Kho dữ liệu này tập hợp khoảng 5.000 bài giảng chất lượng từ giáo viên trong cả nước, và được bổ sung hằng năm thông qua Cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng E-Learning do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Kho dữ liệu gồm khoảng 5.000 bài giảng điện tử của Bộ GD-ĐT
Kho bài giảng E-Learning của Bộ GD-ĐT được thiết kế nhằm xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở, phục vụ việc dạy và học trong và ngoài nhà trường, học tập suốt đời, và học mọi lúc mọi nơi.
Trong bối cảnh học sinh vẫn tiếp tục nghỉ học và Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đẩy mạnh dạy học qua internet và trên truyền hình, kho bài giảng điện tử trở thành một nguồn học liệu chất lượng để nhà trường lựa chọn và hướng dẫn học sinh tham khảo trong quá trình học tại nhà.
"Đây là một kênh tham khảo hữu ích, nhất là đối với các em học sinh ở những trường chưa có điều kiện triển khai học online một cách bải bản," cô Hạnh Quỳnh, giáo viên trường THCS Trần Quang Khải (Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ. "Nếu biết cách sử dụng, kho bài giảng này sẽ giúp các em học sinh rất nhiều trong quá trình tự học. Chẳng hạn như ngay sau mỗi bài giảng thường có phần câu hỏi trắc nghiệm trả lời nhanh, giúp các em ghi nhận nội dung cốt lõi của bài học."
Không chỉ học sinh mà giáo viên và các cán bộ quản lý cũng có thể sử dụng kho bài giảng để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm soạn bài giảng điện tử của các đồng nghiệp trên cả nước. Ngoài ra, phụ huynh học sinh có thể sử dụng kho bài giảng để nắm được chương trình dạy học, từ đó hỗ trợ con/em trong quá trình học tập tại nhà, đặc biệt là đối với trẻ mầm non.
Người dùng khi truy cập vào Kho bài giảng E-Learning sẽ dễ dàng nhìn thấy danh mục các lớp và môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Các bài giảng E-Learning thuộc hai chủ đề: Môn học và Dư địa chí. Đối với chủ đề Môn học, các bài giảng E-Learning được phân bố thuộc lớp và môn học cụ thể, phủ kín gần như toàn bộ chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên của Bộ GD-ĐT. Trong khi đó, chủ đề Dư địa chí bao gồm các nội dung liên quan đến văn hóa – lịch sử địa phương, danh nhân văn hóa, phong tục, tập quán, lễ nghi, tôn giáo, đời sống văn hóa - xã hội của địa phương...
Theo cô Hồ Thị Trang Linh, giáo viên Ngữ văn trường THCS & THPT Thái Bình (Tân Bình, TPHCM), "các bài giảng có đầu tư về hiệu ứng video, lời giảng, đặc biệt là lồng ghép các tư liệu đa phương tiện như hình ảnh, clip trích từ phim, nhạc nền... giúp tiết dạy sinh động và cuốn hút hơn". Mặt khác, cũng theo cô Linh, "học sinh phải biết cách chọn lọc bài học, bởi nhiều bài giảng có nội dung triển khai không cân đối, có bài giảng sử dụng quá nhiều tư liệu ngoài gây loãng nội dung chính,..."
Ngoài ra, một nhược điểm nữa như cô Hạnh Quỳnh bổ sung, đó là "rất nhiều bài giảng bị lỗi, không thể xem hay tải về được", ban điều hành website cần sớm khắc phục.
Bài giảng "Danh tướng Lý Thường Kiệt và di tích lịch sử đình Bắc Biên" thuộc chủ đề Dư địa chí do các giáo viên trường THCS Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) thực hiện.
Theo Cục Công nghệ thông tin – Bộ GD&ĐT, hiện tại Kho bài giảng E-Learning vẫn đang trong thời gian thử nghiệm, tất cả những ý kiến đóng góp của giáo viên và học sinh đều được hoan nghênh và là cơ sở để Cục từng bước hoàn thiện Kho bài giảng.
Các bước học trên bài giảng điện tử của Bộ GD-DT:
3.Click chọn bài học theo chủ đề hoặc theo lớp học, theo môn học.
4.Click chọn bài giảng, sau đó nhấn vào "Học trực tuyến" để bắt đầu bài học |