Nhiều làng nghề thủ công truyền thống ở vùng Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng đang đứng trước cơ hội bảo tồn và phát triển khi được gắn với du lịch.
Mới đây, các nhà nghiên cứu ở Viện Dân tộc học – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã tiến hành dự án Bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch vùng Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng. TS. Bùi Thị Bích Lan - Phó Viện trưởng, chủ nhiệm dự án, chia sẻ về nét đặc sắc của các làng nghề nơi đây và mô hình du lịch trải nghiệm tiềm năng mà nhóm đã xây dựng.
Chị có thể cho biết vì sao Dự án đặt mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống vùng Công viên Địa chất non nước Cao Bằng?
Nghề thủ công truyền thống là một di sản văn hóa phi vật thể. Quan điểm đang được nhiều nhà chuyên môn trong lĩnh vực di sản văn hóa ủng hộ là bảo vệ và phát huy giá trị di sản cần gắn với phát triển bền vững. Trong đó, di sản phải trở thành một nguồn vốn sinh kế, cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân trong bối cảnh đương đại. Với quan điểm này, bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch, tạo việc làm cho người dân đang là xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Một cơ hội lớn cho phát triển du lịch của tỉnh Cao Bằng là năm 2018, UNESCO đã công nhận Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất toàn cầu. Trong đó, một số làng nghề đã trở thành điểm di sản văn hóa trong các tuyến du lịch vùng Công viên. Đây là một cơ hội lớn trong việc bảo tồn và phát triển của các làng nghề, bởi hiện nay, nhiều nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.
Tuy vậy, trên thực tế, các tour du lịch làng nghề còn mang tính hình thức, tự phát, chưa phát huy được hết những tiềm năng và thế mạnh vốn có. Vì thế, những sản phẩm mà Dự án này thực hiện nhằm góp phần khai thác hiệu quả hơn nữa giá trị của nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch trong thời gian tới.
Có điểm gì đặc biệt về những làng nghề được Dự án chọn khảo sát?
Theo hướng dẫn chính thức thì “nghề thủ công truyền thống” được công nhận khi đạt ba tiêu chí: i. Nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận, ii. Nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc, và iii. Nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.
Căn cứ theo tiêu những chí trên, cả sáu làng mà Dự án lựa chọn khảo sát đều có nghề thủ công truyền thống và hiện đang được khai thác nhằm phát triển du lịch vùng Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng. Trong đó: làng rèn Pác Rằng, làng làm hương Phia Thắp, làng làm giấy bản Dìa Trên (xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa) và làng đường phên Bó Tờ (thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa) là các điểm di sản thuộc tuyến tham quan phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”; làng dệt thổ cẩm Luống Nọi (xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng) là điểm di sản thuộc tuyến tham quan phía Bắc “Hành trình về nguồn cội”; làng miến dong Phia Đén (xã Thành Công, huyện Nguyên Bình) là điểm dừng chân trong tuyến phía Tây “Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay”. Riêng nghề rèn Phúc Sen đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2019.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhất là trong bối cảnh chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các mặt hàng công nghiệp hiện nay, người dân ở sáu làng vẫn luôn tìm cách để giữ nghề. Các sản phẩm giấy bản Dìa Trên, hương Phia Thắp, đường phên Bó Tờ, miến dong Phia Đén, thổ cẩm Luống Nọi,… đều có tính thẩm mỹ cao, có sự kết tinh từ tài năng, tâm huyết của những người thợ.
An toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường cũng là một đặc tính ưu việt của các sản phẩm thủ công này bởi nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc hoàn toàn từ tự nhiên. Nhiều sản phẩm không chỉ nổi tiếng trong vùng mà còn được khách hàng ở các tỉnh lân cận, thậm chí bên kia biên giới Việt – Trung rất ưa chuộng.
