Theo Báo cáo về rủi ro toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một loạt rủi ro, từ thiên tai đến biến đổi khí hậu và sự nổi lên của tổ chức khủng bố IS tự xưng, cùng các cuộc tấn công mạng đang ngày càng phức tạp.


Báo cáo trên được công bố ngày 14/1, trước thềm hội nghị của WEF tại Davos vào tuần tới, cho thấy nguy cơ thất bại trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu có thể là rủi ro gây thiệt hại lớn nhất trong thập niên tới, vượt qua cả vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng hoảng nước, dòng người nhập cư ồ ạt và các cú sốc nghiêm trọng về giá năng lượng. Đây là lần đầu tiên mối quan ngại về môi trường đứng đầu danh sách những rủi ro toàn cầu được đưa ra trong báo cáo của WEF.

Theo ông John Drzik, Chủ tịch phụ trách rủi ro toàn cầu của hãng môi giới bảo hiểm Marsh, báo cáo 2016 của WEF nêu lên những rủi ro mà kinh tế toàn cầu phải đối mặt trên diện rộng nhất từ trước tới nay.

(Nguồn: EPA)
(Nguồn: EPA)

Bên cạnh đó, các yếu tố kinh tế thuần túy cũng vẫn là mối quan ngại lớn, như mức độ giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tỷ lệ thất nghiệp cao ở nhiều nước và tác động của giá dầu thấp đối với ngân sách của các nước xuất khẩu dầu.

Ông Drzik cho rằng điểm gặp nhau của các dấu hiệu kinh tế đáng ngại, với các thị trường chứng khoán toàn cầu đã trải qua đợt lao dốc vào đầu năm nay là việc tạo ra môi trường rất khó khăn cho hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó, theo một khảo sát của hãng tin Reuters, số đông trong hàng trăm nhà kinh tế được hỏi cho rằng tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại các nền kinh tế phát triển và mới nổi đang mất động lực. Thực tế này diễn ra sau khi các biện pháp kích thích kinh tế trị giá vài nghìn tỷ USD và chính sách tiền tệ siêu nới lỏng được các ngân hàng trung ương lớn thực hiện trong nửa thập niên qua.

Theo khảo sát, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới được dự báo lần lượt là 3,3 và 3,4%, thấp hơn so với các dự báo được đưa ra ba tháng trước. Không chỉ dự báo tăng trưởng bị hạ xuống, triển vọng lạm phát của hầu hết các nước cũng bị điều chỉnh giảm.

Tình trạng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đứng đầu trong danh sách các mối quan ngại của các nhà kinh tế tham gia khảo sát.

Nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc được dự báo ở mức 6,5% trong năm 2016, so với mức tăng 6,9% năm 2015, nhưng nhiều nhà kinh tế nghi ngờ con số thực tế có thể thấp hơn.