Gobekli Tepe là ngôi đền cổ nhất thế giới ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nó có niên đại cách đây khoảng 12.000 năm. Ngôi đền do những người tiền sử sống bằng hình thức săn bắt, hái lượm xây dựng trong thời kỳ đồ đá mới, trước khi chữ viết và bánh xe ra đời.

 Ngôi đền Gobekli Tepe. Ảnh: Wikipedia.
Ngôi đền Gobekli Tepe. Ảnh: Wikipedia.

Vào tháng 7 năm 2018, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) chính thức công nhận ngôi đền Gobekli Tepe là Di sản Thế giới. Mỗi năm, địa danh này thu hút rất nhiều khách du lịch và những người yêu thích lịch sử đến tham quan. Bộ Du lịch và Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí từng tuyên bố năm 2019 là “Năm Gobekli Tepe” ở quốc gia này.

Gobekli Tepe là một trong những địa điểm khảo cổ học quan trọng nhất thế giới. Nó nằm trên một ngọn đồi nhỏ, cách thành phố Urfa 15 km về phía Tây Bắc. Người ta gọi Urfa là “thành phố của các nhà tiên tri” bởi vì nó liên quan đến câu chuyện về nhà tiên tri Abraham, đồng thời đây cũng là nơi lưu giữ thánh tích Mandylion [tấm vải liệm Chúa Jesus]. Tại Urfa, các nhà khảo cổ phát hiện một bức tượng đá vôi hình người có kích thước giống như thật. Bức tượng này là tác phẩm điêu khắc đá lâu đời nhất thế giới, có niên đại từ năm 10.000 – 9.000 trước Công nguyên.

Một số chuyên gia nhận định rằng, ngôi đền Gobekli Tepe là một bước tiến lớn trong sự phát triển của tôn giáo cũng như mối liên hệ giữa con người với Chúa Trời. Nó đánh dấu sự khởi đầu của nền văn minh nhân loại, và có thể là gốc rễ của ba tôn giáo độc thần lớn trên thế giới bao gồm: Do Thái giáo, Hồi giáo và Thiên chúa giáo.

Cấu trúc ngôi đền Gobekli Tepe

Ngôi đền Gobekli Tepe thực chất là tập hợp các cấu trúc bằng đá được xây dựng bởi những người sống theo hình thức săn bắt, hái lượm vào thời kỳ đồ đá, cách đây khoảng 12.000 năm. Một cấu trúc đá điển hình trong khu đền thường bao gồm 12 cây cột lớn hình chữ T [tượng trưng cho con người] xếp thành vòng tròn có đường kính 9,1m. Những cây cột này làm từ đá granit rắn, cao tới 6,1m và nặng 20 tấn. Hầu hết hình chạm khắc trên cột đá đều là động vật và con người.

Ở trung tâm vòng tròn cũng có hai cây cột hình chữ T nhưng kích thước của chúng lớn hơn. Bao bọc xung quanh cấu trúc hình tròn là bức tường bảo vệ được xây dựng từ những viên đá xếp chồng lên nhau.

Các nhà khảo cổ dự đoán, người cổ đại đã vận chuyển những khối đá lớn bằng đòn bẩy làm từ gỗ. Điều này chỉ có thể thực hiện khi nhiều thị tộc hợp tác với nhau, ước tính khoảng 500 người. Người xưa dùng những cây cột khổng lồ hình chữ T để chống đỡ một mái nhà lợp bằng lá hoặc vật liệu khác.

Mục đích xây dựng

Phiến đá chạm khắc một người đang quỳ gối, cầm trên tay một đầu động vật để hiến tế các vị thần. Ảnh: Sci-news.
Phiến đá chạm khắc một người đang quỳ gối, cầm trên tay một đầu động vật để hiến tế các vị thần. Ảnh: Sci-news.

Khu vực ngôi đền Gobekli Tepe không phải là nơi người dân sinh sống. Các nhà nghiên cứu không tìm thấy dấu hiệu của việc lưu trữ thực phẩm tại đây. Do đó, nhiều khả năng ngôi đền được xây dựng để phục vụ mục đích tín ngưỡng, tôn giáo.

