Dù sống dưới vương triều của các pharaoh, phụ nữ Ai Cập cổ đại vẫn nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị, thậm chí trở thành nữ hoàng cai trị đất nước.
|
Hình minh họa Cleopatra, một trong những nữ hoàng nổi tiếng nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Ảnh: Wallpaper.
|
Theo Ancient Origins, nhiều người cho rằng phụ nữ cổ đại nắm giữ rất ít quyền lực. Nhưng phụ nữ Ai Cập thời xưa có thể trở thành thầy thuốc phục vụ gia đình hoàng gia, cố vấn chính trị, người viết lịch sử, hoặc thậm chí cai trị đất nước với tầm ảnh hưởng sâu rộng.
Người phụ nữ cai trị đầu tiên trong lịch sử Ai Cập cổ đại là Merneith, sống trong Vương triều thứ nhất. Bà là hoàng hậu nhiếp chính vào khoảng năm 2970 trước Công nguyên.
Sau hàng nghìn năm tồn tại quyền bình đẳng nam nữ trong xã hội, vua Ptolemy IV cố gắng ngăn chặn truyền thống lâu đời này bằng cách thay đổi luật pháp và hủy bỏ nhiều quyền lợi của phụ nữ.
Nhưng phụ nữ Ai Cập không muốn chấp nhận một xã hội gia trưởng, do nam giới kiểm soát. Họ tiếp tục đấu tranh dành quyền lợi, cho đến khi nền văn minh Ai Cập kết thúc. Các nhà khoa học cho rằng, vai trò của người phụ nữ Ai Cập vẫn được giữ vững trong suốt hơn 3.000 năm và mất dần từ năm 415.
Hầu như tất cả phụ nữ Ai Cập cổ đại thuộc tầng lớp quý tộc và nhiều tầng lớp khác đều biết chữ, chẳng hạn như vợ của các công nhân, họa sĩ, thợ xây. Họ học viết chữ để trao đổi thư từ với chồng. Họ cũng viết về khó khăn trong đời sống hàng ngày, về cảm xúc và những gì quan trọng xung quanh.
Phụ nữ cũng có thể trở thành người ghi chép lịch sử hoàng gia, giống như nam giới. Các kỳ thi và cơ hội chia đều cho cả nam và nữ. Một số phụ nữ Ai Cập cổ đại làm tể tướng, chức quan cao nhất trong hệ thống chính trị phục vụ cho pharaoh. Nebet, vợ của nhà quý tộc Khui, giữ chức tể tướng dưới triều đại pharaoh Pepi I thuộc Vương triều thứ 6. Những người con của Nebet, bao gồm Ankhesenpepi I và Ankhesenpepi II trở thành vợ của Pepi I.
Nebet là người phụ nữ mạnh mẽ. Khi lên nắm quyền, bà kiểm soát việc xây dựng các kim tự tháp và nhiều công trình tưởng niệm pharaoh.
Trong triều đại Ptolemy V, một phụ nữ khác cũng trở thành tể tướng, đó là nữ hoàng Cleopatra I Syra, mẹ của Cleopatra II, Ptolemy VI và Ptolemy VIII. Bà sinh ra vào năm 204 trước Công nguyên, là con gái của vua Antiochus III Đại đế và vợ Leodice.
Theo VNExpress