Một kho vũ khí từ thế kỷ 16 thuộc về dòng họ Dobrynins dưới thời Sa hoàng Ivan IV Vasilyevich (Ivan Bạo chúa) vừa được tìm thấy ở thị trấn Zvenigorod (Nga). Chúng giúp giới khoa học hiểu thêm về tổ chức quân đội của ông vua nổi tiếng này.
“Kho báu” 500 tuổi dưới lòng đất
Trong quá trình mở rộng xa lộ ở bên ngoài thị trấn cổ Zvenigorod, cách Moscow (Nga) gần 30km về phía tây, các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Nga đã tình cờ phát hiện kho vũ khí rất giá trị tại một ngôi làng hồi thế kỷ 16 có tên Ignatievskoe.
Đây chính là lãnh địa của dòng họ Dobrynins - một gia đình quý tộc Boyar, tước vị cao quý chỉ sau hoàng thân (thuộc về những gia đình có quan hệ huyết thống với sa hoàng).
Nhóm nghiên cứu phát hiện tàn tích của 60 ngôi nhà bằng gỗ trong đó. Đáng chú ý nhất là một căn phòng gỗ nằm dưới lòng đất chứa đủ các loại vũ khí như gươm, mũi tên, mũ giáp trụ, thắt lưng…
Họ kinh ngạc nhận thấy tất cả số vũ khí này đều chưa từng được sử dụng và đang ở trong tình trạng bảo quản tốt nhất. Theo các nhà nghiên cứu, rất có thể căn phòng dưới lòng đất này bị rơi vào quên lãng sau khi ngôi làng bị một trận hỏa hoạn lớn thiêu rụi. Điều này đã giúp nó tránh xa khỏi sự nhòm ngó của con người cũng như có được tình trạng bảo quản tốt đến vậy.
Cổ vật nổi bật trong kho vũ khí 500 tuổi mới được phát hiện là một chiếc mũ giáp gần như còn nguyên vẹn, ít hoen gỉ, bên cạnh nhiều chiếc mũ cùng loại có dấu vết rõ rệt của thời gian. “Những chiếc mũ giáp này được trang trí bằng vàng và bạc. Chúng là vật dụng không thể thiếu của các hiệp sĩ Nga. Đây là loại mũ thông dụng mà chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy ở các viện bảo tàng như Viện Bảo tàng Kremlin Armoury, Viện Bảo tàng Hermitage hay Viện Bảo tàng Lịch sử” - Alexei Alexeyevn - nhà khảo cổ học phụ trách cuộc khai quật cho biết.
Trong khi đó, tiến sĩ Asya Engovatova - Phó Giám đốc Viện Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Nga - nói: “Chúng tôi chưa từng phát hiện một kho vũ khí nào tương tự như vậy ở khu vực Moscow, càng chưa từng tìm thấy những di tích khảo cổ đó ở các thành phố khác, đặc biệt là ở những ngôi làng nhỏ như thế này. Thật may là chúng tôi đã kịp thời phát hiện và khai quật “kho báu” này. Nếu không, tất cả những thứ quý giá đó sẽ bị phá hủy hoàn toàn trong quá trình xây dựng đường cao tốc”.
Ivan Bạo chúa và đội quân khét tiếng
Việc phát hiện kho vũ khí này khiến các nhà khoa học hết sức phấn khích. Nó giúp làm rõ cách thức tổ chức quân đội và đặc biệt là những bước chuẩn bị của giới quý tộc Nga cùng đội quân của họ để thực hiện các nhiệm vụ do Ivan Bạo chúa - người đầu tiên xưng là sa hoàng - giao cho.
“Phát hiện này cho thấy mỗi gia đình quý tộc Nga thời đó đều có một kho vũ khí của riêng mình và luôn ở trong tình trạng sẵn sàng phụng sự mỗi khi có nhiệm vụ mà sa hoàng giao phó. Nó cũng cho thấy cách thức các nhà quý tộc Nga chuẩn bị trước một chiến dịch quân sự hoặc thực hiện một mệnh lệnh từ Ivan Bạo chúa” - nhà khoa học Alexei Alexeyevn cho hay.
