Không nổi tiếng như Bill Gates hay Steve Jobs nhưng Larry Tesler đã có nhiều đóng góp quan trọng cho máy tính cá nhân, là người sáng tạo ra các lệnh máy tính “cut, copy, paste” được chúng ta sử dụng rộng rãi ngày nay.

Larry Tesler. Ảnh: Latimes.
Larry Tesler. Ảnh: Latimes.

Larry Tesler sinh ra ở vùng Bronx, New York (Mỹ) vào năm 1945. Ông là nhà khoa học máy tính tiên phong về công nghệ điện toán trong giai đoạn đầu. Sau khi tốt nghiệp Đại học Stanford, Tesler tới Thung lũng Silicon và bắt đầu sự nghiệp của mình tại Trung tâm nghiên cứu Palo Alto (PARC) thuộc công ty Xerox. Ngày nay, hầu hết mọi người chỉ biết Xerox là nhà sản xuất máy photocopy. Nhưng ở thời kỳ hoàng kim, công ty đã phát triển nhiều công nghệ giúp chế tạo máy tính cá nhân như chuột, giao diện đồ họa cho phép hiển thị nhiều hơn các dòng văn bản trên màn hình.

Vào thập niên 60, đa số mọi người chưa thể tiếp cận với máy tính. Một phần là do người sử dụng phải tương tác với các chương trình máy tính ở chế độ (mode) khác nhau thông qua những câu lệnh phức tạp. Ngay cả một chuyên gia như Tesler cũng thấy đó là một vấn đề. Vì vậy, trong thời gian làm việc tại Xerox, ông tập trung vào việc thiết kế giao diện người dùng để hệ thống máy tính dễ sử dụng hơn. Thành tựu nổi bật nhất của ông là việc tạo ra chương trình soạn thảo văn bản Gypsy chứa các tính năng độc đáo như “cut, copy, paste” (cắt, sao chép, dán) và “find & replace” (tìm kiếm và thay thế). Nó làm thay đổi phương pháp chỉnh sửa cũ, trong đó mọi người phải cắt các phần của văn bản in và dán chúng bằng keo ở nơi khác.

“Cắt, sao chép và dán, tìm kiếm và thay thế là các lệnh máy tính được sử dụng hàng triệu lần mỗi ngày nhưng không nhiều người từng nghĩ tới việc ai đã phát minh và phát triển chúng”, CNN cho biết.

Tesler ủng hộ việc xây dựng giao diện máy tính không chế độ (no mode). Mode là thứ cho phép người dùng chuyển đổi giữa các chức năng trên phần mềm và ứng dụng (app) nhưng làm cho máy tính trở nên phức tạp và tốn nhiều thời gian hoạt động hơn. “Hầu hết các chương trình tương tác ban đầu đều sử dụng mode, thứ làm tôi gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều khiển máy tính”, Tesler viết trong một bài báo vào năm 2012 về sự phát triển của tính năng sao chép, cắt và dán. Có lẽ vì vậy mà trang web riêng của ông được đặt tên là “nomodes.com”, tên tài khoản mạng xã hội Twitter “@nomodes”, thậm chí biển số xe của ông cũng gắn thêm dòng chữ “No Modes”.

Những nỗ lực của Tesler trong việc loại bỏ mode đã giúp người dùng tương tác dễ dàng hơn với máy tính cá nhân trong suốt 40 năm qua. Tesler gắn liền với các thuật ngữ như “giao diện thân thiện người dùng” và “trình duyệt” trong suốt thời gian làm việc tại Xerox.

Steve Jobs đến thăm PARC vào năm 1979 và được Tesler dẫn đi tham quan trung tâm nghiên cứu. Tesler giới thiệu cho ông chủ tương lai của Apple nguyên mẫu máy tính cá nhân Alto của PARC. Tesler di chuyển con trỏ trên màn hình với sự trợ giúp của một con “chuột”. Trong khi quá trình điều khiển máy tính trước đây cần phải gõ các câu lệnh phức tạp trên bàn phím, Tesler chỉ cần nhấp vào một trong những biểu tượng (icon) trên màn hình. “Anh đang ngồi trên một mỏ vàng! Tại sao anh không làm gì với công nghệ này? Anh có thể thay đổi cả thế giới!”, Tesler nhớ lại những gì Steve Jobs nói với mình khi đó.

