Hạn hán trên diện rộng ở bán đảo Ả Rập vào thế kỷ thứ 6 đã dẫn đến sự diệt vong của vương quốc Himyarite cổ đại và góp phần vào sự trỗi dậy của Hồi giáo – tôn giáo hiện nay có số lượng tín đồ lớn thứ hai thế giới chỉ sau Cơ đốc giáo.

Một trăm năm sau cái chết của Chúa Jesus, Cơ đốc giáo vẫn là một tôn giáo ít người biết đến với số lượng tín đồ rất nhỏ. Nhưng chỉ cần chưa đầy 50 năm kể từ khi thành lập, Hồi giáo đã trở thành tôn giáo thống trị trên một vùng đất rộng lớn.
Biểu tượng trăng lưỡi liềm của người Hồi giáo. Ảnh: Newsweek

Khoảng trống quyền lực gây ra bởi trận hạn hán khắc nghiệt cách đây 1.500 năm ở bán đảo Ả Rập đã dẫn đến tình trạng bất ổn chính trị, chiến tranh và thay đổi xã hội. Điều kiện môi trường cực kỳ khô hạn cũng góp phần vào sự suy tàn của vương quốc Himyarite [hoặc vương quốc Himyar] thời cổ đại ở vùng cao nguyên phía Nam của Yemen. Đây là những tiền đề dẫn đến sự phát triển và truyền bá nhanh chóng của Hồi giáo – một tôn giáo xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên từ một địa điểm gần thánh địa Mecca.
Mặt cắt của một măng đá từ hang Al Hoota ở Oman ngày nay.
Ảnh: Timon Kipfer

Những khám phá về vai trò của khí hậu trong việc truyền bá đạo Hồi được công bố trên tạp chí Science vào tháng 6/2022.

Trong nghiên cứu mới, Dominik Fleitmann và các cộng sự tại Đại học Basel (Thụy Sĩ) đã điều tra nguồn gốc của Hồi giáo, các yếu tố văn hóa và điều kiện khí hậu đã góp phần giúp tôn giáo này hình thành và phát triển.

Họ tiến hành phân tích các lớp cấu trúc của măng đá (stalagmite) bên trong hang Al Hoota ở Oman ngày nay. Măng đá là một ụ khoáng chất nhô lên từ nền các hang động. Chúng rất hữu ích cho việc nghiên cứu dữ liệu khí hậu trong quá khứ bởi vì các nhà khoa học có thể sử dụng chúng để suy ra lượng mưa hằng năm cũng như nhiều thông tin quan trọng khác. Điều này là do hình dạng và thành phần hóa học của măng đá thay đổi theo thời gian, phụ thuộc trực tiếp vào lượng mưa rơi xuống phía trên hang động.

Ví dụ, nước mưa thấm qua đá và nhỏ giọt lên măng đá trong hang càng ít thì đường kính của măng đá càng nhỏ. Tốc độ phát triển của măng đá cũng thay đổi theo lượng mưa, bởi vì mỗi giọt nước rơi xuống sẽ mang đến nhiều canxit hòa tan hơn để thêm vào nền hang khi nó tiếp đất. Tỷ lệ đồng vị oxy trong đá cung cấp thêm thông tin về điều kiện khí hậu tại thời điểm măng đá hình thành, với tỷ lệ 16O:18O cao hơn trong thời gian khí hậu ẩm ướt hơn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy bán đảo Ả Rập đã trải qua một thời kỳ khô hạn kéo dài vài thập kỷ. Bằng cách phân tích hiện tượng phân rã phóng xạ của uranium trong măng đá cũng như đối chiếu với nhiều nguồn tài liệu về mực nước Biển Chết trong quá khứ, các nhà khoa học xác định đợt hạn hán xảy ra vào đầu thế kỷ thứ 6 - từ năm 500 đến năm 530 sau Công nguyên - với những khoảng thời gian nắng nóng kéo dài và thường xuyên.

