Kính sợ và Run rẩy (1863) hiển nhiên là tác phẩm hay nhất và cũng gây tranh cãi nhiều nhất của Kierkegaard.

Triết gia người Đan Mạch Søren Kierkegaard (1813 – 1855)
Triết gia người Đan Mạch Søren Kierkegaard (1813 – 1855)

Tại sao ông chọn câu chuyện nổi tiếng trong Kinh Thánh Cựu Ước về tổ phụ Abraham tuân lệnh Thượng đế sẵn sàng sát tế Isaac, đứa con duy nhất và thương yêu nhất của mình (khi cụ và vợ là Sarah đều đã hơn 100 tuổi, khó có hy vọng hạ sinh được đứa con khác) để thể hiện cấp độ cao nhất của hiện hữu? Ta không biết và không thể biết. Chỉ có điều câu chuyện ác liệt ấy đã đẩy sự xung đột hiện sinh đến đỉnh điểm của sự lựa chọn và gợi nên nhiều cách đọc, cách diễn giải khác nhau, với nhiều cảm xúc và dư âm bất tuyệt.

Đó cũng chính là nan đề hầu như bất khả giải của thế lưỡng nan từng được Eutyphro đặt ra trong đối thoại cùng tên của Plato2 từ thời cổ đại:

(a) cái thiện đạo đức sở dĩ là thiện là do thần linh quyết định và tán thưởng, hoặc

(b) nó được thần linh tán thưởng bởi nó là cái thiện tự thân? Câu hỏi cực kỳ nghiêm trọng bởi nó sẽ quy định mối quan hệ giữa tôn giáo và đạo đức, giữa đức tin và hành động luân lý. Là thế lưỡng nan bởi câu trả lời nào cũng có thể dẫn đến những hệ quả ngoài ý muốn về đạo đức học lẫn thần học. Bảo vệ vế sau của nan đề (theo mô hình đạo đức học của Kant) không thể không đe dọa đến tín điều thần học cơ bản về sự toàn năng và tính siêu việt của Thượng đế. Trong khi đó, chọn vế thứ nhất ắt không khỏi mở ra khả thể đầy hiểm họa của một Thượng đế tùy tiện và tàn nhẫn được dùng làm cơ sở cho một nền đạo đức học “dị trị” (heteronomous).

Tác phẩm Kính sợ và Run rẩy (1863)
Tác phẩm Kính sợ và Run rẩy

Một mặt, tinh thần của câu chuyện phải chăng là ở chỗ quy luật đạo đức thừa nhận một ngoại lệ, vì Thượng đế - được xem là tác giả của quy luật - có thể hủy bỏ bất kỳ quy luật nào nếu ngài muốn? Một cách hiểu thật nguy hiểm, nhất là trong thời đại ngày nay, khi không hiếm kẻ sẵn sàng khủng bố và giết người nhân danh Thượng đế theo một thứ “đạo đức theo mệnh lệnh thần thánh”.

Nếu “chân lý là tính chủ quan”, thì phải chăng hành động là đúng chỉ vì tôi thật sự xác tín rằng đó là đúng? Đó chẳng phải là định nghĩa về chủ nghĩa cuồng tín? Đây có lẽ là mối băn khoăn lớn nhất của người đọc đối với tác phẩm lừng danh này.

Mặt khác, với bí danh “Johannes de Silentio” (“John của sự Câm lặng”), tác phẩm cho thấy bản thân Abraham ở trong hoàn cảnh không thể cất nên lời: ông câm lặng và không thể giải thích cho ai về việc sẽ làm bởi chính ông cũng không hiểu nổi chính mình. Khác với hình ảnh Abraham trong những chương trước của Sáng Thế Ký, lần này ông không tranh cãi hay “mặc cả”, điều đình gì với Thượng đế cả.

De Silencio nhận rõ người đương thời đang bán rao đức tin hoặc sẵn sàng vượt bỏ đức tin bằng suy niệm triết học. Phải chăng nhiệm vụ của tác giả là cho thấy đức tin đích thực phải trả giá cực cao như thế nào: đó là horror religiosus, sự kính sợ và run rẩy trong trách vụ kinh hoàng của Abraham. Con đường chậm chạp lên núi Moriah để sát tế đầy sự giằng xé khủng khiếp. “Kính sợ và run rẩy” là tâm trạng của kẻ không thể biết chủ nhân của mình là ai, ở đâu và đang vắng mặt. Trước Thượng đế, Abraham hoàn toàn cô độc, không có sự phòng vệ của cái phổ quát, bị tước bỏ mọi lời giải thích, kể cả ngôn ngữ và mối tương giao với cộng đồng nhân loại.

Nếu Abraham bị yêu cầu phải hy sinh Isaac như vua Agamemnon đành hy sinh con gái yêu của mình là Iphigenia để cứu thành trì, như Socrates chấp nhận án tử hình vì muốn bảo vệ những nguyên tắc, thì Abraham chỉ là một “anh hùng bi kịch” chứ không phải là “hiệp sĩ của đức tin”. Ở đây, Abraham đồng thời thực hiện cả hai sự vận động “song trùng”. Thứ nhất là phải từ bỏ “toan tính của con người” và rồi sự vận động thứ hai, cao hơn, của đức tin, vượt ra khỏi tính phổ quát của nguyên tắc đạo đức: “Ông (Abraham) tin nhờ sự phi lý; bởi hết thảy những toan tính của con người từ lâu đã không còn tồn tại nữa rồi”.

Dịch giả Nguyễn Nguyên Phước đã hạ cố nhờ tôi xem lại bản dịch và có đôi lời bàn góp. Chưa bao giờ “nhiệm vụ” của tôi lại nhàn hạ đến thế! Bản dịch - có lẽ là lần đầu tiên của một tác phẩm quan trọng của Kierkegaard sang tiếng Việt - nhuần nhị, say mê không chỉ trong văn phong mà cả trong sự thâm cảm của dịch giả với tác phẩm, bất chấp bao ngăn cách.

(Trích Lời giới thiệu cuốn Kính sợ và Run rẩy của Søren Kierkegaard, Phanbook & NXB Hồng Đức ấn hành, 2019. Tựa bài do KH&PT đặt)

Chú thích:

(1)Kính sợ và Run rẩy -Kierkegaard (dưới bí danh Johannes de Silentio): Fear and Trembling (1843),

(2) Plato: Đối thoại Eutyphro (giữa Eutyphro và Socrates trước phiên tòa xử Socrates vào năm 399 tr. CN).