Do công ty Xerox chưa tận dụng được những kết quả nghiên cứu đột phá của Tesler tại PARC nên Steve Jobs đã mời ông về làm việc cho Apple vào năm 1980. Sau đó không lâu, Apple trở thành công ty đầu tiên sử dụng rộng rãi giao diện đồ họa người dùng, cũng như chuột và các tính năng khác. Trong thời gian 17 năm làm việc ở Apple, Tesler từng đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau, bao gồm trưởng bộ phận nghiên cứu và Phó chủ tịch AppleNet và Advanced Technology Group của Apple.

Tại Apple, Tesler đã giúp thiết kế máy tính Macintosh, QuickTime và máy tính Lisa – một trong những máy tính cá nhân đầu tiên sử dụng giao diện đồ họa người dùng. Các lệnh cut, copy, paste và tổ hợp phím tắt Ctrl+C (sao chép), Ctrl+V (dán), Ctrl+Z (hoàn tác) được tích hợp vào phần mềm trên máy tính Lisa vào năm 1983 và trên chiếc máy tính Macintosh đầu tiên vào năm 1984. Tesler cũng góp phần không nhỏ trong việc thiết kế thanh cuộn trên máy tính Macintosh.

“Mọi người thường nhầm tôi là cha đẻ của giao diện đồ họa người dùng trên máy tính Macintosh, nhưng thực tế không phải như vậy. Tuy nhiên, nếu xét theo mối quan hệ trong gia đình, tôi là một trong nhiều ông bà của nó”, Tesler viết trên trang web cá nhân.

Sau khi rời Apple năm 1997, Tesler sáng lập công ty Stagecast Software để phát triển các phần mềm trong lĩnh vực giáo dục. Năm 2001, ông gia nhập Amazon (AMZN), nơi ông giữ chức Phó chủ tịch phụ trách trải nghiệm mua sắm. Ông chuyển sang làm việc cho Yahoo vào năm 2005, đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch mảng thiết kế và trải nghiệm người dùng trước khi rời đi vào năm 2008 để sang 23andMe. Ông được cấp nhiều bằng sáng chế trong thời gian làm việc tại các công ty này.

Năm 2009, ông tiếp tục xin nghỉ 23andMe để tập trung vào công tác tư vấn cho doanh nghiệp. Ông từng là cố vấn cho các công ty nổi tiếng như Western Union (WU) và ứng dụng (app) ghi chú Evernote về cách cải thiện trải nghiệm của người dùng trên máy tính để bàn và thiết bị di động.

“Với tính cách của tôi, nếu tôi nghe ai đó nói điều gì đó không thể hoặc cực kỳ khó khăn thì tôi sẽ cố gắng thực hiện nó”, Tesler nói trong một cuộc phỏng vấn tại Bảo tàng Lịch sử Máy tính ở Thung lũng Silicon năm 2013. “Sau khi bạn kiếm được một số tiền nhất định, bạn sẽ không muốn nghỉ hưu. Bạn sẽ dành thời gian làm việc cho nhiều công ty khác nhau để chia sẻ kiến thức của bạn cho thế hệ tiếp theo.”

Tesler qua đời tại nhà riêng ở San Francisco vào tháng 2/2020, hưởng thọ 74 tuổi. Để tưởng nhớ công lao của ông, Xerox viết trên Twitter của công ty: “Nhà phát minh của các lệnh cắt, sao chép và dán, tìm kiếm và thay thế và nhiều hơn nữa từng là nhà nghiên cứu của Xerox, Larry Tesler. Ngày làm việc của các bạn trở nên dễ dàng hơn nhờ vào ý tưởng mang tính cách mạng của ông ấy.”

“Tesler là người nhiệt huyết, đam mê, mong muốn mang đến tương tác tối ưu cho con người và máy tính. Chắc hẳn vẫn còn vô số những đóng góp khác của Tesler cho ngành điện toán hiện đại khi ông làm việc tại Xerox và Apple dù chúng ta chưa biết đến”, trang Gizmodo bình luận.