryvka tức “tuần làm việc liên tục”. Theo quy định mới, một tuần sẽ chỉ có năm ngày – bỏ thứ bảy và Chủ nhật; lao động thuộc tất các ngành nghề sẽ làm việc bốn ngày và nghỉ một ngày, nhưng ngày nghỉ này cũng không giống nhau khi từng người sẽ có một lịch trình riêng. Toàn bộ lực lượng lao động trong xã hội được chia thành năm nhóm, mỗi nhóm có lịch làm việc và nghỉ ngơi giống như chế độ làm việc theo ca (nhưng tính bằng ngày chứ không phải giờ). Bằng cách này, Larin muốn đảm bảo ngày nào cũng có 4/5 tổng số lao động làm việc, hoạt động sản xuất không bị gián đoạn và năng suất theo đó sẽ liên tục tăng trưởng. Những bảng phân công công việc mới được thiết kế với phần mã hóa bằng các màu sắc hoặc biểu tượng (VD: ngôi sao, cái búa, máy bay,…). Từng người đàn ông và phụ nữ sẽ được gán cho một màu cùng biểu tượng để tham khảo và tự tính toán lịch nghỉ của mình. Trên lý thuyết, hệ thống này tỏ ra khá đơn giản và dễ thực hiện khi mỗi cá nhân sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm về tiến độ của riêng họ. Nó khiến cỗ máy tăng trưởng giờ đây vận hành không khác gì một cuộc thi chạy tiếp sức: mỗi lao động cố gắng thể hiện tốt nhất trong tuần làm việc ngắn hơn (kéo dài bốn ngày) và bàn giao nhiệm vụ cho người chạy kế tiếp; những ngày nghỉ sẽ tới sớm hơn và tần suất của chúng cũng tăng lên.

Lịch Xô Viết năm 1933, vẫn bao gồm các tháng (theo lịch Gregorian), tuần 7 ngày truyền thống, 5 ngày nghỉ lễ quốc gia, cộng thêm tuần làm việc 6 ngày. Ảnh: Wikimedia

Đứng từ góc nhìn kinh tế, kế hoạch của Larin thực sự rất rõ ràng, nhưng lại là một thảm họa xã hội học. Thử hình dung các công nhân, những người đã dành cả tuần lao động trong điều kiện không mấy thoải mái (dơ dáy, thiếu thốn, áp lực) rồi cuối cùng trở về nhà trong sự cô đơn và nỗi trống trải. Do lịch làm việc khác nhau, những thành viên trong gia đình và người thân, bạn bè,… không còn điều kiện để gặp gỡ, kết giao, tương tác. Đức tin và hoạt động tôn giáo của các cộng đồng cũng bị ảnh hưởng khi con chiên không thể tụ họp cầu nguyện đông đảo tại nhà thờ. Dần dần họ trở nên bất mãn và tìm cách phản đối cuộc sống quá nhiều áp lực – chỉ có công việc với những cỗ máy vô tri giác cũng đang bị vắt kiệt. Dưới đây là ý kiến của một công nhân ẩn danh đăng trên tờ Pravda (Sự thật) – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Liên Xô: “Chúng tôi biết làm gì khi về nhà mà vợ đang ở nhà máy, con cái đi học, và cũng chẳng biết gặp ai? Đời sống sẽ ra sao khi các ngày nghỉ được sắp xếp theo ca và không giống nhau đối với tất cả mọi người? Sẽ chẳng còn ngày lễ nếu bạn phải đón chúng một mình”.

Tình trạng người lao động vắng mặt – trong ngày làm việc và cả những cuộc họp phổ biến tư tưởng, đường lối theo chủ nghĩa Marx Lenin – xuất hiện ngày càng nhiều, và viễn cảnh tăng trưởng năng suất cũng bị nghi ngờ. Cuộc thử nghiệm không tưởng (utopia) nhanh chóng thất bại. Năm 1931, Stalin phải thừa nhận đã ra quyết định thiếu sót và đưa ngày thứ bảy trở lại (thành tuần sáu ngày). Trong hệ thống mới, tất cả người lao động sẽ có chung một ngày nghỉ là thứ bảy – rơi vào ngày 6, 12, 18, 24 hoặc 30 của tháng. Tuy nhiên, sự điều chỉnh này vẫn không thể làm yên lòng giai cấp vô sản và sau một thập kỷ (11 năm), nhà lãnh đạo tối cao cuối cùng cũng phải thừa nhận: bất cứ ai cũng cần có những giờ phút nghỉ ngơi chung. Lịch tuần bảy ngày, bao gồm Chủ nhật, được khôi phục vào ngày 26/6/1940 – bốn ngày sau khi Hitler (1889 – 1945) quyết định tấn công Liên Xô.

Theo History of Yesterday, Amusing Planet