"Quạt con cóc" là tên gọi dân dã dành cho một sản phẩm quạt nổi tiếng do Xí nghiệp Điện cơ Thống Nhất sản xuất ở Việt Nam thời bao cấp.
Đây là một loạt quạt nhỏ có ba cánh nhựa, đế bằng sắt uốn, dáng gù gù như một con cóc. Công suất quạt dù nhỏ nhưng đủ để xua đi phần nào cái nóng mùa hè ở Việt Nam.
Dù thiết kế khá đơn giản nhưng chất lượng của quạt thì không chê vào đâu được. Nhìn chung, quạt con cóc chạy không quá ồn, và đặc biệt là cực bền, dễ sửa chữa, sử dụng cả chục năm vẫn khỏe.
Vào thập niên 1980, mẫu quạt này được bán ở mậu dịch với giá 35 đồng, một số tiền tương đương với nửa tháng lương của một sinh viên mới ra trường. Giá tiền này khiến quạt còn mang một tên khác là quạt 35.
Do số lượng sản xuất hạn chế, việc mua quạt con cóc trong thời bao cấp là rất khó. Đa phần quạt đến với người dân qua đường phân phối về các cơ quan. Để nhận được quạt, nhân viên sẽ phải bốc thăm, ai may mắn sẽ trung quạt con cóc, nếu không may thì chỉ trúng lốp xe, nan hoa xe đạp...
Một số người có máu kinh doanh sau khi bốc thăm được quạt sẽ bán ra thị trường lấy chênh lệch, khiến cho quạt con cóc trở thành một mặt hàng được săn lùng ở "chợ đen".
Bên cạnh quạt con cóc, ở Việt Nam thời bao cấp còn có các loại quạt xách tay từ Liên Xô, Đông Âu, nổi tiếng nhất là quạt "tai voi". Nhưng quạt con cóc vẫn phổ biến hơn do dễ mua hơn.
Trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế, quạt con cóc đã trở thành một tài sản quý giá của các gia đình Việt Nam thời bao cấp.
Đến thập niên 90, do sự vận hành của kinh tế thị trường, mẫu quạt này dần dần biến mất khỏi các hộ gia đình do sự tràn ngập của các loại quạt nhập ngoại với kiểu dáng, chức năng đa dạng.
Dù vậy, quạt con cóc vẫn còn được điện cơ Thống Nhất sản xuất cho đến nay. Những chiếc quạt mới chỉ có chút ít thay đổi về kiểu dáng, được bán với giá khoảng 200.000 đồng. Không còn oai hùng như thời bao cấp, giờ đây quạt con cóc được người dân mua về chủ yếu để... quạt bếp than.