Một cuốn sách mà những người biết đến đều ước ao nó được xuất bản bằng tiếng Việt, vừa có buổi ra mắt tại Hà Nội hôm 6/5 bằng một bản dịch trọn vẹn, không bị cắt xén (theo lời người hiệu đính - ông Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam). Đó là cuốn: De Gaulle và Việt Nam (1945-1969). Hòa giải* của Pierre Journoud.
De Gaulle và Việt Nam (1945-1969) là tên bản rút ngắn của luận văn tiến sĩ Lịch sử Quan hệ Quốc tế dày 1.360 trang của tác giả (2007), từng được các sử gia ca ngợi không chỉ vì nội dung mà còn vì tác giả đã huy động gần như toàn bộ tài liệu lưu trữ ở Pháp và Mỹ cũng như đã vượt qua những cái bẫy về sức nặng của khối lượng tài liệu và tính hầu như không minh bạch của tư liệu trong lĩnh vực ngoại giao bí mật (P. Brocheux).
Khi cuốn sách (bản tiếng Pháp) ra đời năm 2011, nó luôn được giới thiệu, đại ý: Việt Nam và de Gaulle là một đất nước và một nhân vật đã để lại dấu vết sâu đậm trong ký ức và trí tưởng tượng của người Pháp.
Chắc người Việt nào cũng nghĩ rằng mình ít nhiều hiểu rõ đất nước của mình nhưng về nhân vật de Gaulle thì có lẽ không nhiều.
Vậy de Gaulle là ai?
Năm 1905, cậu trai 15 tuổi Charles de Gaulle đã viết một câu chuyện tự mô tả mình là “tướng de Gaulle” cứu nước Pháp. Sau này, có lần ông nói với con trai rằng từ tuổi thiếu niên, ông đã tin tưởng một ngày nào đó sẽ đứng đầu Nhà nước. Quả đó là “thiên mệnh” cho de Gaulle và nước Pháp khi ông trở thành người đứng đầu phong trào France Libre (Nước Pháp Tự do) nhằm không những cứu nước Pháp mà còn phục hồi vai trò cường quốc cho nước Pháp sau Thế chiến II, để, như ông nói: “la France ne peut être la France sans la grandeur” - “Pháp không thể là Pháp nếu không có sự vĩ đại”. Phải chăng điều này là nguồn cơn của Chiến tranh Đông Dương lần thứ I và là lý do ra đời cuốn sách-luận văn tiến sĩ này?
Cuốn sách liên quan đến Việt Nam, trải dài 25 năm, đương nhiên, nó sẽ đưa ra những góc nhìn mới về lịch sử Việt Nam trong giai đoạn đó. Sách được viết dưới dạng biên niên. Lời nói đầu mang tựa như gói gọn điều cuốn sách muốn nói: “de Gaulle và Hồ Chí Minh: Đọ sức tay đôi dần dần được hòa dịu”. Tựa của các phần còn lại (trừ Chương I) đều chỉ là một từ (tiếng Pháp) mô tả tình trạng của những quãng thời gian dài ngắn khác nhau.
Chương I (Hiểu lầm khởi thủy) bao trùm khoảng thời gian 12 năm (1945 -1957), là giai đoạn mà nước Pháp hành xử với Việt Nam theo đường lối của de Gaulle nhưng de Gaulle không chấp chính. Theo đuổi sự vĩ đại của Đế quốc Pháp, ông vẫn muốn chia nước Việt Nam làm ba kỳ nằm trong Liên bang Đông Dương mà không hề hiểu rằng từ Duy Tân (người mà ông muốn dùng làm con bài ở Việt Nam nhưng không thành), Bảo Đại, Trần Trọng Kim đến Hồ Chí Minh đều muốn có một nước Việt Nam thống nhất. Ông cũng không nghe lời tướng Leclerc và ủy viên Cộng hòa Jean Sainteny, những người muốn đàm phán với Hồ Chí Minh. Bởi vậy, bạo lực gặp bạo lực và kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ.
Journoud được cho rằng tối thiểu đã đả phá bốn huyền thoại: de Gaulle là nhà phi thực dân hóa, Mỹ làm tất cả để loại Pháp ra khỏi Đông Dương, Ngô Đình Diệm là người của Mỹ, và de Gaulle có ý tưởng về chủ nghĩa bài Mỹ. Trong chương này ông đã giải quyết tới ba huyền thoại.
Chương II (Chín muồi) là khi de Gaulle đã trở lại chấp chính (1958) và một khi đã chấp nhận Hội nghị Genève 1954 về Đông Dương và chuẩn bị cho việc giải quyết vấn đề Algerie bằng thương lượng thì nước Pháp có một quan hệ lập lờ với Nam Việt Nam, dẫn tới những bất đồng Pháp – Mỹ về Đông Dương nhưng Tổng thống Mỹ Kennedy cũng hiểu được những bài học khôn ngoan của tướng de Gaulle. Thêm nữa, đã xuất hiện vai trò hòa giải Bắc-Nam (Việt Nam) cùa Roger Lalouette.
Chương III (Bước ngoặt) là khi tướng de Gaulle mạnh bạo “trở lại” sân khấu Đông Dương với những hành động không được Mỹ ưa thích: không công nhận chế độ mới ở Sài Gòn (sau đảo chính tháng 11/1963) và các cuộc phản công ngoại giao…
Chương IV (Bất lực) là hi vọng chết yểu về lập trường chung Pháp – Mỹ về Việt Nam, thậm chí Việt Nam Cộng hòa đã chấm dứt quan hệ ngoại giao với Paris, do đó, các nỗ lực hòa giải của Pháp thất bại và chỉ còn có thể duy trì được kênh liên lạc tại Bộ Ngoại giao Pháp.
Chương V với vô số các sự kiện nóng nhưng lại mang tên Hòa giải, có nghĩa là phần nổi và phần chìm của tảng băng luôn khác nhau. Nóng là bài phát biểu của de Gaulle tại Phnom Pênh, là Pháp rút một phần khỏi NATO và SEATO. Về phần chìm, đó là việc xích lại đầy quyết tâm với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, là duy trì đối thoại Pháp – Mỹ và quan trong hơn cả, nhiều đường dây bí mật chuẩn bị cho đàm phán ngoại giao đã triển khai: Sainteny, Manac’h Pennsylvania…
Chương VI (Sáng kiến) là các sáng kiến dẫn tới thành quả: Paris trở thành thủ đô của các cuộc đàm phán vì hòa bình và vai trò kín đáo của Bộ Ngoại giao Pháp trong việc mở ra các cuộc tiếp xúc không chính thức và chấm dứt hoàn toàn ném bom…
Chương cuối (VII) mang tên Cay đắng, là khi tướng de Gaulle chấm dứt cuộc đời chính trị của mình mà chưa thể nhìn thấy thành quả với vai trò người hòa giải.
Việc gì rồi cũng sẽ kết thúc, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết vào năm 1973 và cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ II cũng đã kết thúc vào năm 1975 nhưng hai nhân vật chính đều không được nhìn thấy thành quả. Hồ Chí Minh mất năm 1969 và Charles de Gaulle mất sau đó một năm (1970).
Chúng ta, những người nhìn thấy thành quả, đọc sách này sẽ hiểu thêm.
Chú thích:
* Dịch giả: Lê Hồng Phấn, Hoàng Thị Hằng và Bùi Thị Hệ, NXB ĐH Sư phạm, Hà Nội, 2019, 560 trang, khổ 16 x24 cm.