Bắc Cực là vùng đất có nhiệt độ đóng băng và khan hiếm tài nguyên, nhưng một loạt hóa thạch nhỏ mà các nhà khoa học phát hiện mới đây cho thấy khủng long không chỉ từng đi qua ở Bắc Cực, mà còn sinh ra và lớn lên ở đó.

Trước kia, các nhà khảo cổ đã tìm thấy hóa thạch khủng long ở Bắc Cực, nhưng vẫn chưa rõ liệu chúng sống ở đó quanh năm hay là chỉ "đến thăm" Bắc Cực theo mùa.

Nhưng mới đây, các chuyên gia cho biết hàng trăm hóa thạch từ những con khủng long còn rất nhỏ được phát hiện ở miền bắc Alaska, cho thấy đó là nơi cư trú quanh năm của nhiều loài khủng long.

Trước đây, người ta vẫn chưa rõ liệu khủng long sống ở Bắc Cực quanh năm hay chỉ đến theo mùa. Ảnh minh họa.

Giáo sư Gregory Erickson, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Bang Florida và là đồng tác giả của nghiên cứu mới, cho biết, khu vực mới được khám phá này giống "nhà hộ sinh" của khủng long thời tiền sử, đồng thời cho biết rất hiếm khi tìm thấy hóa thạch của những con khủng long non như vậy vì chúng rất nhỏ và mong manh. "Chúng tôi đã rất sửng sốt khi phát hiện ra những hóa thạch nhỏ như vậy", Erickson nói. "Chúng tôi đoán khủng long đã sinh sống ở Bắc Cực, nhưng không ngờ sẽ tìm được bằng chứng".

Erickson và các đồng nghiệp đã viết trên tạp chí Current Biology về cách họ phân tích các hóa thạch được phục hồi từ Hệ tầng Prince Creek thuộc kỷ Phấn trắng trong một loạt các cuộc thám hiểm kéo dài một thập kỷ. Các hóa thạch, có niên đại khoảng 70 triệu năm trước, đến từ ít nhất bảy loài khác nhau - bao gồm cả khủng long mỏ vịt và khủng long có sừng. Erickson cho biết họ còn tìm thấy răng của một con khủng long bạo chúa nhỏ, có thể chỉ mới 6 tháng tuổi.

“Chúng tôi đã xây dựng một cơ sở bằng chứng cho thấy không chỉ một số loài khủng long sinh sống ở đó, mà có vẻ gần như là tất cả các loài khủng long," ông nói.

Giáo sư Gregory Erickson, trái, và đồng nghiệp của ông tìm thấy bằng chứng về khủng long con ở Bắc Cực.

Theo nhóm nghiên cứu, kết luận rằng loài khủng long có khả năng sống ở Bắc Cực quanh năm còn được củng cố bởi các bằng chứng khác, chẳng hạn như việc chưa tìm thấy nhiều loài khủng long từ thời kỳ tương tự ở vĩ độ thấp hơn

Vào thời điểm khủng long sống ở Bắc Cực, khu vực này chưa có các chỏm băng lớn và vẫn còn rừng cây lá kim, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết điều kiện Bắc Cực khi đó vẫn rất khắc nghiệt, trời có thể tối liên tiếp tới 120 ngày vào mùa đông và nhiệt độ trung bình hằng năm chỉ trên 6 độ C.

“Những con khủng long, nếu là cư dân sống ở đây, đã phải chịu đựng điều kiện mùa đông băng giá với tuyết rơi thường xuyên”, nhóm nghiên cứu viết trong bài báo. Do đó, phát hiện này cũng đặt ra câu hỏi về cách các loài khủng long chống chọi với mùa đông. Họ cho rằng những loài khủng long nhỏ hơn có thể đã ngủ đông ở trong hang, trong khi những loài khủng long ăn cỏ lớn hơn có thể nhịn ăn trong thời gian dài.

Một số hóa thạch được tìm thấy ở Bắc Cực có kích thước như vảy gàu.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, có thể một số loài khủng long có lớp lông vũ giúp cách nhiệt. Ngoài ra, việc phát hiện khủng long ở Bắc Cực - nhưng không phát hiện các sinh vật máu lạnh như lưỡng cư hay rùa - củng cố giả thuyết rằng ít nhất một số loài khủng long là loài máu nóng.

Tiến sĩ Stephen Brusatte, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Edinburgh, người không tham gia vào nghiên cứu, đánh giá nghiên cứu này mang tính đột phá. Đồng thời, theo ông, các hóa thạch dù vô cùng nhỏ nhưng rất quan trọng. “Một số hóa thạch này có kích thước chỉ như đầu đinh ghim hoặc vảy gàu, và thực tế chúng vẫn tồn tại sau sự khắc nghiệt của quá trình hóa thạch là điều khác thường".

Brusatte cho biết thêm, nghiên cứu này cho thấy loài khủng long có thể thích nghi để tồn tại trong một môi trường khắc nghiệt như vậy, "đối với tôi đó là điều tuyệt vời nhất". "Những con khủng long này - lớn, nhỏ, ăn thịt, ăn thực vật - hẳn đã hình thành nên những cộng đồng thích nghi được với những thách thức của mùa đông giá rét đến cực đoan", Brusatte nói.

Nguồn: