Chiếc răng hàm mới được tìm thấy có thể là bằng chứng hóa thạch đầu tiên cho thấy người Denisova từng có phạm vi sinh sống rộng hơn nhiều so với các suy đoán trước đây.

Năm 2018, nhà cổ sinh vật học Laura Shackelford tại Đại học Illinois Urbana-Champaign và các đồng nghiệp bắt gặp một hang động "chứa đầy răng" khi đang tìm kiếm các địa điểm khai quật tiềm năng ở Bắc Lào. Số răng này thuộc về nhiều loài khác nhau - gồm lợn vòi khổng lồ, hươu, nai, và họ hàng cổ xưa của voi hiện đại. Có thể đây là bộ sưu tập xương do loài nhím thu thập để mài răng và lấy chất dinh dưỡng, theo Shackelford. Đặc biệt, trong số đó có một chiếc răng hàm của người cổ đại chưa trưởng thành.

Địa điểm khai quật ở Bắc Lào nơi tìm thấy mẫu hóa thạch răng hàm của một loài người cổ đại, rất có thể là của người Denisova.

Xác định niên đại của đá trong hang động và răng động vật cho thấy chiếc răng có từ trước khi người hiện đại xuất hiện trong khu vực. Ban đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng chiếc răng có thể thuộc về Homo erectus - một loài người cổ đại sống ở châu Á từ khoảng 2 triệu đến 100.000 năm trước. Nhưng phân tích sâu hơn cho thấy chiếc răng hàm “quá phức tạp” để thuộc về Homo erectus, cũng quá lớn và có hình dạng quá kỳ lạ so với răng người Neanderthal.

Răng hàm này tương đồng nhất với răng được tìm thấy trong hóa thạch xương hàm người Denisova tìm thấy ở Tây Tạng. Người Denisova vốn có hàm răng khổng lồ.

Các nhà nghiên cứu cho biết chân răng chưa phát triển đầy đủ, vì vậy đây có thể là răng của một đứa trẻ. Họ cũng phát hiện răng thiếu một số peptit nhất định liên quan đến nhiễm sắc thể Y trong men răng có - một dấu hiệu cho thấy chủ nhân của chiếc răng là nữ.

Tuy nhiên, rất khó để tái tạo danh tính của một người khi mẫu xương đã bị phân hủy bởi điều kiện nhiệt đới như ở Lào, suốt hàng trăm nghìn năm, nếu không có thêm hóa thạch hoặc phân tích DNA.

Nếu chiếc răng hàm thuộc về người Denisova, đây sẽ là bằng chứng đầu tiên cho thấy loài người này có thể thích nghi với các điều kiện môi trường khác nhau. Vào thời điểm chủ nhân của chiếc răng qua đời, hơn 131.000 năm trước, khu vực này có môi trường rừng thưa và ôn đới - hoàn toàn khác với nhiệt độ lạnh giá mà người Denisova ở Siberia và Tây Tạng từng chống chọi. Khả năng sống ở nhiều vùng khí hậu sẽ phân biệt người Denisova với người Neanderthal và loài của chúng ta ngày nay, vốn có cơ thể thích nghi với những nơi lạnh hơn.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Communications vào ngày 17/5.

Chiếc răng hàm hóa thạch, chụp từ nhiều góc độ, được cho là thuộc về một bé gái người Denisova đã chết từ 164.000 đến 131.000 năm trước.

Người Denisova được xác định lần đầu vào năm 2010, khi các nhà khoa học giải trình tự DNA từ một đốt xương đầu ngón tay khai quật từ hang động Denisova ở Siberia. Người Denisova từng tồn tại chung với người Neanderthal và loài người hiện đại, và đã tuyệt chủng. Các nghiên cứu di truyền tiếp theo cho biết hàng triệu người Châu Á, Châu Đại Dương và các đảo Thái Bình Dương ngày nay mang dấu vết DNA của người Denisova.

Dấu vết DNA này cho thấy người Denisova từng có phạm vi sống vượt xa ngoài Siberia, nhưng bằng chứng hóa thạch lại rất khan hiếm. Hồ sơ hóa thạch của người Denisova cho đến nay chỉ gồm một số ít hóa thạch răng và mảnh xương, đều được khai quật từ hang động ở Siberia. Trước hóa thạch răng hàm được phát hiện ở Lào, chỉ có một hóa thạch của ngươi Denisova được tìm thấy ở ngoài Siberia là hóa thạch xương hàm ở Tây Tạng.

Nguồn: