Napoleon từng ao ước người ta sẽ ngâm tẩm quả tim của mình và chuyển nó cho bà hoàng Marie Louise. Nhưng ước nguyện ấy đã không thành hiện thực.

Những tưởng với cuộc hôn nhân lần thứ hai, Napoleon Bonaparte sẽ hưởng trọn hạnh phúc và yên vị trên ngai vàng của mình. Nhưng hóa ra, chính cuộc hôn nhân này lại là nghiệp chướng reo nỗi bất hạnh lớn cho cuộc đời của vị hoàng đế nước Pháp.

Chân dung Napoleon Bonaparte.

Sau một thời gian dài lưỡng lự, rốt cuộc Napoleon Bonaparte vẫn quyết định ly hôn với người vợ đầu tiên của mình là Josephine. Họ không có con và ý nghĩ cần có người kế tục ngai vàng vẫn luôn đeo đẳng trong tâm trí của vị Hoàng đế nước Pháp. Với một cuộc hôn nhân mới, Napoleon muốn một lúc sẽ đạt được cả hai mục đích: trở thành một người cha, đồng nghĩa với việc sẽ có một hoàng tử nối nghiệp mình.

Vì vậy, lần này, ý trung nhân của ông sẽ phải là một người mang dòng máu Hoàng gia chính thống. Napoleon đã có ý định dạm hỏi em gái của Hoàng đế Nga Aleksandr Đệ nhất nhưng đã không nhận được một câu trả lời rõ ràng. Thế rồi, Hoàng đế nước Áo đã đề nghị ông lấy cô con gái của mình là Marie Louise 18 tuổi và Napoleon đã ưng thuận.

Ông mới chỉ nhìn thấy cô dâu của mình qua một bức chân dung: đó là một cô gái tóc vàng có nước da trắng hồng, mắt xanh với một cơ thể khá đầy đặn, ngực nở và vai rộng. Chỉ tiếc rằng, cô công chúa này lại không có được vẻ kiều diễm và duyên dáng là những điều luôn hấp dẫn vị Hoàng đế người Pháp này.

Marie Louise đã được nuôi dạy rất nghiêm khắc: không đi vũ hội và nhà hát, không xiêm y cầu kỳ, không đồ trang sức. Nàng sống khắc khổ, khép kín như một nữ tu sỹ. Niềm say mê của cô công chúa này là chăm chút tỉa hoa. Người ta dạy nàng học ngoại ngữ, âm nhạc, mỹ thuật nhưng không dạy nàng cách suy nghĩ.

Vì sao vậy? Bởi số phận của nàng là thuộc về người cha, sau này sẽ thuộc về người chồng. Khởi nguồn cuộc đời ngay từ thuở ấu thơ của Marie Louise là được chuẩn bị để việc hôn nhân mai sau sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào những lợi ích của Vương quốc.

Thế cho nên, Napoleon đã lấy một người vợ mà trên thực tế giống như một đứa trẻ. Ông có ý định giữ người vợ tương lai của mình trong chiếc lồng son. Những căn phòng tráng lệ dành cho Marie Louise đã được chuẩn bị và được xây nên dưới sự giám sát của đích thân Hoàng đế. Napoleon cũng mua cho nàng vô số đồ vật đắt giá, trang phục, đồ trang sức quý hiếm, các xiêm y, đồ sứ.

Hoàng đế Napoleon nôn nóng muốn được nhanh chóng gặp mặt người vợ tương lai của mình đến nỗi không đợi đến khi làm lễ đón dâu, ông đã tự mình đến gặp Marie Louise và đây không chỉ là cuộc gặp bước đầu làm quen. Theo ý muốn của vị hoàng đế si tình, họ đã cùng nhau chung vui trên chiếc giường tân hôn trước khi tiến hành những nghi lễ kết hôn ở nhà thờ.

Về điều này thì vị hôn phu si tình đã tuyên bố: “Vua Henrich IV cũng đã hành động hệt như vậy”. Napoleon đã bị quyến rũ bởi cô vợ trẻ của mình, ông cảm thấy hạnh phúc bởi sự trong trắng của nàng. Có lần, ông thổ lộ: “Những người phụ nữ trinh bạch cũng giống như lòng dũng cảm của đàn ông vậy. Tôi khinh thường kẻ hèn nhát và người phụ nữ trơ trẽn”.

