Nếu bạn phải làm một việc khác ngay bây giờ, bạn đã đến đúng nơi. Xét cho cùng, nếu bạn định trì hoãn, thì còn cách nào tốt hơn là đọc một bài báo về sự trì hoãn?
Thuật ngữ “trì hoãn” được định nghĩa là “sự chậm trễ không cần thiết đối với những việc mà một người nào đó có ý định thực hiện”. Nhưng hầu hết chúng ta đều có thói quen chần chừkhi làm một việc gì đó, mặc cho hạn chót đang cận kề, dẫn đến việc mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành các mục tiêu đặt ra ban đầu. Ví dụ, bạn có thể lựa chọn các hình thức giải trí như xem một video vui nhộn về những con mèo trên điện thoại hoặc máy tính, thay vì thực hiện ngay công việc quan trọng cần hoàn thành.
Dù bạn mô tả sự trì hoãn thế nào đi nữa, đây là một thói quen không hề tốt. Mặc dù chúng ta biết rằng việc trì hoãn công việc ngay bây giờ có thể khiến chúng ta phải trả giá đắt sau này, nhưng chúng ta vẫn làm. Vậy điều gì khiến cho sự trì hoãn trở nên khó cưỡng lại đến vậy?
Cho đến nay, không có nhiều sự đồng thuận trong giới học thuật về nguyên nhân gây ra sự trì hoãn. Nhiều người cho rằng đây chỉ là vấn đề quản lý thời gian, trong khi những người khác tin rằng nó liên quan đến cả vấn đề tâm lý. Nhưng sự trì hoãn có thể chỉ là cách bộ não của chúng ta hoạt động.
Sự trì hoãn và bộ nãoSự trì hoãn là kết quả từ cuộc đấu tranh giữa hai phần não bộ của bạn. Đầu tiên là vùng hạch hạnh nhân (amygdala), một phần của hệ viền (limbic) tham gia vào quá trình xử lý cảm xúc, học cách tránh những điều có thể gây hại và tìm kiếm những điều có lợi.
Ví dụ, hạch hạnh nhân cho rằng các video về mèo rất hay [thú vị và thư giãn], vì vậy nó sẽ kích thích bạn xem nhiều hơn. Thời hạn cuối cùng để giải quyết công việc gây ra cảm giác căng thẳng, vì vậy hạch hạnh nhân sẽ lựa chọn xem video giải trí để thay thế, thay vì đối mặt trực tiếp với tình huống căng thẳng. Kết quả là chúng ta sẽ trì hoãn, tránh thực hiện các nhiệm vụ khó khăn cho đến tận phút cuối.
Vùng não thứ hai là vỏ não trước trán, có nhiệm vụ suy nghĩ và lập kế hoạch cho tương lai. Nó giúp bạn sắp xếp thời gian và có động lực hoàn thành dự án đúng thời hạn. Vấn đề là vỏ não trước trán cần một chút tác động để làm cho nó hoạt động, trong khi hệ viền hoạt động gần như tự động. Vì vậy, để bắt đầu thực hiện một dự án quan trọng, bạn cần tham gia một cách có chủ định, tập trung tinh thần và bắt tay vào công việc. Nhưng ngay cả khi bạn đã bắt đầu triển khai công việc, bạn vẫn có thể bị gián đoạn do chịu tác động của hệ viền, khi nó thúc đẩy bạn xem các video giải trí về mèo.
Để kích thích bạn nhanh chóng tham gia vào những trò giải trí và mang lại cảm giác dễ chịu – chẳng hạn như lướt mạng xã hội hoặc ăn một chiếc bánh sô cô la – hệ viền cung cấp cho bạn ngay lập tức một lượng dopamine như phần thưởng. Nhiều người gọi dopamine là “hormone hạnh phúc”, bởi vì khi hormone này trong cơ thể được giải phóng với số lượng lớn, bạn sẽ có cảm giác thích thú, hưng phấn, tràn đầy cảm hứng.
Trái lại, phần thưởng cho việc sử dụng vỏ não trước trán để tập trung hoàn thành công việc sẽ đến muộn hơn, đó là khi bạn cảm thấy hài lòng khi cuối cùng đã hoàn thành công việc hoặc thậm chí muộn hơn thế, khi bạn được thăng chức vì bạn đã hoàn thành xuất sắc công việc.
