Một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra rằng, kim cương không hiếm như trước nay mọi người vẫn tưởng mà tràn ngập dưới lòng đất.

Điều này một lần nữa cho thấy, việc thứ đá tự nhiên này đắt đỏ như vậy là do các hãng lớn kiểm soát nguồn cung, tạo nạn khan hiếm giả và “thổi” giá lên cao.

Nhờ quảng cáo, kim cương trở thành biểu tượng của hôn nhân và hạnh phúc, thậm chí là thước đo thành công trong sự nghiệp của con người. Ảnh: INT
Nhờ quảng cáo, kim cương trở thành biểu tượng của hôn nhân và hạnh phúc, thậm chí là thước đo thành công trong sự nghiệp của con người. Ảnh: INT


Kim cương không hiếm

Mới đây, các nhà địa chất thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) vừa đăng tải một nghiên cứu gây sốc về quá trình hình thành kim cương trên tạp chí khoa học Nature. Theo đó, ngoài hai cách tạo ra kim cương là ôxy hóa khí mêtan hoặc khử CO­2 trong dòng dung nham hay chất lỏng sâu dưới lòng đất, còn một cách thứ ba đơn giản hơn. Đó là khi dòng nước sâu trong lòng Trái đất chảy qua các loại đá khác nhau, tính axít của nó giảm xuống một cách tự nhiên và phản ứng với các lớp đá. Ở điều kiện nhiệt độ và áp suất cực cao trong lòng đất, kim cương được hình thành.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, không khí - yếu tố vô cùng quan trọng trong hai cách hình thành kim cương là ôxy hóa khí mêtan hoặc khử CO2 trong dòng dung nham hay chất lỏng sâu - với cách thứ ba trở nên không cần thiết. Quan trọng hơn, nó cho thấy việc hình thành theo cách thức đơn giản như vậy chứng tỏ kim cương có thể tồn tại rất nhiều trong lòng đất.

“Kim cương được hình thành ở rất sâu trong lòng đất. Nó không hiếm như trước nay chúng ta vẫn tưởng. Điều này là hợp lý khi thời gian gần đây, chúng ta đã phát hiện thấy kim cương được hình thành trong rất nhiều loại đá khác nhau. Theo tôi, mọi người đều phải thừa nhận ngày càng có nhiều môi trường hình thành nên kim cương được phát hiện” – tiến sĩ Dimitri A. Sverjensky (Mỹ), đồng tác giả của nghiên cứu vừa được công bố - cho biết.

Ông Sverjensky cho biết, ý nghĩa lớn nhất của nghiên cứu là làm sáng tỏ chuyển động của chất lỏng trong lòng Trái đất, giúp chúng ta hiểu thêm về chu kỳ cácbon. Đây là điều vô cùng quan trọng, bởi lẽ tất cả sự sống trên Trái đất đều phụ thuộc vào cácbon - nghĩa là mọi sinh vật sống mà con người biết đến đều được tạo nên từ các phân tử chứa các nguyên tử cácbon và các nguyên tử khác.

Dù các nhà khoa học khẳng định kim cương không hiếm, tồn tại rất nhiều trong lòng đất, nhưng những ai hy vọng thông tin này có thể làm giảm giá loại đá này trên thị trường sẽ phải thất vọng. Bởi lẽ, dù biết được cơ chế hình thành kim cương nhưng con người không thể dựa vào đó mà tạo ra quy trình sản xuất hàng loạt. Loại đá này chỉ có thể hình thành ở độ sâu từ 145-193km dưới bề mặt Trái đất và ở nhiệt độ khoảng 899 đến 1.093 độ C.

Ý tưởng khai thác kim cương trong lòng đất cũng khó thực hiện, bởi lẽ trước nay những mũi khoan sâu nhất con người từng khoan vào lòng đất chỉ đến độ sâu 13-14km. Như vậy đồng nghĩa với việc kim cương chỉ có thể được đưa lên mặt đất theo cách bao đời nay vẫn diễn ra: Nhờ hoạt động của núi lửa và dòng dung nham của nó.

Quan trọng hơn, vấn đề về giá kim cương không phải nằm ở nguồn cung mà là nằm trong tay các tập đoàn kinh doanh đá quý hàng đầu thế giới.

Nguồn cung, giá kim cương bị thao túng

Có một thực tế là chuyện kim cương không hiếm vốn được nói đến từ lâu, trước nghiên cứu của các nhà địa chất thuộc Đại học Johns Hopkins rất nhiều năm.

