Lương Thế Vinh (1441-1496), tự là Cảnh Nghị, hiệu Thụy Hiên, quê tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định ngày nay.
Theo sách Những tấm gương hiếu học xưa và nay, ngay từ bé, Lương Thế Vinh đã nổi tiếng học giỏi nhưng cũng rất ham chơi. Ông là người biết kết hợp giữa chơi và học nên không gò bó mà vẫn đạt kết quả cao.
Học mà chơi
Khác với nhiều bạn bè cùng trang lứa chỉ biết “học vẹt”, để thuộc làu kinh sử, Lương Thế Vinh suy ngẫm, đào sâu rất kỹ. Ông học một biết mười và muốn đem kiến thức trong sách vở ứng dụng vào cuộc sống.
Lúc thả diều, Lương Thế Vinh tìm ra cách để đo chiều dài của dây, độ cao của diều. Khi đi câu cá, ông lại chú tâm tìm hiểu đời sống các sinh vật, ước đo chiều dài ao hồ, độ nông sâu của mực nước…
Sách Kể chuyện thần đồng Việt Nam của giáo sư Vũ Ngọc Khánh kể hồi ấy, Lương Thế Vinh và Quách Đình Bảo là hai người nổi tiếng thông minh khắp trấn Sơn Nam (Thái Bình - Hà Nam bây giờ).
Một hôm sắp đến kỳ thi, Lương Thế Vinh sang tìm Quách Đình Bảo để bàn chuyện về kinh ứng thí.
Khi gần đến nơi, ghé vào uống nước, Lương Thế Vinh nghe tiếng Quách Đình Bảo đang ngày đêm “dùi mài kinh sử” đến quên ngủ, quên ăn với hy vọng đứng đầu bảng vàng trong kỳ thi sắp tới.
|
Chân dung quan trạng Lương Thế Vinh. Đền thờ ông hiện đặt tại xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, Nam Định. |
Lương Thế Vinh cười nói: "Kỳ thi đến nơi mà còn chúi đầu vào sách, cố tụng niệm thêm vài chữ, vậy mà cũng gọi là biết cách học ư? Ta vào cũng chẳng có gì để bàn bạc".
Khi chuyện đến tai, Quách Đình Bảo nói rằng: “Người đó chắc chắn là Lương Thế Vinh, ta phải tìm gặp mới được”.
Trên đường đi, Quách Đình Bảo nghĩ Lương Thế Vinh đang đọc sách. Lúc ông đến nơi, người nhà bảo Lương Thế Vinh đang đi thả diều.
Quách Đình Bảo ra bãi tìm, thấy Lương Thế Vinh đang thả diều cùng bạn bè nên phục lắm. Chàng trai tự nghĩ: "Người này khôi ngô tuấn tú, phong thái ung dung, ta có học mấy cũng không theo kịp".
Quả nhiên sau đó, trong khoa thi Quý Mùi (1463) dưới thời vua Lê Thánh Tông, Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên, còn Quách Đình Bảo đỗ thám hoa (xếp thứ ba).
Kỳ tài toán học nước nhà
Lê Thánh Tông vốn hay chữ, trọng hiền tài nên khi thấy Lương Thế Vinh thông minh, tài giỏi, nhà vua rất yêu quý. Vua thường giữ ông bên mình, giao cho những nhiệm vụ quan trọng cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Không chỉ là tài năng lỗi lạc về văn thơ, thông thuộc sách thánh hiền, Lương Thế Vinh còn quan tâm nhiều lĩnh vực khoa học khác, đặc biệt là toán học.
Vốn sinh ra ở vùng nông thôn, quanh năm gắn bó với đồng ruộng, thấu hiểu cuộc sống khổ cực của nông dân, ông rất muốn tìm cách giúp họ.
Một lần, khi đi kinh lý, thấy hai nông dân đang cãi nhau khi chia mảnh đất có hình dáng phức tạp. Nghe rõ câu chuyện, ông xắn quần lội xuống tận nơi để chỉ ra chỗ đúng, sai và giúp họ chia lại mảnh ruộng một cách công bằng.
Lần khác, người dân tìm cách đo chiều rộng của khúc sông để bắc cầu, nhưng nước chảy xiết, việc đo đạc khó khăn. Lương Thế Vinh nói: "Không cần phải qua sông mới đo được".
Mọi người tưởng ông nói đùa. Lương Thế Vinh dùng phương pháp mà ngày nay gọi là “tam giác lượng” để đo chính xác chiều rộng của sông.
Sau này, để phổ biến kiến thức toán học vào đời sống, Lương Thế Vinh soạn cuốn Đại thành toán pháp. Ông đã tổng kết những kiến thức của thời đó và cả phần mình phát minh.
Đây chính là một trong những công trình nổi bật nhất trong lĩnh vực khoa học tự nhiên của nước ta dưới thời phong kiến. Quyển Đại thành toán pháp của ông được đưa vào chương trình thi cử suốt 450 năm tronglịch sử giáo dục Việt Nam.
Tương truyền, khi sứ nhà Minh là Chu Hy thách đố ông cân một con voi, Lương Thế Vinh đã đưa voi lên chiếc thuyền rồi đánh dấu mép nước. Sau đó, ông cho dắt voi lên, đổ đá hộc xuống thuyền cho đến lúc thuyền chìm xuống đến đúng dấu cũ. Việc còn lại là đưa từng viên đá lên cân và cộng kết quả.
Chu Hy thán phục nhưng vẫn tiếp tục đố ông đo bề dày của một tờ giấy xé ra từ quyển sách.
Khi nghe ông nói chỉ cần đo bề dày cả cuốn sách rồi chia đều cho số tờ là ra ngay kết quả, Chu Hy ngửa mặt lên trời than rằng "nước Nam quả lắm người tài!".
Lương Thế Vinh đáp lại người nghĩ ra cách cân voi thật sự là Tào Xung, con của Tào Tháo. Điều này càng khiến cho sứ nhà Minh hổ thẹn vì không biết sử nước nhà.