Gần đây, thông qua hoạt động du lịch, nhiều hộ sản xuất ở làng rèn Pác Rằng còn có thêm những đơn hàng từ nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước và cả một số quốc gia như Đức, Nhật, Thụy Sĩ…
Được biết, Dự án đã xây dựng mô hình phát triển du lịch trải nghiệm tại làng nghề giấy bản ở xóm Dìa Trên. Chị có thể giới thiệu chi tiết hơn về mô hình này?
Nghề làm giấy bản được người Nùng An ở xã Phúc Sen lưu truyền đã hơn 100 năm với mục đích chủ yếu là làm vàng mã, phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh. Trước đây, giấy bản còn được dùng để ghi chép, trang trí nhà cửa,…
Hiện có xóm Quốc Dân và Dìa Trên của xã còn giữ nghề với tổng số 39/116 hộ và 93 lao động, đem lại khoảng 50% tổng thu nhập hộ gia đình. Quy trình sản xuất chủ yếu là thủ công, quy mô nhỏ lẻ, nguyên liệu có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên (vỏ cây mạy sla), nguyên liệu dư thừa được đưa vào làm nhiên liệu đốt trong sinh hoạt hằng ngày nên hoạt động sản xuất của làng nghề ít tác động tiêu cực đến môi trường sống. Sản phẩm làm ra được người dân đem bán ở các chợ trong huyện, trong tỉnh, thậm chí được các thương lái đến tận bản thu mua.
Tháng 3/2021, làng giấy Dìa Trên được UNESCO công nhận là “Điểm du lịch làng nghề”, một trong những điểm dừng chân của tuyến du lịch thuộc Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng. Ban quản lý Công viên Địa chất đã thiết lập, lựa chọn ba hộ trong làng Dìa Trên làm đối tác chính thức, định hướng người dân đa dạng hóa các sản phẩm từ giấy bản, phục vụ nhu cầu du lịch, hỗ trợ tủ kính để trưng bày sản phẩm,… Ban quản lý cũng đang kết nối với các đối tác là nhà hàng, khách sạn, homestay để cùng phối hợp hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm từ giấy bản.
Dựa trên cơ sở lý thuyết về các bên liên quan trong hoạt động kinh doanh, lý thuyết về du lịch trải nghiệm và thiết kế trải nghiệm, lý thuyết về các cấp độ sản phẩm, Dự án đã đề xuất hai mô hình nhằm phát triển du lịch tại làng nghề giấy bản tại xóm Dìa Trên.
Mô hình đầu tiên là mô hình chiến lược, chỉ ra chức năng, nhiệm vụ và định hướng hoạt động cho ba đối tượng liên quan gồm: cộng đồng địa phương, chính quyền địa phương và doanh nghiệp du lịch.
Mô hình thứ hai là mô hình sản phẩm du lịch. Trong mô hình này, bốn cấp độ sản phẩm du lịch đã được thiết kế gồm: nhóm sản phẩm cốt lõi, nhóm sản phẩm tiện ích, nhóm sản phẩm bổ sung, và nhóm sản phẩm tăng cường. Đồng thời, Dự án cũng đề xuất các sản phẩm cụ thể trong từng nhóm dựa trên sự phân tích các điều kiện, đặc trưng và thế mạnh của làng nghề. Kết hợp các sản phẩm của từng nhóm trong mô hình với nhau theo những cách khác nhau sẽ tạo thành hệ sinh thái sản phẩm du lịch tại Dìa Trên.
Hai mô hình này là những gợi ý cụ thể, có tính khả thi trong việc triển khai hoạt động du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch của địa phương trong bối cảnh hiện nay.
Xây dựng mô hình là công việc mang tính lý thuyết, còn về mặt thực tiễn, Dự án có hỗ trợ gì cho người dân địa phương trong việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của họ không?
