Cho đến khi qua đời, tác giả người Anh gốc Đức Ernst Friedrich Schumacher (1911-1977) làm việc như một nhà tư vấn phát triển nông thôn ở các nước nghèo. Ông đạt được danh tiếng bất ngờ và trở thành “lãnh đạo” tinh thần của nhiều người quan tâm đến sinh thái và ủng hộ lối sống giản dị với cuốn sách mang tên “Nhỏ là đẹp”.

Tác giả E.F. Schumacher. Ảnh: medium.com
Tác giả E.F. Schumacher. Ảnh: medium.com

Nhưng cuốn sách mà chính Schumacher xem như tác phẩm quan trọng nhất của đời ông lại ít người biết đến, đó là “Một chỉ dẫn cho người bị bối rối” (A guide for the perplexed).

“Cả đời ba sống chỉ để làm cuốn sách này,” ông dặn dò cô con gái khi trao tay cho cô bản thảo. Chỉ năm ngày sau, ông bị đau tim khi đang đi trên tàu và qua đời.

“Một chỉ dẫn cho người bị bối rối” như lời kêu gọi, hay có thể nói, lời cầu xin chúng ta hãy luôn tỉnh táo trong một xã hội ám ảnh bởi chủ nghĩa khoa học duy vật luận, thứ chủ nghĩa mà theo ông đã hủy hoại những tàn dư cuối cùng của nền minh triết cổ đại.

Schumacher cho rằng trong hành trình tìm kiếm nhận thức đích thực, con người cần một tấm “bản đồ” đặc biệt nêu bật những cột mốc quan trọng và thiết yếu nhất để giúp chúng ta điều hướng. Ít nhất là từ ba đến bốn trăm năm trở lại đây, chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa khoa học duy vật luận lên ngôi, chi phối mạnh mẽ cách tất cả các thành viên trong xã hội, tạo dựng những bản đồ tri thức được cho là “thiết thực” nhưng thực tế đầy khuyết thiếu, sai lạc, khiến những người sử dụng bản đồ ấy bối rối, bất hạnh và yếm thế nhiều hơn. Những tấm bản đồ được tạo ra bởi chủ nghĩa khoa học duy vật luận bỏ qua không giải đáp tất cả những câu hỏi quan trọng. Hơn thế nữa, chúng thậm chí còn không trưng ra cho con đường đi đến một giải đáp khả dĩ.

Schumacher cáo buộc, nhân danh tính khách quan khoa học, các khoa học gia, các triết gia đã quy giản con người, một hữu thể sống động, phức tạp thành những cỗ máy tinh vi, quy giản “các giá trị và ý nghĩa chẳng qua chỉ là những cơ chế bảo vệ và phản ứng”, nhất quyết tống khứ đi cái “chiều thẳng đứng” của trải nghiệm nhân sinh. Đó là những bản đồ phản ánh nhãn quan nghèo nàn về trí tuệ và tinh thần, cào bằng tất cả, coi rằng không có sự khác biệt cơ bản giữa vật chất vô tri với đời sống động thực vật và con người.

Tác phẩm của E.F. Schumacher do dịch giả Nguyễn Văn Trọng chuyển ngữ vừa được xuất bản ở Việt Nam vào tháng 12/2019. Ảnh: nxbtrithuc.com.vn.
Tác phẩm của E.F. Schumacher do dịch giả Nguyễn Văn Trọng chuyển ngữ vừa được xuất bản ở Việt Nam vào tháng 12/2019. Ảnh: nxbtrithuc.com.vn.

Trong khi minh triết truyền thống luôn trình bày thế giới như là một cấu trúc ba chiều (được biểu tượng bởi cây thánh giá), trong đó phân biệt mọi lúc mọi nơi giữa các sự vật “cao cả” hơn và “thấp hèn” hơn, cũng như các trình độ hiện hữu, tư duy mới lại tranh cãi với thái độ cương quyết, nếu không nói là cuồng tín, đòi tống khứ đi cái chiều thẳng đứng.

