Ngày 2 tháng 5 vừa qua thế giới kỷ niệm 500 năm ngày mất của Leonardo da Vinci - một thiên tài đa dạng. Thế giới kêu gọi năm 2019 là “Năm Leonardo”.

Leonardo là một thiên tài đa dạng. Ông là họa sĩ, nhà tạc tượng, kiến trúc sư, nhà giải phẫu, nhà phát minh, kỹ sư quân sự, triết gia. Tất cả hợp nhất trong một con người. Leonardo là nguồn cảm hứng to lớn cho nhân loại trong năm thế kỷ qua. Tác giả Walter Isaacson viết: “Con đường tốt nhất tiếp cận đời ông là con đường ông tiếp cận thế giới: tràn ngập óc tò mò và lòng ngưỡng mộ các kỳ quan vô tận của nó.” Óc tò mò, tò mò vô hạn, tò mò mãi mãi, mở lòng với cái huyền bí của tự nhiên là đặc tính nổi bật của ông với tư cách người khám phá, phát minh. Đó cũng chính là đặc tính của Albert Einstein. Trong quyển sách mình, tác giả Isaacson đưa ra nhiều bài học mà chúng ta có thể học được từ Leonardo (Chương 33).

Leonardo da Vinci (1452-1519), tự-họa, có lẽ vẽ từ năm 1510 đến 1515. Ông sinh ngày 15/4/1452 tại thành phố Vinci vùng Tuscany, Ý, và mất ngày 2/5/1519 tại Château d’Amboise, Pháp. Mộ của ông hiện nay nằm tại nhà nguyện St. Hubert của Château d’Amboise.
Leonardo da Vinci (1452-1519), tự-họa, có lẽ vẽ từ năm 1510 đến 1515. Ông sinh ngày 15/4/1452 tại thành phố Vinci vùng Tuscany, Ý, và mất ngày 2/5/1519 tại Château d’Amboise, Pháp. Mộ của ông hiện nay nằm tại nhà nguyện St. Hubert của Château d’Amboise.

Có lẽ hai câu thơ của Goethe sau đây đặc trưng được tinh thần của Leonardo:

Willst du ins Unendliche schreiten,
Geh nur im Endlichen nach allen Seiten.
Tiến về vô hạn, nếu bạn muốn,
Hãy đi trong hữu hạn về mọi hướng.

Leonardo đi trước thời đại, phát triển những ý tưởng mà không ai trước đó làm, nghĩ những điều như không tưởng. Nếu hủy diệt, hay lật đổ – Disruption – là khái niệm phổ biến hôm nay dành cho những công nghệ đột phá tại thung lũng Silicon, có tính lật đổ thế giới cũ, thì Leonardo da Vinci là người đã có những ý tưởng “lật đổ” thế giới trước thung lũng Silicon mấy trăm năm (Der Spiegel). Ông là, nếu muốn so sánh, Mark Zuckerberg, Jeff Bezos, Elon Musk và Larry Page kết hợp lại trong một con người. Không phải, tác giả nói, đúng hơn, những người này muốn được như Leonardo (Spiegel).

Nhưng có một người ít nhiều giống Leonardo: Steve Jobs. Là một trong những người ngưỡng mộ Leonardo, Jobs phát biểu:

Những người thật sự tạo ra những đồ vật làm thay đổi kỹ nghệ này là những người vừa là nhà tư tưởng (thinker) và vừa là người làm (doer), hai thứ trong một nhân vật. Những người làm là những nhà tư tưởng quan trọng. Leonardo có một anh chàng nào đó đứng bên cạnh để nghĩ trước năm năm về tương lai không? Nghĩ về thứ gì ông ta phải vẽ, hay kỹ thuật nào mà ông nên áp dụng để vẽ chăng? Dĩ nhiên là không. Leonardo là một nghệ nhân (artist) – nhưng ông cũng hòa lẫn tất cả những bức tranh của ông. Ông là một nhà hóa học khá giỏi. Ông hiểu biết những chất màu, biết về giải phẫu học con người. Và kết hợp tất cả những kỹ năng đó lại – nghệ thuật và khoa học, nghĩ và làm – đã làm nên kết quả ngoại hạng.