Các nhà khảo cổ cũng khẳng định, chủ sở hữu của kho vũ khí này - một người thuộc dòng họ Dobrynins - là thành viên lực lượng thân cận của Ivan Bạo chúa do đích thân ông này tuyển chọn. Từ vị trí địa lý của thị trấn cổ Zvenigorod (gần Moscow), các nhà khoa học đưa ra hai giả thuyết. Thứ nhất, chủ nhân của kho vũ khí thuộc quân đội sa hoàng và nó được xây dựng để chuẩn bị cho một chiến dịch trong cuộc chiến với liên quân Ba Lan - Latvia. Thứ hai, chủ nhân của kho vũ khí này là của thành viên của Oprichniki - một đội cận vệ của riêng Ivan Bạo chúa do chính vị sa hoàng này thành lập, nổi tiếng với những vụ thanh trừng, đàn áp các nhà quý tộc Boyar.
Chiến tranh mở rộng lãnh thổ và đàn áp giới quý tộc là hai điều quan trọng làm nên “thương hiệu” của Ivan Bạo chúa. Vị sa hoàng này sau khi nắm quyền lực tối thượng đã có những cải cách mạnh mẽ về quân đội và chính quyền. Ông cũng tiến hành chinh phục thành công các hãn quốc (những vương quốc mà đứng đầu là đại hãn) của Kazan, Astrakhan và Siberia, góp phần tạo ra một nước Nga đa sắc tộc, đa tôn giáo.
Ivan Bạo chúa cũng nổi tiếng với việc đàn áp giới quý tộc Boyar do luôn bị ám ảnh rằng họ đang âm mưu lật đổ ngai vàng của mình. Mọi chuyện lên đến đỉnh điểm khi Ivan Bạo chúa mắc bệnh thập tử nhất sinh. Khi đó, vị sa hoàng này yêu cầu giới Boyar phải thề trung thành với mình, nhưng các nhà quý tộc cho rằng Ivan Bạo chúa chẳng còn sống được mấy ngày nên đã từ chối. Chẳng ngờ chỉ ít lâu sau, Sa hoàng lại qua khỏi.
Kể từ đó, các cuộc thanh trừng giới Boyar liên tiếp diễn ra do lực lượng Oprichniki thực hiện dưới sự ra lệnh của Ivan Bạo chúa.
Kinh khủng nhất là khi vị vua này ra lệnh cho Oprichniki tàn sát khoảng 2.000-3.000 người gồm cả giới quý tộc lẫn dân thường tại Novgorod - thành phố hưng thịnh chỉ sau Moscow và Kiev lúc bấy giờ. Từ đó, Novgorod chẳng bao giờ có thể quay lại thời kỳ hưng thịnh nữa.
Các nhà khoa học hy vọng những nghiên cứu chi tiết về kho vũ khí cổ này sẽ góp phần hé lộ thêm những thông tin quý giá về thời kỳ trị vì của Ivan Bạo chúa.
Ivan Bạo chúa tên thật là Ivan IV Vasilyevich (25/8/1530 - 18/3/1584). Ông lên ngôi khi mới 3 tuổi sau cái chết của vua cha Vasily III. Phải đến năm 14 tuổi, Ivan Bạo chúa mới chính thức nắm quyền lực. Ông thực hiện nhiều cải cách về chính quyền cũng như quân đội như sửa đổi luật, tạo các lực lượng quân thường trực dưới quyền chỉ huy trực tiếp của mình, thành lập nghị viện Nga đầu tiên cho các tiểu quốc phong kiến, thành lập hội đồng quý tộc… Ivan Bạo chúa được cho là có vấn đề về tâm lý, điển hình là việc có thể chuyển từ lối sống ăn chơi sa đọa sang cầu nguyện, ăn chay ở những tu viện xa xôi, hẻo lánh. Sa hoàng này được gọi là bạo chúa do sự tàn bạo của mình. Ngoài chuyện tàn sát giới quý tộc, giết người vô số, Ivan Bạo chúa còn nổi tiếng với việc tự tay đánh chết con trai mình bằng cây gậy sắt. |