Cách đây 75 năm nhà hóa học người Thụy Sĩ Albert Hofmann đã phát hiện ma túy gây ảo giác LSD. Khám phá này đã làm cho nhà hóa học Hofmann nổi danh trên thế giới. Nhưng đồng thời nó như một lời nguyền ám ảnh ông suốt cả cuộc đời.

Thời kỳ đó Albert Hofmann, nhà nghiên cứu về dược học trong xí nghiệp dược Sandoz ở Basel đang nghiên cứu về một chất kích thích mới đối với hệ tuần hoàn – nhưng đến thời điểm đó chưa thành công. Nhưng thứ sáu ngày 16.4.1943 bỗng nhiên ông có cảm giác “bồn chồn rất lạ lùng, và còn thấy nôn nao và hơi chóng mặt”.Hofmann không giải thích được vì sao ông bị như vậy và quyết định đạp xe về nhà. Vào nhà, ông có cảm giác như bị say xỉn không còn biết trời đất là gì nữa. Sau này ông mô tả trạng thái đó như sau: “Tôi cảm thấy trời tối, hai mắt nhắm nghiền, (tôi có cảm giác khó chịu đối với ánh sáng trời) những hình ảnh diệu kỳ, đầy màu sắc hiện lên liên tục và tác động mạnh mẽ đến bản thân tôi (...). Tình trạng này diễn ra gần hai tiếng đồng hồ. Sau đó nó cứ nhạt dần, nhạt dần. Điều gì đã xảy ra với tôi?”

Tháng 4.1943 – chiến tranh bao trùm châu Âu – trong khi đó nhà hóa học Albert Hofmann ở Thụy Sĩ lại miệt mài nghiên cứu về một loại thuốc để ổn định hệ tuần hoàn. Trong quá trình nghiên cứu này ông đã điều chế loại a xít có tên là axit Lysergdiethylamid - viết tắt là LSD. Có lẽ Hofmann đã vô tình tiếp xúc với một lượng nhỏ dung dịch mà ông đang điều chế trong phòng thí nghiệm.

Nhà hóa học như bị choáng ngợp. “Nếu quả thật LSD là nguyên nhân cho sự việc mà ông đã trải qua thì cái chất này chỉ cần một lượng rất nhỏ đã có thể gây tác dụng”. Vì thế ba ngày sau khi bị say LSD lần thứ nhất, ông đã mạnh dạn thử nghiệm trên bản thân mình ngày 19.4. Hofmann đã vô tình dùng một liều thuốc quá cao. “17.00 giờ: bắt đầu choáng váng chóng mặt, cảm giác sợ hãi, rối loạn thị lực, tê liệt, buồn cười vô cớ”, ông còn kịp ghi chép vào sổ tay. Việc viết lách khá khó khăn. Ông lại lên xe, đạp về nhà.

Cách đây 75 năm, người đàn ông này đã phát hiện chất gây nghiện- Hippie LSD - ông cũng là người trải qua cơn say ma túy đầu tiên.

LSD - “con quỷ”

“Mọi cái ở trong căn phòng xoay tít mù”, trích trong cuốn “Albert Hofmann và sự phát hiện LSD – trên con đường tới Eleusis”. Bàn ghế, giường tủ trong căn hộ của ông bỗng nhiên “có hình thù kỳ quái rất đáng sợ”. Ngay cả khi bà hàng xóm mang cho ông một cốc sữa để giải độc ông cũng thấy bà ta “như một mụ phù thủy độc địa, tàn nhẫn với bộ mặt loang lổ màu sắc”. Nhất thời Hofmann tin rằng: “có một con quỷ đã thâm nhập vào người tôi và không chế thân thể tôi, đoạt chiếm các giác quan và tinh thần tôi.” Nhà nghiên cứu còn sợ sẽ bị điên.

Khi tác dụng của LSD nhạt dần cũng là lúc nỗi lo sợ biến mất và người ta có cảm giác “ngất ngây sung sướng và biết ơn đời”. Lúc này tại nơi sâu thẳm Hofmann lại thấy màu sắc rực rỡ, tươi rói. Tiếng động của tay cầm ở cánh cửa hay tiếng ô tô chạy lướt ngoài đường đều biến thành những hình ảnh đầy màu sắc và muôn hình vạn trạng.

Hofmann – một nhà nghiên cứu sáng suốt và thận trọng - đã phát hiện LSD, một trong những thuốc gây loạn thần kinh nguy hại nhất trong thời đại chúng ta. Nhờ nó mà ông được nổi tiếng trên toàn thế giới. Mặt khác ông cũng biết rất rõ về mức độ nguy hiểm của nó, điều mà bản thân ông đã trải nghiệm. Hofmann từng nói LSD “là đứa con ngỗ ngược” của mình.

Năm 1949 LSD có mặt trên thị trường với tên thương phẩm là Delysid và trước tiên được dùng dưới dạng liệu pháp tâm lý. Thuốc cũng có tác dụng làm giảm nỗi đau về tâm thần, điều trị đối với người bị nghiện ngập và tâm thần phân liệt.

Trong những năm sáu mươi giới hippi phát hiện và sử dụng phổ biến ma túy LSD. Phát hiện của nhà nghiên cứu trở thành một loại ma túy phổ biến. Với những người thuộc phong trào chống chính quyền thì LSD có nghĩa là sự trốn chạy khỏi cuộc sống thực tế, một sự đào thoát khỏi một xã hội đầy bức bối và o ép.

Nhưng sau đó Hofmann phải chứng kiến những nỗi kinh hoàng mới, càng ngày người ta càng lạm dụng phát minh của ông. Liều lượng sử dụng thuốc ngày một tăng từ đó gây nghiện LSD, người nghiện bị ảo giác, hung hăng gây tội ác hoặc sợ hãi đến mức phải tự tử.Cuối những năm sáu mươi thuốc này bị cấm lưu hành ở Hoa Kỳ, từ năm 1971 sử dụng LSD ở Đức bị coi là phạm pháp.

Hofmann qua đời ngày 29.4. 2008 ở tuổi 102 tại Thụy Sĩ. Trong suốt cuộc đời mình, ông luôn khẳng định trong các cuộc trả lời phỏng vấn rằng mình không cố tình điều chế chất ma túy này, ông nói: “LSD đã gọi tôi, tôi không đi tìm nó”.