Thực tế, Steve Jobs cũng có một số tính chất đó: là người kết hợp nghệ thuật và khoa học (công nghệ), nghĩ và làm. Có lẽ vì thế nên Jobs thấy gần gũi với Leonardo. Hai người đều phát triển những tài năng đa dạng. Ngoài ra, Leonardo và Jobs còn đều là những người ăn chay trường. Bữa ăn tối đầu tiên mà Jobs mời người vợ tương lai Laurene Powell diễn ra ở đâu? − Tại một nhà hàng chay!

Phương Tây không chỉ có tôn giáo, lòng mộ đạo, đại học, khoa học, mà còn có cả âm nhạc, hội họa, kiến trúc và thi ca. Tất cả đều vĩ đại, và hài hòa nhau làm thành một nền văn minh vô cùng độc đáo. Thời Phục Hưng sản sinh ra những bậc kỳ tài. Leonardo da Vinci, cũng như Michelangelo 20 năm sau ông, hay Galilei sau đó, là những con người mang những nét hoàn vũ của thời Phục Hưng: tài năng rất đa dạng, uyên bác, và có tính nhân văn cao. Chủ nghĩa nhân văn thời Phục Hưng đặt con người và tác phẩm của nó, chủ nghĩa cá nhân, cái tôi, nhân cách, vào trung tâm của mối quan tâm. Nền văn hóa không thể khám phá ra cái vĩ đại của thế giới nếu nó không khám phá ra chính cái vĩ đại của con người, và đưa cái vĩ đại đó ra ánh sáng (Jacob Burckhardt). Con người bước vào giai đoạn tự khám phá con người, và tự hiểu sự vĩ đại của chính mình. Tất cả những vấn đề liên quan đến con người đều có lý do chính đáng để được nghiên cứu: nghệ thuật, triết học, văn học, chính trị và khoa học. Các hàn lâm viện tư dần dần hình thành để đáp ứng nhu cầu của sự phát triển này, độc lập với nhà thờ. Hoạt động trí thức vượt ra khỏi khuôn khổ đại học, và được các mạnh thường quân là giới quyền lực thế tục, giới quý tộc, thương gia hỗ trợ mạnh mẽ. Đặc biệt dòng họ Medici của Florence là nhà mạnh thường quân lớn nhất.

Hệ quả của sự chuyển biến tinh thần đó là vị trí độc tôn thần học và triết học trong đầu của giới văn hóa đã bị lung lay. Chủ nghĩa nhân văn đã thu hút ngày càng mạnh mẽ trí tuệ của các tài năng giỏi nhất, tuy không nhằm làm suy yếu trực tiếp các thể chế tôn giáo, nhưng hệ quả của nó là làm xói mòn quyền lực quá tuyệt đối của các thể chế này (Stillman Drake). Nghệ thuật và Khoa học thăng hoa trong thời kỳ thế kỷ 15 và 16 khắp châu Âu ở mức độ chưa từng có.

Mối liên hệ giữa Hội họa và khoa học

Trong một bài tiểu luận về Leonardo da Vinci, nhà khoa học Jacob Bronowski đã nói “Chỉ có một họa sĩ mới bắt khoa học thay đổi cách nhìn của nó, Leonardo là họa sĩ như vậy. Hay nói một cách khác, nhà khoa học và họa sĩ có cùng một đặc điểm: con mắt quan sát tự nhiên chính xác.

Salvator Mundi, Người cứu rỗi thế giới của Leonardo da Vinci, c.1500.
Salvator Mundi, Người cứu rỗi thế giới của Leonardo da Vinci, c.1500.

Hệ quả của nó là, không phải ngẫu nhiên phương Tây đã có cả hai, hội họa lẫn khoa học, bởi họ có con mắt quan sát chính xác và khoa học. Và cũng ngạc nhiên, chắc không phải ngẫu nhiên, khi Việt Nam đều thiếu vắng cả hai trong lịch sử. Người Nhật có nền hội họa dựa trên quan sát chính xác rất phát triển khiến phương Tây ngưỡng mộ, đặc biệt qua cuộc triển lãm quốc tế tại Paris năm 1867, và có lẽ là dân tộc có óc tò mò mãnh liệt nhất trong các dân tộc Á châu, để quan sát và “bắt chước” một cách chính xác như sự vật, không lẫn lộn hay để chủ quan, định kiến lấn át sự thật trước mắt mình, cho nên họ đã nhanh chóng trở thành quốc gia công nghiệp giàu mạnh đầu tiên ở châu Á. Họ “sao lại” chính xác mô hình phát triển rút tỉa từ phương Tây, pha lẫn những khẩu vị riêng của họ, nhưng không đánh mất phần cốt lõi. Óc quan sát và nhận định chính xác của họ đặc biệt được thể hiện một cách tài tình qua chuyến công du lịch sử có tên Sứ mệnh Iwakura trong hai năm 1871-1873 của 50 vị lãnh đạo cao cấp của Nhật Bản Minh Trị đi thăm 20 quốc gia Mỹ và châu Âu để tìm mô hình phát triển cho Nhật Bản, mở đường cho cuộc canh tân ồ ạt sau đó (Xem một quyển sách sắp tới). Cái tò mò thánh thiện và óc quan sát chính xác ấy dường như còn thiếu ở Việt Nam, và đó là “lỗ hổng văn hóa” đến bây giờ vẫn chưa lấp được.

