Một nhóm nghiên cứu lần đầu tiên quan sát vịt cổ xanh tấn công và ăn thịt chim di cư, hành vi mới chưa từng được ghi chép trước đây.
|
Chim chìa vôi xám bị vịt cổ xanh nuốt chửng gần như toàn bộ. Ảnh: BBC. |
Các nhà động vật học ở Đại học Cambridge, Anh, ghi hình một đàn vịt trời cổ xanh hay còn gọi là con le le đang săn chim trong một hồ trữ nước ở Romania, BBC hôm 30/6 đưa tin. Hai con chim non thuộc loài chim chìa vôi xám và chim chích chòe đuôi đỏ trở thành mục tiêu săn đuổi của đàn vịt và bị nuốt chửng khi đáp xuống nước.
Vịt cổ xanh là một trong những loài vịt hoang dã có số lượng lớn nhất, sinh sống phổ biến trong các công viên và hồ nước. Chúng thường ăn hạt giống, quả sồi, quả mọng, thực vật và côn trùng. Đôi khi, chúng cũng ăn cá nhỏ, nhưng hiếm khi săn động vật có xương sống lớn như chim.
Tiến sĩ Silviu Petrovan để ý hành vi bất thường của đàn vịt cổ xanh trong khi quan sát chim cùng những người bạn ở gần một công viên quốc gia phía tây nam Romania. Ông trông thấy con vịt cái trưởng thành dùng mỏ ngoạm chặt chim chìa vôi xám, liên tục nhấn chìm con mồi xuống nước trước khi ăn thịt. Trong khi đó, chim chích chòe đuôi đỏ bị một con vịt cổ xanh chưa trưởng thành săn đuổi.
"Con chim đáng thương đậu trên mặt nước và kêu hoảng hốt trong lúc cố gắng tìm đường thoát khỏi nguy hiểm. Sau đó, nó gần như bị vịt cổ xanh tấn công ngay lập tức", tiến sĩ Petrovan nói. Chim chích chòe đuôi đỏ biến mất khỏi tầm quan sát, có thể bị chết đuối hoặc bị vịt ăn thịt.
Các nhà khoa học không tìm thấy ghi chép về vịt cổ xanh săn mồi trong nghiên cứu trước đây, chứng tỏ hành vi rất hiếm gặp và có thể mới học. "Con vịt cổ xanh gặp nhiều khó khăn trong khi ăn chim chìa vôi, bởi nó không thể xé nhỏ con mồi với chiếc mỏ dẹt. Loài vật cũng không tiến hóa để chuyên tiêu hóa xương và lông", tiến sĩ Petrovan nói.
Về bản chất, loài vịt rất hiếm khi tỏ ra hung dữ và có khuynh hướng không thích loại thức ăn mới. Tuy nhiên, vịt cổ xanh ở California, Mỹ, từng được bắt gặp xuống biển để tìm cua cát, có thể nhằm thu thập nguồn thức ăn mới giàu protein. Điều tương tự có thể đang xảy ra ở hồ trữ nước Romania, theo kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Waterbirds.
Theo VNExpress