Không phải chỉ có con người mới có sự đa dạng trong các tư thế ân ái mà các loài côn trùng như chuồn chuồn, châu chấu hay bọ ngựa… cũng sở hữu khả năng tương tự

Kamasutra còn gọi là Kinh hoan lạc - một bộ sách cổ Ấn Độ - được nhiều người coi là kiệt tác vượt thời đại về hoạt động ân ái của con người. Trong nội dung của Kamasutra có mô tả các tư thế yêu đương như một nghệ thuật đóng vai trò nền tảng của đời sống hạnh phúc. Theo tác giả, đó là một trong những đặc ân mà chỉ có loài người mới có khả năng học hỏi và rèn luyện. Nhưng thực ra, điều này không hoàn toàn đúng, bởi lẽ thế giới côn trùng cũng có những tư thế kết đôi đặc biệt.

Năm 1927, nhà khoa học O.W.Richards (Anh) đã tổng kết các tư thế giao hoan của côn trùng trong 7 nhóm tư thế chính. Không chỉ có thế, đằng sau các cuộc kết đôi muôn hình muôn vẻ của mỗi loài là rất nhiều thông tin thú vị về thế giới côn trùng.

Chuồn chuồn dấp nước…

Tư thế “giao ban“ tuyệt đẹp của loài chuồn chuồn Ảnh: INT∂
Tư thế “giao ban“ tuyệt đẹp của loài chuồn chuồn Ảnh: INT∂

Là nhóm côn trùng quen thuộc, phần lớn trong số chúng ta đã từng nhìn thấy các cặp đôi chuồn chuồn gắn chặt với nhau trong tư thế hình bánh xe . Điều này có một lý do đặc biệt. Ở con cái, phần cơ quan sinh dục ngoài nằm ở cuối bụng giống như phần lớn các loài côn trùng khác, nhưng riêng con đực còn có thêm một bộ phận thứ hai ở phía bụng. Trước mỗi lần giao phối, con đực phải cong bụng lên để đưa tinh trùng từ cuối bụng vào một túi đựng ở ngực. Khi tiếp cận con cái, lỗ sinh dục cuối bụng của con đực chỉ có nhiệm vụ giữ chặt lấy con cái nhờ một đôi phiến hình lá. Phần cuối bụng của con cái - do đó - buộc phải cong lại đẩy về phía ngực con đực để nhận tinh trùng trong lỗ sinh dục thứ hai.

Sự rắc rối này đương nhiên có lý do của nó. Nhờ đôi phiến hình lá, con đực có thể giữ chặt lấy cổ con cái trong suốt thời gian giao phối như hình ảnh các cặp đôi chuồn chuồn mà chúng ta vẫn gặp. Con đực thường sẽ không buông rời con cái cho đến thời điểm đẻ trứng, thậm chí chịu ướt để đi cùng con cái khi nó tiếp cận mặt nước để đẻ trứng (chuồn chuồn dấp nước).

Châu chấu cõng nhau

a

Kiểu ghép đôi phổ biến nhất trong thế giới côn trùng là con đực cưỡi lên lưng con cái, thể hiện uy thế của con đực đối với con cái. Khi châu chấu giao phối, con đực cũng nằm trên lưng con cái nhưng bụng con đực uốn cong, vòng xuống phía dưới để tiếp xúc với lỗ sinh dục của con cái. Chính vì thế, kiểu ghép đôi của châu chấu được các nhà khoa học gọi là “đực trên cái giả”.

Khi cõng nhau, con cái có thể tự do vận động và trốn tránh kẻ thù. Chính vì thế, ở những loài như châu chấu, con cái thường lớn hơn nhiều so với con đực.

Bọ ngựa “hy sinh đời bố, củng cố đời con”

a

Bọ ngựa là loài côn trùng ăn thịt có ích. Chúng cũng giao phối theo kiểu con cái cõng con đực trên lưng, nhưng cuộc giao phối của nhóm côn trùng này diễn ra một cách khá rùng rợn. Với hình thể lớn hơn nhiều, con cái cần nhiều năng lượng hơn và cũng dữ tợn hơn rất nhiều. Nếu cuộc giao phối diễn ra quá lâu, con cái sẵn sàng dùng chính con đực làm mồi cho mình.

Cuộc hành quyết bọ ngựa đực còn kinh dị hơn. Bị ăn đầu tiên luôn là phần đầu của con đực. Tuy nhiên, việc này không khiến hoạt động giao phối bị dừng lại. Bộ não chỉ huy cuộc giao phối của con đực không nằm trên đầu mà nằm ở các đôi hạch thần kinh cuối bụng. Do đó, chỉ khi nào xác con đực bị “phi tang” hoàn toàn, quá trình truyền giống mới kết thúc. Nói không quá, “cuộc yêu” của bọ ngựa đực đáng giá bằng chính mạng sống của nó.

Muỗi vằn và tư thế “truyền thống”

Khác hẳn con người, trong thế giới động vật, kiểu giao phối theo tư thế con đực và con cái hướng mặt bụng vào nhau là rất hiếm. Thông thường, để hai cơ quan sinh dục tiếp xúc với nhau, hai con vật phải đấu đuôi nhau, đầu mỗi con quay về một phía.

Đại diện hiếm hoi cho tư thế mặt đối mặt, bụng đối bụng là các loài “gần gũi” với con người trong nhóm muỗi cilicidae, vector truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết. Để làm được như thế, cơ thể hai con muỗi tham gia quá trình giao phối phải cong gập thành hình chữ V rất đẹp.

Tư thế “vô tội vạ”

Một số loài trong họ rệp giường cimicidae lại giao phối theo phương pháp được các nhà khoa học gọi là “truyền tinh gây thương tích”. Bộ phận sinh dục của con đực là một móc sắc nhọn, có thể giúp con đực chọc thủng vỏ của con cái, đưa tinh trùng vào một cơ quan có vai trò tiếp nhận tinh, ngăn ngừa các chấn thương vượt kiểm soát và hàn gắn các vết sẹo. Cũng nhờ các vết sẹo này mà các nhà khoa học có thể xác định con rệp đã giao phối hay chưa và bao nhiêu lần.

Đực - cái không tiếp xúc

Một số côn trùng bậc thấp tiến hành hoạt động truyền và nhận tinh mà hoàn toàn không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa bộ phận sinh dục của con đực và con cái. Thay vào đó, con đực phóng các bao tinh lên giá thể để con cái tự tìm và thụ tinh cho mình.

Tuy nhiên, không hẳn các loài này không có nghi thức kết đôi của riêng mình. Để việc thụ tinh xảy ra, hai con vật phải vuốt ve mơn trớn nhau và quá trình truyền tinh chỉ xảy ra khi con cái ưng thuận.

* Bài viết có sử dụng thông tin từ cuốn sách "Những điều kỳ lạ về sinh sản ở côn trùng", NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2008.