Fleitmann và các đồng nghiệp nhận định rằng hạn hán đã góp phần vào sự sụp đổ của vương quốc Himyarite vào khoảng thời gian đó. Nền kinh tế của người dân Himyarite tập trung chủ yếu vào nông nghiệp. Họ xây dựng một hệ thống thủy lợi rất tinh vi để biến các khu vực bán khô cằn và hoang vắng thành những cánh đồng màu mỡ. Điều này đã giúp vương quốc Himyarite phát triển mạnh mẽ trong gần 300 năm, cũng như đóng vai trò là vùng đất kết nối giữa Đông Phi và Địa Trung Hải. Tàn tích ruộng bậc thang, các đập đất và kênh đào của người dân Himyarite vẫn còn tồn tại ở vùng cao nguyên của Yemen cho đến ngày nay.

Hạn hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng nông nghiệp của người dân Himyarite, gây ra nạn đói ở nhiều nơi. “Nước là tài nguyên quan trọng nhất đối với họ. Rõ ràng là việc suy giảm lượng mưa cũng như các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trong thời gian dài đã khiến một vương quốc ở vùng bán sa mạc trở nên mất ổn định và dần suy yếu”, Fleitmann nhận định.

Vào thời điểm đó, người dân Himyarite cũng phải đối mặt với tình trạng bất ổn chính trị do cuộc chiến tranh ở phía Bắc giữa hai đế chế Byzantine và Sassanid. Đời sống của họ ngày càng khó khăn hơn. Cuối cùng, vương quốc Himyarite đã sụp đổ trước cuộc xâm lược của vương quốc láng giềng Aksum (Ethiopia ngày nay) vào năm 570 sau Công nguyên.

Một yếu tố quan trọng khác dẫn đến sự suy tàn của vương quốc Himyarite liên quan đến vấn đề nguồn lực lao động. Các hệ thống thủy lợi trên quy mô lớn cần được bảo trì và sửa chữa liên tục. Đây là công việc đòi hỏi hàng chục nghìn người lao động có kinh nghiệm tham gia. Trong bối cảnh khan hiếm nước và đời sống ngày càng khó khăn hơn, người dân Himyarite không còn đủ khả năng duy trì các hệ thống thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp, khiến vương quốc sụp đổ ngay từ bên trong.

Trong tình trạng hỗn loạn này, một đức tin tôn giáo mới ra đời đã hứa hẹn sự cứu rỗi cho các tín đồ chân chính, đó là Hồi giáo. “Người dân sống ở bán đảo Ả Rập thời cổ đại đã trải qua những khó khăn lớn do hậu quả của nạn đói và chiến tranh. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để Hồi giáo phát triển và mở rộng tầm ảnh hưởng”, Fleitmann cho biết. “Mọi người tìm kiếm những hy vọng mới, một thứ gì đó có thể gắn kết người dân lại với nhau giống như xã hội trước đây và tôn giáo mới đã đáp ứng được nhu cầu này”.

Fleitmann nhấn mạnh rằng, hạn hán không trực tiếp dẫn đến sự xuất hiện của đạo Hồi. Nhưng nó là một yếu tố quan trọng trong bối cảnh biến động ở thế giới Ả Rập vào thế kỷ thứ 6.

“Khi chúng ta đề cập đến các hiện tượng thời tiết cực đoan, chúng ta thường nghĩ đến tác động của chúng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, giới hạn trong vài năm. Tuy nhiên, hậu quả của hạn hán lâu dài hơn nhiều, khi chúng có thể dẫn đến những bất ổn đáng kể về mặt chính trị, kinh tế và xã hội”, Fleitmann nói.

Giới khoa học gần đây ngày càng chú ý nhiều hơn đến vai trò của khí hậu đối với sự thay đổi và suy yếu của các chế độ. Ngoài vương quốc Himyarite, hạn hán cũng liên quan đến sự sụp đổ của nhiều nền văn minh khác.

Các nhà nghiên cứu phát hiện cách đây 4.200 năm, Đế chế Akkadian ở Syria đã phải hứng chịu sự thay đổi khí hậu đột ngột dẫn đến điều kiện thời tiết khô hạn trong khoảng thời gian lên tới 100 năm. Đây là một trong những nguyên nhân chính góp phần vào sự sụp đổ của Đế chế Akkadian. Nền văn minh Maya tồn tại đến năm 900 sau Công nguyên ở Mexico cũng bị ảnh hưởng nặng nề từ một đợt hạn hán nghiêm trọng, khiến hàng triệu người dân thiệt mạng.

Theo Ancient Origins, Newsweek