Có nhiều kỹ thuật để thoát khỏi vòng lặp trì hoãn, nhưng một trong những kỹ thuật phổ biến nhất là Pomodoro. Kỹ thuật này được đặt tên theo một chiếc đồng hồ bấm giờ hình quả cà chua dùng trong nhà bếp (Pomodoro trong tiếng Ý có nghĩa là cà chua). Chiếc đồng hồ này khá thông dụng cho đến khi chúng ta có đồng hồ bấm giờ trên điện thoại.
Bạn đặt đồng hồ bấm giờ trong một khoảng thời gian ngắn, thường là 25 phút. Trong thời gian đó, bạn làm việc không ngừng nghỉ. Khi đồng hồ hẹn giờ kêu, bạn sẽ có một khoảng thời gian nghỉ ngơi tạm thời. Mỗi khi bạn nghỉ giải lao một chút, bạn đang tự thưởng cho mình vì đã tiến bộ, chứ không phải dừng lại để kiểm tra email. Về cơ bản, đây là một cách để đảm bảo rằng bạn nhận được những liều dopamine liên tục để thực hiện công việc mà bạn nên làm, thay vì chuyển sang các hành động mang tính giải trí.
Trì hoãn không phải lúc nào cũng xấuSự trì hoãn được ví như một căn bệnh của sinh viên, người làm nghề viết lách, và những người thường làm việc với một hạn chót (deadline) kéo dài. Thói quen trì hoãn công việc thường xuyên và lặp đi lặp lại là một yếu tố nguy cơ dẫn đến sức khỏe thể chất và tinh thần ngày càng suy giảm. Những hệ lụy về sức khỏe tâm thần bao gồm trải qua tình trạng đau khổ tâm lý nói chung và mức độ hài lòng trong cuộc sống thấp (đặc biệt là về công việc và thu nhập), cũng như các triệu chứng trầm cảm và lo lắng. Những người trì hoãn kinh niên cũng có nhiều khả năng bị đau đầu, mất ngủ và gặp các vấn đề về đường tiêu hóa, đồng thời họ dễ bị cảm cúm và cảm lạnh hơn, theo Washingtonpost.
Mặc dù trì hoãn là một thói quen xấu, nhưng nó cũng mang lại một số lợi ích nhất định. Nhiều người thực sự làm việc hiệu quả hơn khi gặp áp lực thời gian và họ thường dùng lý do này để trì hoãn. Có lẽ là do khi đợi đến những phút cuối cùng, họ buộc phải tập trung vào công việc và ít có động lực để trốn tránh nó.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Personality and Individual Differences vào tháng 2/2020, các nhà khoa học Mỹ phát hiện sự trì hoãn đúng cách đôi khi có thể giúp bạn sáng tạo hơn. Khi bạn trì hoãn một nhiệm vụ, bạn có thời gian để suy nghĩ về nó và xem xét các giải pháp khác nhau. Điều này có thể dẫn đến những ý tưởng mới và sáng tạo. Ngay cả nhà bác học thiên tài Leonardo da Vinci cũng được biết đến là một người thường xuyên trì hoãn công việc.
Sự trì hoãn đôi lúc giúp bạn giải tỏa căng thẳng. Khi bạn trì hoãn một nhiệm vụ, bạn có thể dành thời gian cho những việc khác mà bạn thích, giúp bạn thư giãn và giảm bớt căng thẳng.
Trong một số trường hợp, bạn có thể không trì hoãn nhiều như bạn nghĩ. Khi bạn xem video giải trí về mèo, tiềm thức của bạn vẫn đang hoạt động ở chế độ nền. Tiềm thức của bạn vẫn xử lý thông tin, tư duy và giải quyết vấn đề một cách tự động. Khi bạn quay trở lại với dự án, bạn sẽ thấy mọi thứ diễn ra suôn sẻ hơn. Điều này sẽ khiến não tiết ra thêm lượng dopamine như một phần thưởng, giúp bạn có thêm nguồn cảm hứng để làm việc.
Vì vậy, trì hoãn là một thói quen xấu nhưng nó không phải lúc nào cũng là kẻ thù. Chỉ cần đảm bảo rằng bạn đang sử dụng thời gian của mình một cách khôn ngoan và không trì hoãn các nhiệm vụ quan trọng cho đến phút cuối.