Tờ Washington Post cho biết, trước đây kim cương rất hiếm. Nó chỉ xuất hiện trên những vương miện hay các món đồ trang sức của hoàng gia. Tuy nhiên, năm 1870 các nhà tài phiệt nước Anh đã phát hiện những mỏ kim cương có trữ lượng cực lớn tại Nam Phi.

Những mỏ này hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới. Thế nhưng các thương nhân nước Anh giữ bí mật tuyệt đối điều này, đồng thời thành lập tập đoàn De Beers vào năm 1888 để thâu tóm và chiếm lĩnh, điều tiết thị trường kim cương thế giới.

Cecil Rhodes - nhà lãnh đạo của De Beers - nhận thấy rằng, tập đoàn này hoàn toàn có thể “thổi” giá kim cương nếu kiểm soát được tất cả các mỏ được phát hiện. Người kế nhiệm tiếp theo là Ernest Oppenheimer tiếp tục thực hiện chính sách đó, thành công đến mức De Beers kiểm soát tới 90% số giao dịch kim cương thô trên toàn thế giới trong suốt thế kỷ XX. Tập đoàn này lập hầm chứa kim cương lớn ở nước Anh và tiến hành điều tiết giá cả thị trường bằng cách bán ra nhỏ giọt.

Họ cũng tiến hành những chiến dịch quảng cáo kinh điển, thành công bậc nhất trong lịch sử. Bằng cách lợi dụng những bộ phim của Hollywood, báo chí, truyền thông, giới thời trang… De Beers đã gieo vào đầu tất cả suy nghĩ “Kim cương là vĩnh cửu” (đây cũng chính là slogan của tập đoàn De Beers), rằng nhẫn cưới nào cũng cần một viên kim cương để hạnh phúc của đôi lứa là mãi mãi. Tập đoàn đã thành công khi đẩy những viên đá này thành biểu tượng của hôn nhân và hạnh phúc, thậm chí là thước đo thành công trong sự nghiệp của con người.

De Beers giữ thế độc quyền, nắm trong tay cả ngành khai thác, kinh doanh kim cương cho đến tận năm 1990 khi Alrosa - một công ty của Nga và mỏ kim cương Argyle tại Australia bắt đầu bán kim cương một cách độc lập. Thị phần của De Beers hiện chỉ còn 40% và tiếp tục đi xuống.

Tuy nhiên, dù De Beers mất thế độc quyền nhưng giá kim cương vẫn không biến động lớn. Nguyên nhân là những công ty chiếm thị phần lớn nhận ra rằng cuộc chiến về giá có thể sẽ giết chết họ, để rồi quyết định tiếp tục chiến lược tích trữ và chỉ bán ra lượng kim cương hạn chế.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều suôn sẻ với những tập đoàn này. Tình hình suy thoái kinh tế thế giới đã khiến kim cương là một trong những món hàng được đưa vào diện cắt giảm đầu tiên.

Khủng hoảng kinh tế đã thúc đẩy việc người dân nhiều nước trên thế giới xem xét lại việc mua kim cương - một thứ vốn chỉ có bề ngoài hào nhoáng chứ không có nhiều tác dụng trong thực tiễn giống các kim loại quý như vàng, bạc – vốn là “bùa hộ mệnh” chống lạm phát.

Khó như bán lại kim cương

Tờ Quora cho biết, nếu một khách hàng muốn bán lại những viên kim cương mình đã mua, đó sẽ là việc vô cùng khó khăn. Đơn giản là bởi các cửa hàng nữ trang trên thế giới thường có chính sách không mua lại kim cương mình đã bán hoặc chỉ mua với giá rất rẻ, bằng với giá bán buôn. Thêm nữa, việc định giá kim cương cũng không hề dễ dàng. Dù đã có quy tắc 4C (giác mài (Cut), trọng lượng (Carat), độ sạch (Clarity) và màu sắc (Color) - PV), nhưng việc áp dụng là rất cảm tính. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh, những viên kim cương tương tự nhau được bán với giá khác nhau tại các cửa hàng nữ trang. Tờ Quora kết luận, nếu như vàng là hạng mục đầu tư lớn, an toàn thì đầu tư vào kim cương chắc chắn sẽ là một trong những quyết định sai lầm nhất bạn có thể thực hiện.