Các công ty hàng không làm thế nào để cung cấp nhiên liệu cho đội tàu bay của họ?

Ở Anh, nhiên liệu được vận chuyển trực tiếp từ sân bay qua hệ thống đường ống dẫn. Mạng lưới đường ống rộng lớn và các cơ sở liên hợp như kho chứa và trạm bơm, được gọi chung bằng cái tên “Hệ thống tích trữ và đường ống của Chính phủ” (GPSS), đến gần đây vẫn được xem là bí mật quốc gia.

.

Ảnh: Shahizal Rizwan Ahmat Raslan | Dreamstime.com.

Ý tưởng xây dựng hệ thống đường ống trên được đưa ra năm 1936 như là một phần của kế hoạch chuẩn bị cho Thế chiến II, sau khi Bộ Không quân nhận thấy năng lực cung ứng nhiên liệu cho máy bay của Không lực Hoàng gia (RAF) và xăng dầu cho các cơ sở hỗ trợ mặt đất sẽ đóng vai trò quyết định đối với bất cứ cuộc giao tranh nào. Giới chức quân sự ý thức rõ tầm quan trọng của việc chiếm ưu thế trên không khi chiến sự bùng nổ, vì thế việc xây dựng, duy trì và hỗ trợ RAF trở thành nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, phương án vận chuyển nhiên liệu bằng đường bộ và đường sắt lại khiến mặt hàng quý giá và mang tính chiến lược này rất dễ gặp rủi ro nếu bị đột kích bằng đường không. Do đó, người Anh đã tìm tới giải pháp xây dựng hệ thống đường ống ngầm dưới lòng đất.

Theo kế hoạch ban đầu, kho chứa sẽ có dung tích 90.000 tấn; nhưng đến năm 1938, con số này đã được nâng lên 800.000 tấn. Năm 1939 khi Thế chiến bắt đầu bùng phát, một vài kho chứa mới vừa được xây dựng và bảo vệ nghiêm ngặt đã đi vào hoạt động. Nhưng công việc xây dựng đường ống chỉ được thực hiện khi chiến sự đã nổ ra. Tại thời điểm đó, mạng lưới đường bộ và đường sắt ngày càng khó đáp ứng nhu cầu vận chuyển nhiên liệu về phía Đông và Nam từ các cảng biển phía Tây, trong khi những cơ sở nhập khẩu nhiên liệu ở bờ biển phía Đông phải đóng cửa vì bị máy bay ném bom oanh tạc. Vì thế, Chính phủ Anh đã cho xây dựng hệ thống đường ống nối Nhà máy lọc dầu Stanlow ở Liverpool với Bến tàu Avonmouth ở Bristol. Đây là dự án hoàn toàn tối mật, thường được tranh thủ tiến hành trong đêm tối để tránh máy bay trinh sát của kẻ thù. Không lâu sau, mạng lưới đường ống ngầm này đã vươn tới các căn cứ của RAF ở Berkshire, Essex, Kent, Lincolnshire, Middlesex, Norfolk, Oxfordshire và Wiltshire, giúp cung cấp nhiên liệu cần thiết cho những máy bay ném bom của liên quân Anh – Mỹ đột kích vào nước Đức và phần châu Âu bị chiếm đóng.

Nhằm đảm bảo hoạt động của hệ thống đường ống không bị gián đoạn vì chiến sự, một đội tuần tra, bao gồm cả nam và nữ, được triển khai để giám sát và phát hiện sự cố rò rỉ. Mỗi người sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát trung bình khoảng 1,6 km đường ống. Nhiệm vụ trinh sát này sau đó được trực thăng dân sự đảm nhận hai tuần một lần, với các bãi đáp được xây dựng ngay bên trên bề mặt kho chứa.

.

Ảnh: Brian Hughes.

Năm 1944, phạm vi hoạt động của GPSS thậm chí còn vươn ra ngoài biên giới nước Anh khi một hệ thống đường ống xuyên eo biển Manche sang Pháp được xây dựng để chuẩn bị cho cuộc đổ bộ dự kiến của Đồng minh. Chiến dịch Sao Diêm Vương (Operation Pluto) – các đường ống ngầm được bố trí xuyên biển – đã đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu cho lực lượng xe tăng và bọc thép đổ bổ lên đất Châu Âu lục địa từ ngày 6/6/1944 (D-Day). Hệ thống này, cùng với những bước tiến sâu thần tốc của quân Đồng minh, còn được nối dài tới tận bờ sông Rhine.

Trong giai đoạn trỗi dậy của hàng không dân dụng thời hậu chiến, GPSS lại một lần nữa được tận dụng để vận chuyển nhiên liệu đến các sân bay dân sự và quân sự trên khắp Vương quốc Anh. Mặc dù không ít lần được sách báo nhắc tới, song thông tin về GPSS vẫn là bí mật mãi cho đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Năm 2015, GPSS được bán lại cho một công ty tư nhân của Tây Ban Nha và hiện mang tên Hệ thống đường ống CLH. Tuy nhiên, quân lực Anh Quốc vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống này.

.A section of exposed pipeline crossing the Stroudwater Canal, near to Whitminster, Gloucestershire. Photo: Caroline Tandy/Wikimedia Commons

Một phần đường ống lộ thiên bắt qua kênh Stroudwater, gần Whitminster thuộc vùng Gloucestershire. Ảnh: Caroline Tandy/Wikimedia Commons.

.

Bảng đánh dấu của GPSS gần Heydon vùng Cambridgeshire. Ảnh: Keith Edkins/Wikimedia Commons.

.

Một đoạn ống được xây dựng trong dự án PLUTO, chạy qua Shanklin Chine, Shanklin, Đảo Wight. Ảnh: Editor5807/Wikimedia Commons.