Sông mẹ thơ mộng thành ác mộng môi trường
Sông Hằng là địa danh quan trọng nhất của tiểu lục địa Ấn Độ, nơi khởi nguồn của nền văn minh Ấn Độ. Tên của con sông được đặt theo tên nữ thần Hindu Ganga nên nó còn được gọi là sông mẹ.
Theo tín ngưỡng của đạo Hindu, cuộc đời của người chưa hoàn thiện nếu chưa một lần được ngụp lặn trong nước sông Hằng. Nước sông cũng được cho là có tác dụng chữa bệnh kỳ diệu và được sử dụng cả trong nghi lễ thờ cúng lẫn sinh hoạt hằng ngày. Mỗi năm, hàng triệu tín đồ đạo Hindu hành hương về sông Hằng để tắm rửa trên dòng nước thiêng.
Người Hindu còn có tục hỏa thiêu dọc con sông này và lấy tro rải lên sông Hằng. Vào thế kỷ 16, Hoàng đế Babur từng mô tả vùng sông Yamuna - một nhánh của sông Hằng - là “tốt hơn mật hoa”. Một trong những người kế vị ông đã xây dựng đền Taj Mahal - di tích nối tiếng nhất của Ấn Độ - trên bờ sông này.
Linh thiêng và đẹp đẽ là vậy, nhưng sông Hằng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. “Xét trên phương diện khoa học, Yamuna đã chết về mặt sinh thái" - nhà hoạt động môi trường Brij Khandelwal nói. Theo các nhà khoa học, hiện nước sông Hằng không thể dùng để uống, tắm giặt, thậm chí là để sản xuất công nghiệp. Các nghiên cứu khoa học về môi trường cho thấy tỷ lệ thủy ngân, chì, crôm, nickel và đặc biệt là asen rất cao, ảnh hướng tới sức khỏe.
Một hình ảnh thường thấy trên dòng sông Yamuna. Ảnh: Planetcustodian
Yamuna khởi nguồn từ chân dãy Himalaya hùng vĩ và 400km đầu tiên của nó rạng rỡ màu xanh của sự sống; nhưng sau khi chảy qua thủ đô New Delhi, tất cả trở nên khác hẳn. Ở đây, toàn bộ sự trong lành của Yamuna bị hút ra để con người và nền công nghiệp sử dụng rồi trả lại cho nó các hóa chất độc hại và nước thải từ hơn 20 cống thoát lớn với hàng tỷ lít mỗi ngày. Dòng sông trở nên đen ngòm và đầy rác.
Các cuộc kiểm tra về môi trường cho thấy chỉ những sinh vật có khả năng kháng khuẩn mạnh nhất mới có thể tồn tại được ở đây. Con sông đã duy trì nền văn minh ở Delhi ít nhất 3.000 năm và là nguồn nước duy nhất cho hơn 60 triệu người Ấn Độ đã trở thành một trong những con sông xấu nhất hành tinh trong vài thập kỷ qua.
Himanshu Thakkar - kỹ sư điều phối Mạng lưới các đập, sông và con người ở Nam Á - cho biết đến những năm 1960, sông Hằng vẫn có sự đa dạng sinh học tốt và cá vẫn được đánh bắt. Mọi chuyện thay đổi khi New Delhi tăng dân số gấp đôi kể từ năm 1991. Hơn 1/4 dân số sống ở các khu định cư bất hợp pháp, đổ rác, nước thải thẳng vào cống rãnh. Tại nhiều khu vực trên sông Hằng, giờ đây động vật không thể tồn tại. Tuy vậy, cách ứng xử của con người trên bờ vẫn không thay đổi. Họ vẫn dùng nước sông trong các nghi lễ và cho sinh hoạt dù biết nó ô nhiễm.
“Đúng là Yamuna bị ô nhiễm, nhưng nó có khả năng giải thoát cho chúng tôi. Nếu bạn tắm ở Yamuna, bạn sẽ không đi xuống địa ngục” - một thầy tu Ấn Độ nói.
“Sông không phải là người”
Cuối tháng 3/2017, tòa án bang Uttarakhand, Ấn Độ đã ban hành một phán quyết mang tính bước ngoặt rằng sông Yamuna và sông Hằng là các thực thể sống. “Điều này sẽ giúp bảo vệ các con sông. Chúng đã có đầy đủ các quyền hiến lập và pháp định như con người, bao gồm quyền được sống” - luật sư MC Pant cho biết.
Ngay sau sự kiện này, nhà hoạt động môi trường Brij Khandelwal đã gọi cho cơ quan cảnh sát thành phố Agra để báo cáo một vụ cố ý giết người mà nạn nhân là sông Yamuna. Khandelwal cũng nêu tên một loạt quan chức chính phủ mà ông buộc tội là cố gắng làm con sông bị ngộ độc. “Nếu con sông chết, ai đó phải chịu trách nhiệm về việc giết chết nó” - Khandelwal cho biết.
Nhiều chuyên gia tỏ ra không tin tưởng rằng động thái này có thể mang lại hiệu quả. “Nó chỉ có tác dụng tượng trưng. Trên thực tế, quyết định này không có nhiều ý nghĩa” - Ritwick Dutta - luật sư về môi trường ở New Delhi - nói. Thực tế là ngay cả tác dụng tượng trưng cũng sớm bị tước mất vào cuối tuần trước. Tòa án tối cao Ấn Độ sau khi nhận được kiến nghị của chính quyền bang Uttarakhand đã ra phán quyết rằng sông Hằng và sông Yamuna không thể được coi là thực thể sống.
Thực tế, Ấn Độ đã dành nhiều nguồn lực để giải quyết vấn đề ô nhiễm của sông Hằng. 240 triệu bảng Anh đã được chi nhằm làm sạch dòng sông từ năm 1985. “New Delhi không thiếu tiền. Chúng tôi cũng có khả năng xử lý nước thải hàng đầu đất nước. Chúng tôi cũng không thiếu sự quan tâm của chính quyền, truyền thông hay người dân. Vấn đề chỉ ở lỗi hệ thống” - Thakkar nói.
Theo ông này, tiền bạc được đổ vào một hệ thống rối loạn với các chức năng chồng chéo. 20 cơ quan trung ương và địa phương đang tranh giành quyền kiểm soát các yếu tố khác nhau của con sông. Kế hoạch dọn sạch sông Hằng do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vạch ra cách đây 2 năm được cho là không hiệu quả vì lý do tương tự.
“Nếu bạn lắp đặt các nhà máy xử lý nước thải, bạn cũng cần có cả một hệ thống để đảm bảo chúng sẽ hoạt động. Suy cho cùng, tất cả đến từ vấn đề ý thức. Sông Thames của nước Anh từng bẩn đến mức mùi hôi của nó bay đến nơi họp quốc hội và các nghị sĩ không thể chịu nổi. Dù hiện tại đây là điều khó xảy ra vì nghị trường có máy điều hòa, nhưng chỉ cần nó đủ hôi để bay đến cửa thôi thì có thể chúng ta mới có hành động tương tự” - Thakkar nói.