Hans Asperger là một trong những bác sĩ đầu tiên nghiên cứu về bệnh tự kỉ, với tên tuổi gắn liền cùng chứng Tự kỷ thiên tài Asperger.

Tuy nhiên ông cũng mang những vết nhơ trong sự nghiệp, đặc biệt trong vụ thuyên chuyển rất nhiều trẻ em khuyết tật vào chương trình “chết nhân đạo” do Đức Quốc Xã (ĐQX) khởi xướng.

Gần đây, những nghiên cứu dựa trên các tài liệu thất lạc được tìm thấy mới phát hiện Asperger không hề dũng cảm bảo vệ các bệnh nhân trước chính sách “chết nhân đạo” của ĐQX như nhiều người lầm tưởng. Thậm chí, ông ta còn trục lợi nhờ đồng lõa với chính quyền và công khai cổ xúy hành vi phân biệt chủng tộc nhân danh y học.

Ông ta còn bị tố sử dụng những lời lẽ cực kỳ nặng nề với các bệnh nhi, và tự thổi phồng bản thân lên ngang tầm với những bác sỹ tại trung tâm điều trị các khuyết tật nghiêm trọng – trích dẫn từ nghiên cứu của Herwig Czech, chuyên gia về lịch sử y học tại Đại học Y khoa Vienna (Áo).

Trong những năm cuối thập niên 30 – đầu 40 của thế kỉ 20, Hans Asperger bắt đầu viết về chứng tự kỷ, nhưng bị lãng quên đến tận 40 năm sau. Mãi tới năm 1981, ông ta mới thực sự trở nên nổi tiếng nhờ nghiên cứu về “Hội chứng Asperger” – chỉ những bệnh nhân tự kỷ nhưng có não bộ với khả năng hoạt động tốt.

Những đứa trẻ tại phòng khám Am Spiegelgrund (Áo) trong thời Đức Quốc xã.
Ảnh: Edith Sheffer

Tuy nhiên, những năm gần đây, các nhà nghiên cứu mới thử lục lại những hành vi đáng ngờ của Asperger trong giai đoạn ĐXQ tại Áo. Những tài liệu phân tích trong nghiên cứu của Czech và Edith Sheffer – thành viên Viện Nghiên cứu châu Âu tại Đại học California ở Berkerley đã rà soát lại những chứng cứ tưởng như đã bị tiêu hủy trong Thế chiến II như: sơ yếu lý lịch, bản đánh giá hoạt động chính trị của chính quyền ĐQX và hồ sơ bệnh án lưu trữ tại nhiều cơ sở khác nhau, đặc biệt liên quan đến các vụ tai tiếng giết hại nhiều trẻ em nhân danh chính sách “chết nhân đạo” ở phòng khám Am Spiegelgrund.

Mặc dù chưa bao giờ chính thức tham gia ĐQX, nhưng Asperger vẫn là hội viên của nhiều tổ chức liên quan đến đảng này và được trao tặng nhiều danh hiệu, từ đó mở ra nhiều cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Thêm nữa, các cáo buộc từ những bệnh nhân Do Thái cũng tiết lộ: ông này thường xuyên có thái độ gay gắt và những quyết định chẩn đoán cảm tính, mang biểu hiện kỳ thị, phân biệt tôn giáo, chủng tộc, mà cụ thể là chủ nghĩa bài xích Do Thái.

Nhưng man rợ nhất chính là hành vi sử dụng trẻ em khuyết tật làm vật thí nghiệm và thực hiện chính sách diệt chủng. Năm 1941, Asperger đã đề cập đến một “trường hợp vô phương cứu chữa” của hai bé gái Herta Schreibe (3 tuổi) và Elisabeth Schreiber (5 tuổi) trong bệnh án của phòng khám Am Spiegelgrund: gặp rối loạn về tâm lý và chết vì bệnh viêm phổi không lâu sau khi điều trị. Cụ thể, Herta đã chết do thuốc an thần quá liều, không rõ là do Asperger hay người mẹ gây ra. Tuy nhiên, trong hồ sơ bệnh án, Asperger lại yêu cầu ghi thành “Herta đã chuyển viện vĩnh viễn” ở Spiegelgrund.

Chưa hết, Asperger cũng là thành viên của hội đồng xử lý hơn 200 hồ sơ bệnh nhi tại một bệnh viện tâm thần, chẩn đoán 35 ca “không thể cứu chữa được”, để từ đó tiến hành chính sách “chết nhân đạo”. Rất khó để biết chính xác chuyện gì đã xảy ra với những đứa trẻ, vì trên bệnh án không ghi tên các em, nhưng chắc chắn một số đã chết do những chẩn đoán bất nhân của bác sỹ.

Với những phát hiện trên, không ai có thể gột rửa tội lỗi cho Asperger, tuy nhiên cũng khó phủ nhận đóng góp của ông ta trong lĩnh vực nghiên cứu về chứng tự kỷ. Vì thế, theo Czech, chúng ta nên coi đây là một dịp để nâng cao nhận thức về những vấn đề của chứng tự kỷ dựa trên những đề xuất mà Asperger đưa ra.

Trong khi đó, khái niệm “Hội chứng Asperger” hay “Tự kỷ thiên tài” đang dần bị loại bỏ trong từ điển y học – với những lý do hoàn toàn không liên quan đến bác sỹ tử thần này. Một số nhà tâm thần học cho rằng vẫn nên xếp nó vào danh mục các chứng tự kỷ, bởi bản chất đó chính là tự kỷ. Năm 2013, trong ấn bản Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê các Bệnh Tâm lý thứ 5 của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, khái niệm lại một lần nữa bị loại bỏ. Chưa hết, Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết cũng sẽ xóa tên “Hội chứng Asperger” khỏi hồ sơ Quốc tế Phân loại Bệnh tật sau năm 2019.