Những ghi chép vể chuyện Khổng Tử kén rể tuy không được hoàn chỉnh lắm, nhưng xem ra cũng vô cùng kỳ lạ và hấp dẫn. Người ta lấy chuyện kết hôn để rước hỉ lâm môn, cầu cho bệnh tật tiêu tán nhưng Khổng Tử ngược đời muốn dùng việc hôn nhân của ái nữ để thể hiện thái độ, cố ý chọn một phạm nhân đang ngồi trong ngục để làm rể quý.
Công Dã Trường rốt cuộc là ai mà có thể lọt được vào mắt xanh của Khổng Phu Tử? Vì sao với thân phận của một phạm nhân trong bỗng chốc có thể đến Khổng Phủ và ngồi lên long kiệu để rước dâu? Đáng tiếc là trong sử sách có rất ít ghi chép về Công Dã Trường, nhưng có một điểm thống nhất chung là môn đệ của Khổng Tử. Còn những thông tin như quốc tịch, quê quán và các thông tin liên quan khác về anh ta vẫn còn đang tranh cãi.
Có một tương truyền tương đối phổ biến về Công Dã Trường đó là anh ta có thể nghe hiểu và chuyển dịch được tiếng chim hót. Những tương truyền này thịnh hành từ thời Nam Bắc triều đến thời Đường. Theo tương truyền thì đây cũng chính là nguyên nhân khiến anh ta phải ngồi tù.
Nghe tin Công Dã Trường thông thạo điểu ngữ, quốc vương Lỗ quốc cho rằng đó là tà ma mê hoặc quần chúng bèn hạ lệnh nhốt vào trong ngục. Một hôm có đám chim bay đến gần hót, Công Dã Trường nghe và dịch biết được Tề quốc đang xuất binh lấn chiếm biên cương nước Lỗ. Tề vương phái người đi điều tra thì quả đúng như thế. Công Dã Trường được minh oan và được ban thưởng một chức quan.
Cũng có câu chuyện khác tương đối là thịnh hành về khả năng này của Công Dã Trường. Khi cùng Khổng Tử chu du liệt quốc, trên đường từ Vệ quốc trở về Lỗ quốc, khi đến biên giới hai nước anh ta nghe được lũ chim đang rủ nhau đi ăn thịt người chết ở dưới khe xanh.
Một lúc sau thì gặp một bà lão khóc lóc ven đường hỏi ra mới biết con trai bà đi từ hôm qua giờ chưa thấy về cũng đoán là có thể đã chết nhưng không biết chết ở chỗ nào. Công Dã Trường bèn nói lúc nãy nghe đàn chim hót rủ nhau đến khe núi để ăn thịt người, sợ rằng đấy là con trai của cụ.
Bà lão đến bên khe sâu thì quả nhiên thấy thi thể của con trai ở đó. Sự việc được báo quan, quan viên cho rằng chính Công Dã Trường là người đã giết con trai bà cụ nên đã bắt giam vào ngục. Anh ta bị giam trong ngục 60 ngày. Một hôm tình cờ nghe được chim nói chuyện với nhau về chiếc xe bò bị lật ở bên hồ Bạch Liên, kê đổ đầy mặt đất, sừng con trâu kéo bị gẫy, và thêm nhiều lần kể chuyện về tiếng con vật nói chuyện nên cuối cùng chứng minh được rằng mình là người thật sự hiểu được tiếng chim nên đã được thả.
Hai câu chuyện trên chỉ là tương truyền trong dân gian còn thực hư thế nào cũng khó mà xác minh được. Nhưng việc Công Dã Trường đang ngồi tù mà được Khổng Tử chọn làm rể quý thì chắc chắn phải có nguyên do.
Nếu nói đến tiêu chuẩn kén rể thì với người được tôn xưng Vạn thế Sư biểu (Bậc thầy của muôn đời) thì Khổng Tử có quá nhiều đệ tử ưu tú, nhưng Công Dã Trường hiển nhiên không nằm trong danh sách đó. Nếu theo logic thông thường, khi chọn rể hiền luôn cần phải chọn người ưu tú nhất. Việc Khổng Tử chọn Công Dã Trường làm rể đương nhiên không phải vì anh ta là người có thể hiểu được tiếng chim. Bởi với bản lĩnh đó chắc chắn không thể qua được ải Khổng Tử.
Việc ông đã chọn Công Dã Trường làm rể quý tức ông có lý do của mình. Chắc chắn Công Dã Trường cũng có bản lĩnh và ưu điểm riêng, ngoài học tài, đức hạnh thì tuổi tác, tướng mạo, gia cảnh, nhân phẩm và tính cách đều là những nhân tố để Khổng Tử cân nhắc.
Hơn nữa việc thời loạn thế lạm dụng việc bắt bớ làm hình phạt đã khiến số người bị oan uổng không ít. Việc chọn một phạm nhân để làm rể trong Khổng phủ có lẽ là cách Khổng Tử muốn thể hiện thái độ bất mãn của mình đối với sự băng hoại của lễ giáo đương thời.
Thêm việc Khổng Tử chọn Nam Dung (Nam Cung Thích tự là Tử Dung) là rể cũng có thể đoán được rằng tiêu chuẩn quan trọng nhất để Khổng Tử chọn làm rể quý chính là tính cách trung hậu, thật thà, nói năng nho nhã và luôn coi trọng đạo đức.