Loài tảo màu xanh quý hiếm tròn xoe như những quả bóng được bảo vệ và xem như báu vật tự nhiên ở Nhật Bản.

1

Bóng rêu hay marimo trong tiếng Nhật là tên một loại tảo xanh dạng sợi (Aegagropila linnaei) mọc thành những quả cầu tròn có bề mặt mịn mượt, theo Amusing Planet. Những quả cầu này có thể phát triển tới đường kính 12 - 30 cm, tùy thuộc vào nơi sinh trưởng. Bóng rêu rất hiếm, chỉ mọc chủ yếu ở hồ Akan, Hokkaido, Nhật Bản, và hồ Mývatn phía bắc Iceland, cùng với Scotland và Australia.

Bóng rêu không mọc phủ quanh một vật thể như viên sỏi. Thay vào đó, những sợi tảo tỏa ra mọi hướng từ tâm khối cầu, liên tục chia nhánh và phân thành nhiều lớp. Cả quả cầu đều có màu xanh lá cây, dù ánh sáng chỉ có thể xuyên một quãng ngắn qua bề mặt của nó. Chất diệp lục bên trong quả cầu ở dạng "ngủ say" trong bóng tối nhưng nếu quả bóng cầu vỡ ra và ánh sáng chiếu vào, chất này sẽ hoạt động trở lại.

Bóng rêu dưới đáy hồ Akan, Nhật Bản. Ảnh: Amusing Planet.
Bóng rêu dưới đáy hồ Akan, Nhật Bản. Ảnh: Amusing Planet.

Bóng rêu thường nằm chìm dưới đáy hồ, nơi chuyển động nhẹ nhàng của những con sóng khiến chúng lăn nhẹ duy trì dạng hình cầu, đồng thời đảm bảo quá trình quang hợp có thể diễn ra ở mọi mặt hướng về phía ánh sáng.

Ở Nhật Bản, bóng rêu được người dân bảo vệ và tôn sùng. Bóng rêu chính thức được công nhận là báu vật tự nhiên của Nhật Bản từ năm 1920. Chính quyền nước này đang nỗ lực bảo tồn bóng rêu, bao gồm tổ chức lễ hội hàng năm kéo dài ba ngày bên hồ Akan.

Trong khi đó, tại hồ Mývatn, bóng rêu đang dần dần biến mất. Cách đây khoảng một thập kỷ, những quả bóng rêu xếp dày 2 - 3 lớp trên đáy hồ. Ngày nay, chúng hầu như không còn tồn tại.

Sự biến mất của bóng rêu là kết quả của tình trạng ô nhiễm do hoạt động đào mở bắt đầu từ thập niên 1960 trong khu vực. Lượng lớn phốt-pho và ni-tơ đổ xuống hồ làm tăng đáng kể vi khuẩn ăn dưỡng chất trong hồ, ngăn ánh sáng Mặt Trời chiếu tới đáy hồ.

Trong điều kiện ít ánh sáng hơn, tảo bắt đầu chết hàng loạt, để lộ nhiều bùn lỏng dưới đáy hồ. Gió và những con sóng từng lăn tròn bóng rêu khuấy đảo lớp bùn lỏng che phủ số tảo còn lại, khiến chúng càng khó tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời. Bóng rêu được xếp vào danh mục bảo vệ ở Iceland năm 2006.