Mona Lisa là bức tranh nổi tiếng nhất thế giới của Leonardo. Ông bắt đầu vẽ nó năm 1503, và mang theo qua Pháp để tiếp tục hoàn thiện vào những năm cuối đời, tức kéo dài cả khoảng thời gian 16 năm.
Mona Lisa là bức tranh nổi tiếng nhất thế giới của Leonardo. Ông bắt đầu vẽ nó năm 1503, và mang theo qua Pháp để tiếp tục hoàn thiện vào những năm cuối đời, tức kéo dài cả khoảng thời gian 16 năm.

Madonna trong hang đá Leonardo diễn tả hang động thiên nhiên xuất sắc.
Madonna trong hang đá Leonardo diễn tả hang động thiên nhiên xuất sắc.

Cơn mưa bất chợt trên cầu(Shin-Ōhashi và Atake) (1857), tranh khắc gỗ của danh họa Utagawa (Andō) Hiroshige(1797-1858), vớinhững quan sát chính xác và tinh tế bậc thầy.
Cơn mưa bất chợt trên cầu(Shin-Ōhashi và Atake) (1857), tranh khắc gỗ của danh họa Utagawa (Andō) Hiroshige(1797-1858), vớinhững quan sát chính xác và tinh tế bậc thầy.

The Vitruvian Man(Con người theo Vitruvius) của Leonardo 1485.
The Vitruvian Man(Con người theo Vitruvius) của Leonardo 1485.

Bức tranh này dựa trên nguồn cảm hứng xuất phát từ Marcus Vitruvius Pollio, sinh năm 80 trước Công Nguyên, phục vụ trong quân đội La Mã dưới sự lãnh đạo của Caesar, chuyên môn về thiết kế và chế tạo các máy pháo. Vitruvius tin rằng các tỷ lệ kích thước của con người là tương tự với tỷ lệ của thế giới vi mô. Điều đó đã truyền cảm hứng cho Leonardo cũng như vài họa sĩ khác. Tác giả Isaacson viết: “Vitruvian Man tượng trưng cho thời khắc mà nghệ thuật và khoa học kết hợp lại, cho phép con người tìm hiểu những vấn đề phi thời gian chúng ta là ai, và chúng ta phù hợp vào trật tự lớn của vũ trụ thế nào. Nó tượng trưng cho lý tưởng của chủ nghĩa nhân văn đang vinh danh nhân phẩm, giá trị, và đại biểu duy lý của con người như những cá nhân (individuals). Bên trong hình vuông và hình tròn chúng ta có thể thấy điều cốt lõi của Leonardo, và của chính chúng ta, đứng trần trụi tại giao diện của Trái đất và vũ trụ.” (Isaacson, tr.157)

Bức tranh đã được bán với giá, 450 triệu USD, về tay của một hoàng tử Ả Rập. Hiện có nhiều đồn đoán về ý đồ mua bức tranh này.


Tham khảo
[1] The Civilization of the Italian Renaissance. A Sourcebook. Second edition. Kenneth R. Bartlett (ed.). University of Toronto Press, 2011.
[2] Walter Isaacson, Leonardo da Vinci. Simon & Schuster, 2017. Có bản dịch tiếng Việt, nxb Alphabook, 2018.
[3] Adam Fisher, Valley of Genius. The Uncensored History of Silicon Valley. Twelve, 2018.
[4] Plumb, J. H. (ed.), Renaissance Profiles. American Heritage Publishing, 1961.
[5] Giorgio Vasari, The Lives of the Artists. Oxford World’s Classics, 2008.
[6] Tuần báo Đức Der Spiegel, số 18 / 27.4.2019, với chuyên đề Leonardo da Vinci.