Bằng sự kết hợp cả phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu định lượng, “Factors Influencing the Research Productivity of Academics in Vietnam” của TS Nguyễn Hữu Quý góp phần giải đáp câu hỏi những yếu tố nào thúc đẩy hoặc kìm hãm hiệu suất nghiên cứu khoa học của giảng viên Việt Nam.
Nghiên cứu khoa học là chìa khoá cho đổi mới và phát triển của các quốc gia. Nghiên cứu khoa học cũng là một trong ba nhiệm vụ cơ bản của giảng viên bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy và phục vụ cộng đồng. Hiệu suất nghiên cứu khoa học của giảng viên là yếu tố quan trọng làm tăng xếp hạng đại học cũng như danh tiếng của các trường đại học.
Vậy, đâu là những yếu tố thúc đẩy hoặc kìm hãm hiệu suất nghiên cứu khoa học của giảng viên hiện nay? Đây là điều trăn trở chưa có lời giải của rất nhiều nhà quản trị đại học khắp nơi trên thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam.
Cuốn sách Factors Influencing the Research Productivity of Academics in Vietnam (Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất nghiên cứu của giảng viên) của tác giả Nguyễn Hữu Quý (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng) góp phần giải đáp câu hỏi nêu trên, trong bối cảnh của giáo dục đại học Việt Nam.
Theo số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Thế giới công bố năm 2020, trong năm học 2019-2020, Việt Nam có 237 đại học/trường đại học, 236 trường cao đẳng, và 76 viện nghiên cứu; với tổng số giảng viên là 73.312, chiếm 87,7% số biên chế trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam (83.587 người).
Cuốn sách của TS Nguyễn Hữu Quý là cuốn sách chuyên khảo đề cập sự tham gia nghiên cứu khoa học của giảng viên, môi trường nghiên cứu, chính sách hỗ trợ nghiên cứu và đặc biệt là các thực tiễn nghiên cứu (research practice) của giáo dục đại học ở Việt Nam.
Đây là một công trình nghiên cứu có giá trị về mặt học thuật và thực tiễn; phát hiện được mối tương quan chặt chẽ giữa các yếu tố cá nhân, các yếu tố thuộc về tổ chức, động cơ nghiên cứu, hành vi nghiên cứu của giảng viên với hiệu suất nghiên cứu đạt được.
Nét đặc trưng của cuốn sách này là tất cả các phân tích và lập luận đều được tác giả dựa trên dữ liệu thu trực tiếp từ giảng viên của một trong ba đại học vùng trọng điểm của Việt Nam, thông qua hình thức phỏng vấn sâu trực tiếp 19 giảng viên và khảo sát bằng phiếu hỏi với 526 giảng viên. Kết quả nghiên cứu làm bộc lộ các yếu tố kích thích hoặc kìm hãm động cơ nghiên cứu của giảng viên, qua việc giải đáp mấy câu hỏi chính như sau:
Môi trường nghiên cứu tác động như thế nào đến động cơ nghiên cứu của giảng viên?
Kết quả chỉ ra, các yếu tố kìm hãm động cơ nghiên cứu của giảng viên bao gồm: giờ giảng nhiều; lương thấp; thiếu các buổi sinh hoạt chuyên môn; và sự thiếu hụt rất nghiêm trọng các nguồn tài liệu học thuật, quỹ dành cho nghiên cứu, và trang thiết bị phục vụ nghiên cứu. Đáng chú ý, nghiên cứu điển hình này của Nguyễn Hữu Quý cho thấy có hiện tượng giảng viên chưa hài lòng với các chính sách hỗ trợ nghiên cứu hiện nay cũng như môi trường học thuật tại các khoa chuyên môn chưa được tích cực.
Động cơ nghiên cứu tác động như thế nào đến hành vi nghiên cứu của giảng viên?