Làng nghề giấy bản Dìa Trên vẫn chủ yếu sản xuất sản phẩm giấy bản truyền thống, phục vụ cho hoạt động tâm linh và chỉ có duy nhất một người thợ là chị Nông Thị Kính biết làm các sản phẩm du lịch (sổ thơ, giấy vẽ, quạt giấy, túi xách,…), được du khách yêu thích. Trong bối cảnh đó, Dự án đã quyết định mở lớp đào tạo làm các sản phẩm du lịch cho 15 học viên là người làng, do chị Kính đứng lớp.
Ngoài ra, qua khảo sát, Dự án nhận thấy, làng giấy bản Dìa Trên đã được lựa chọn làm điểm di sản của tuyến du lịch Công viên Địa chất, song người dân rất hạn chế về kỹ năng giao tiếp và nghiệp vụ hướng dẫn viên tại điểm. Do đó, khi du khách đến thăm làng nghề, hướng dẫn viên vẫn đa phần là người của các công ty du lịch hoặc nếu đi tự do, khách chỉ có thể quan sát quy trình làm nghề mà rất ít nhận được sự tương tác tối thiểu của người thợ đang thực hiện quy trình. Bởi vậy, Dự án đã tiếp tục mở lớp “Kỹ năng giao tiếp và nghiệp vụ hướng dẫn viên tại điểm” cho chính 15 học viên đã được đào tạo nghề ở trên và người đứng lớp là một giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm về đào tạo kỹ năng phục vụ du lịch.
Kết thúc hai khóa học này, các học viên không chỉ thành thạo trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch mà còn được trang bị những kỹ năng thuyết trình tại điểm, tăng tính hấp dẫn của điểm đến.
Sau khi tiến hành dự án, nhìn chung nhóm đánh giá các làng nghề thủ công truyền thống được khảo sát đang có cơ hội phát triển như thế nào?
So với các địa bàn khác thì sáu làng có nghề thủ công truyền thống mà Dự án khảo sát đang có nhiều lợi thế và cơ hội phát triển. Bởi sau khi được lựa chọn thành điểm di sản, được khai thác trong các tuyến du lịch vùng Công viên Địa chất, các nghề và làng nghề này đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của Ban quản lý Công viên Địa chất, của chính quyền địa phương, của các tổ chức quốc tế,… trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị gắn với du lịch.
Tuy nhiên, không ít thách thức đang đặt ra đối với người dân làng nghề, bộc lộ sự bất cập của chính sách như chế độ đãi ngộ, công tác xét duyệt và phong tặng danh hiệu nghệ nhân đối với thợ giỏi nghề vẫn chưa được quan tâm đúng mức; công tác đào tạo nghề, truyền nghề ở các làng nghề chưa chú trọng theo hướng gắn với phát triển du lịch; và nhất là các cộng đồng làng nghề - nơi đang diễn ra hoạt động du lịch lại không phải là những người được hưởng lợi từ các hoạt động du lịch mà chủ yếu là nhà hàng, khách sạn, hoặc các công ty lữ hành.
Trân trọng cảm ơn chị!
Dự án được triển khai từ tháng 12/2021-12/2023, với tài trợ của Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF.
Hiện tại, Dự án đã công bố 13 bài viết trên các tạp chí chuyên ngành, hoàn thiện một bộ phim tư liệu về nghề giấy bản Dìa Trên và một mô hình du dịch trải nghiệm tại làng nghề này. Các sản phẩm còn lại đang trong quá trình hoàn thiện, gồm: Cuốn “Cẩm nang du lịch làng nghề truyền thống ở tỉnh Cao Bằng” bằng 3 ngôn ngữ Việt, Trung, Anh; chuyên khảo về “Bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng: Cơ hội và thách thức”.
Những sản phẩm này sẽ cung cấp cho chính quyền địa phương và người dân các làng nghề truyền thống nguồn tài liệu phục vụ công tác quảng bá xúc tiến du lịch; xây dựng và thiết kế các chương trình du lịch làng nghề; đồng thời đem lại những thông tin cần thiết cho khách du lịch muốn tìm hiểu điểm đến, sản phẩm du lịch phù hợp khi đến với Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng. |