Một trong những thay đổi quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại diễn ra ở vùng đất nằm giữa hai con sông Tigris và Euphrates khoảng 12.000 năm trước. Loài người bắt đầu chuyển từ lối sống săn bắt, hái lượm sang canh tác nông nghiệp. Thời kỳ chuyển tiếp có thể mất vài thế kỷ hoặc thậm chí là một thiên niên kỷ.

Vào lúc đó, người ta tin rằng những thay đổi của khí hậu và các thiên tai ảnh hưởng đến mùa màng (bão lụt, hạn hán, động đất,…) có liên quan đến sức mạnh siêu nhiên, hay sự nổi giận của các vị thần. Các thảm họa tự nhiên đôi khi cướp đi nhiều sinh mạng của người dân và làm đảo lộn cuộc sống hằng ngày của họ.

Với mong muốn có một cuộc sống ổn định, mưa thuận gió hòa để canh tác nông nghiệp, những người tiền sử nghĩ ra cách xoa dịu cơn giận và làm hài lòng các vị thần thông qua nghi lễ hiến tế động vật, thậm chí hiến tế cả con người. Có lẽ họ xây đền Gobekli Tepe nhằm phục vụ mục đích này.


Ngôi đền Gobekli Tepe tại Thổ Nhĩ Kỳ là một công trình làm hoàn toàn bằng đá, tương tự kim tự tháp ở Ai Cập và bãi đá cổ Stonehenge ở Anh, nhưng nó có tuổi đời lâu hơn nhiều. Gobekli Tepe có thể là nơi tiến hành nghi lễ hiến tế của nhóm người canh tác nông nghiệp đầu tiên sống quanh khu vực Tiểu Á.

Tại khu vực đền Gobekli Tepe, các nhà khảo cổ phát hiện một phiến đá vôi gọi là “người mang quà tặng”. Trên bề mặt của nó chạm khắc một người đang quỳ gối, cầm trên tay một đầu động vật để dâng lên các vị thần. Ngoài ra, họ cũng phát hiện mảnh vỡ của ba hộp sọ người. Tất cả chúng đều mang những vết rạch sâu có chủ ý theo chiều dọc. Điều đặc biệt là trên một mảnh vỡ ở phần đỉnh hộp sọ có lỗ khoan nhỏ. Nhiều chuyên gia nhận định, lỗ khoan này được dùng để treo hộp sọ bằng một sợi dây trong quá trình hiến tế. Các vệt rạch sâu có mục đích giữ cho dây buộc không bị trượt.

Trong một nghiên cứu gần đây, Tom Booth tại phòng thí nghiệm gene cổ đại của Viện Francis Crick (Anh) phát hiện tổ tiên của những người xây dựng bãi đá cổ Stonehenge ở Anh đã di cư về phía Tây, từ vùng đất Tiểu Á (thuộc lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại) đến bán đảo Iberia, trước khi tiếp tục di cư về phía Bắc đến lãnh thổ của Anh vào năm 4.000 trước Công nguyên..

Khu di tích Dolmen de Guadalperal ở Tây Ban Nha – nơi được mệnh danh là bãi đá cổ Stonehenge của Tây Ban Nha – do các cư dân di cư từ Tiểu Á đến Anh xây dựng nên. Nó cũng đóng vai trò là nơi thực hiện các nghi lễ tôn giáo tương tự ngôi đền Gobekli Tepe. Người ta khai quật được một lượng lớn xương động vật dưới mặt đất và trong hốc đá của những cây cột khổng lồ.

Cách bãi đá Stonehenge ở Anh không xa là vòng tròn đá Durrington Walls có niên đại khoảng năm 2.600 trước Công nguyên. Vòn tròn nghi lễ này chứa nhiều xương động vật, chủ yếu là lợn và gia súc.

Tất cả những công trình đá nói trên đều là nơi hiến tế của người dân để tránh cơn thịnh nộ của các vị thần. Họ cầu xin thần linh giúp họ có cuộc sống may mắn, thịnh vượng hơn và duy trì điều kiện thời tiết thuận lợi để canh tác nông nghiệp.