Đây là câu hỏi nghiên cứu thứ hai mà tác giả đặt ra. Kết quả cho thấy có hai lời giải từ phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu định lượng. Dữ liệu định tính phản ánh rằng động cơ nghiên cứu của giảng viên chắc hẳn sẽ cao hơn nếu họ được trả lương cao hơn, được tham gia vào các nhóm nghiên cứu, và có cơ hội tham gia hướng dẫn học viên sau đại học. Trong khi đó, kết quả phân tích định lượng cho thấy có mối quan hệ giữa bốn loại động cơ nghiên cứu với ba hành vi nghiên cứu của giảng viên: 1) sự hợp tác trong khoa học (hợp tác nghiên cứu) bị ảnh hưởng bởi ba loại động cơ: nghiên cứu vì đam mê (intrinsic motivation - động cơ bên trong), nghiên cứu để được tán dương, để có thành tích (extrinsic motivation - động cơ bên ngoài) và nghiên cứu vì trách nhiệm phải làm (normative motivation); 2) việc hướng dẫn sau đại học bị tác động bởi động cơ bên ngoài và động cơ làm vì trách nhiệm; 3) số giờ nghiên cứu trung bình mỗi tuần bị tác động bởi yếu tố làm vì trách nhiệm.
Cuối cùng, hành vi nghiên cứu tác động như thế nào đến hiệu suất nghiên cứu của giảng viên?
Cuốn sách trình bày mối quan hệ biện chứng giữa hành vi nghiên cứu với hai loại hình công bố khoa học: 1) Tổng số công bố khoa học có tương quan thuận với sự hợp tác trong nghiên cứu, hướng dẫn học viên sau đại học, và số giờ nghiên cứu hằng tuần. 2) Tổng số bài báo quốc tế có tương quan thuận với việc hướng dẫn học viên sau đại học và số giờ nghiên cứu hằng tuần.
Để nâng cao năng lực và hiệu suất nghiên cứu của giảng viên Việt Nam, trong phạm vi trường đại học, tác giả Nguyễn Hữu Quý đề xuất các giải pháp sau:
• Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu phát triển nghề nghiệp;
• Xây dựng các chương trình hỗ trợ nghiên cứu dành cho các nhà nghiên cứu trẻ. Nhiều nước hiện nay đang có những chương trình hỗ trợ các nhà khoa học trẻ phát triển như thế;
• Tiếp tục gửi giảng viên đi đào tạo tiến sĩ, bởi số liệu của Ngân hàng Thế giới công bố vào năm 2020 cho thấy trong năm học 2019-2020, cả nước chỉ có 28,8% giảng viên có bằng tiến sĩ (21.106 người), 61% có bằng thạc sĩ (44.705 người) và vẫn còn 10,2% giảng viên mới chỉ có trình độ đại học (7.489 người).
• Ưu tiên tài trợ nghiên cứu cho các giảng viên nữ và giảng viên lớn tuổi để bảo đảm hai nhóm đối tượng này được bình đẳng và được tiếp cận với các cơ hội nghiên cứu bởi họ thường là những nhóm không thuận lợi trong khả năng nghiên cứu và cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. Mặc dù tỉ lệ giảng viên nữ đã tăng từ 42,5% lên 48,5% trong giai đoạn 2006-2018 (World Bank 2020) nhưng dường các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ giảng viên nữ làm nghiên cứu khoa học vẫn còn thiếu;
• Thiết lập các mối quan hệ đối tác nghiên cứu, dự án khoa học với các trường đại học ngoài nước.
Tôi đã đọc một số sách về giáo dục đại học của các nước có nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học đối với giảng viên. Tuy nhiên, cuốn sách của tác giả Nguyễn Hữu Quý là một công trình nghiên cứu công phu, mang lại những khuyến nghị có giá trị đối với các cá nhân giảng viên, các khoa chuyên môn, các trường đại học và các nhà quản lý giáo dục đại học ở tầm quốc gia.