Bản đồ thiếu đi “chiều thẳng đứng”, thiếu đi những chỉ dẫn hướng tới cái “cao cả”, tránh những cái suy vong, “thấp hèn” thì không còn hữu dụng với con người nữa. Những bản đồ “thực dụng”, luôn ám ảnh bởi công lợi hoặc mang tính cá nhân – vị kỷ không còn cho chúng ta những câu trả lời, đặc biệt câu trả lời cho câu hỏi trọng yếu: “Ta phải làm gì với đời ta?”. Schumacher nhấn mạnh, nếu không có các khái niệm định tính về “cao cả” và “thấp hèn” thì không thể nghĩ ra các hướng dẫn để sống vượt ra ngoài chủ nghĩa thực dụng cá nhân hoặc tập thể và ích kỷ.

Tác giả cuốn sách cho rằng chúng ta, bằng trải nghiệm sống, có thể dễ dàng nhìn thấy điều mà tổ tiên của chúng ta đã từng nhìn thấy: có bốn trình độ hiện hữu, từ thấp đến cao, là: khoáng vật, thực vật, động vật và con người; trình độ hiện hữu cao hơn sẽ bao hàm những trình độ thấp hơn và có thể ảnh hưởng từ những trình độ hiện hữu cao hơn nó. Khoáng vật cộng thêm phần sự sống thì sẽ thành thực vật, thực vật cộng thêm phần ý thức thành động vật, động vật cộng thêm phần tự nhận thức thành con người. Con người là một hệ thống hóa lý, giống như phần còn lại của thế giới, và anh ta cũng sở hữu sức mạnh vô hình và bí ẩn của sự sống, cộng thêm phần ý thức và tự nhận thức.

Schumacher chỉ ra chủ nghĩa khoa học duy vật luận chi phối đời sống hiện đại đến mức chúng ta không còn dễ dàng hình dung ra cấu trúc phân cấp của hiện hữu nữa. Tiếp tục phân tích sâu hơn, ông phân biệt khoa học thành hai loại, “thao túng” và “hiểu biết”, trong đó “Mục đích của khoa học hiểu biết là khai sáng và giải phóng cho con người. Mục đích của khoa học thao túng là sức mạnh”. Khoa học “thao túng”, theo ông, chỉ đơn giản giúp con người thao túng vật chất vô tri; và những giả định tai hại mà vũ trụ học của phương Tây trong thế kỷ 20 nảy sinh từ sự khăng khăng bướng bỉnh của nó trong việc tìm cách áp dụng triệt để tri thức thao túng, và sau đó rút ra tất cả các kết luận liều lĩnh từ bằng chứng ít ỏi...

Schumacher cũng viện ra rất nhiều trích dẫn từ các cổ văn để cho độc giả thấy các tôn giáo lớn tự cổ chí kim đều chỉ dẫn con người bước lên một hành trình hướng thượng, hạnh phúc đích thực gắn với việc đi lên cao, phát triển những tính năng “cao cả” nhất, tiệm tiến lại gần Thượng đế và được khải thị để trông thấy Người. Nếu con người buông lỏng trong lối sống, rơi xuống tầng thấp hơn, chỉ phát triển những tính năng “thấp hèn” hơn thì lúc ấy chúng ta sẽ bất hạnh và tuyệt vọng thực sự. Tôn giáo (Religion) là sự kết nối lại (re-legio) con người với Hiện thực, bất kể Hiện thực ấy được gọi là Thượng đế, Sự thật, Allah, Sat-Chit-Ananda hay Niết Bàn.

Dĩ nhiên, “Một chỉ dẫn dành cho người bị bối rối” không dẫn dụ chúng ta đến một đức tin cụ thể nào, nhưng nó chỉ ra tầm quan trọng của đức tin trong đời sống và bác bỏ những định kiến về tôn giáo trong xã hội hiện đại. Tôn giáo, Schumacher nhấn mạnh rõ, hay cảm thức tâm linh, không nhất thiết phải gắn liền với các tổ chức và thiết chế tôn giáo, là một phần thiết yếu của công cuộc làm người, nhưng đã bị “vất xó” và bị xã hội hiện đại làm cho “ô uế” đến mức không còn hiện rõ chân tướng. Cuộc thí nghiệm hiện đại sống không có tôn giáo đã thất bại, và một khi chúng ta hiểu được ra điều này, thì chúng ta biết được những nhiệm vụ “hậu hiện đại” của chúng ta thực ra là gì...