Hoàng hậu Marie Louise và con trai.

Ông đã rất cố gắng để trở thành một người chồng tốt và chu đáo: dành nhiều thời gian cho vợ, đưa nàng đến nhà hát và các vũ hội, dạy cách đi đứng của giới thượng lưu, thậm chí đưa nàng cùng đi săn. Ông cũng sốt ruột chờ đợi nàng trang điểm, điều mà trước đây với Josephine ông đã không cho phép. Napoleon đã không chỉ tặng cho người vợ trẻ vô số những đồ quý hiếm mà còn tặng quà cho tất cả những người thân của nàng ở thành Viene.

Cuối cùng, Marie Louise cũng đã tặng cho chồng một món quà vô giá mà ông hằng chờ đợi - nàng đã sinh hạ cho ông một cậu con trai tên là Francois Charles Joseph Bonapatre. Đến năm 1813 thì Napoleon đã long trọng làm lễ phong tước cho Marie Louise là Nữ hoàng, hoàng hậu và nhiếp chính của Đế chế.

Kể từ đó, mọi quyết định giải quyết các vụ khiếu kiện và bổ nhiệm đều được thực hiện với danh nghĩa của hoàng hậu. Chắc hẳn quyết định này là cả một sự tính toán về chính trị của ông hoàng. Rõ ràng Napoleon đã coi việc phong tước này là cái cớ để được yên vị với ngai vàng, hy vọng các nước phương Tây sau này sẽ không lật đổ “người nhà mình”.

Thế nhưng Napoleon Bonaparte đã lầm. Marie Louise chỉ là một miếng mồi nhử do phương Tây sắp đặt để chuẩn bị cho việc liên kết giữa các vương quốc. Khi mà Napoleon hiểu ra được điều này thì đã quá muộn. Tại đảo Saint Helene, ông đã nói về cuộc hôn nhân lần thứ hai của mình: “Đó là một vực thẳm được người ta che đậy bằng hoa”.

Sau khi Napoleon bị lật đổ và bị đi đày ở ngoài đảo xa, Marie Louise đã trở về Vienne với con trai mình. Tại nơi bị lưu đày, Napoleon đã mỏi mắt trông chờ người vợ tìm đến với mình. Ông không thể chấp nhận dù là trong ý nghĩ rằng nàng sẽ không đến với ông. Napoleon cũng đã toan tính tới việc khôi phục quyền lực. Trong thời gian đó, ông đã viết cho Hoàng đế Áo một bức thư chính thức, yêu cầu trả lại người vợ hợp pháp cùng đứa con trai cho mình. Nhưng thật đáng tiếc, thư đi mà không có hồi âm.

Con trai của Napoleon khi trưởng thành.

Napoleon không những không trách cứ vợ mình mà ông còn luôn nói về nàng với một tình yêu và sự trìu mến. Với mọi hành động của nàng, ông đều có thái độ thấu hiểu và khoan dung. Đối với nàng, có thể là ông đã không trải qua sự đam mê từng có thời bùng cháy như đối với Josephine, thế nhưng tình cảm sâu nặng về đạo vợ chồng thì ông đã dành cho Marie Louise.

Trong di chúc của mình đề ngày 15/4/1821, Napoleon đã viết: “Tôi vẫn luôn hài lòng về người vợ nhiếp chính Marie Louise của mình. Cho đến giờ phút cuối cùng, tôi vẫn dành những tình cảm đằm thắm nhất cho nàng. Tôi muốn nàng chăm sóc cho con trai và sẽ vượt qua những thử thách…”. Người con trai của Napoleon và Marie Loiuse là Francois Bonaparte sau này đã chết trẻ vì bệnh ở tuổi 21 và thi hài đã được đưa về Pháp chôn bên cạnh Napoleon.

Một tuần trước khi qua đời, Napoleon đã thỉnh cầu với bác sỹ của mình hãy ngâm tẩm quả tim của ông và chuyển tới cho Marie Louise. Thế nhưng điều ước nguyện này đã không được thực hiện.