Thành phố này nổi lên ở hồ chứa Mosul vào đầu năm nay, khi mực nước nhanh chóng sụt giảm do trận hạn hán khắc nghiệt ở Iraq. Thành phố rộng lớn này có một cung điện cùng một số tòa nhà lớn khác có thể là Zakhiku cổ đại – đây được cho là trung tâm quan trọng của Đế chế Mittani (khoảng năm 1550–1350 TCN).
Iraq là một trong những quốc gia trên giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Miền Nam đất nước này nói riêng đang hứng chịu trận hạn hán khắc nghiệt trong hàng tháng trời. Để ngăn tình trạng mùa màng khô héo, chính quyền nơi đây đã rút một lượng nước lớn từ hồ chứa Mosul – nơi dự trữ nước quan trọng nhất Iraq – từ tháng mười hai. Điều này dẫn đến thành phố thời Đồ đồng tái xuất hiện, nơi đây đã bị nhấn chìm hàng thập niên và chưa từng được điều tra khảo cổ trước đó. Nó nằm ở Kemune trong Vùng Kurdistan của Iraq.
Sự kiện bất ngờ xảy tới này gây áp lực cho các nhà khảo cổ, buộc họ phải lập tức khai quật và ghi chép lại một phần thành phố rộng lớn, và quan trọng là càng nhanh càng tốt, trước khi nó chìm trong biển nước lần nữa. Nhà khảo cổ học người Kurd – Tiến sĩ Hasan Ahmed Qasim, chủ tịch của Tổ chức khảo cổ Kurdistan và các nhà khảo cổ người Đức – Giáo sư, Tiến sĩ Ivana Puljiz (Đại học Freiburg) và Giáo sư, Tiến sĩ Peter Pfälzner (Đại học Tübingen) tự động quyết định thực hiện cuộc khai quật cứu hộ chung tại Kemune. Những hoạt động này diễn ra vào tháng một và tháng hai năm 2022, với sự hợp tác của Tổng cục Cổ vật và Di sản ở Duhok (Vùng Kurdistan của Iraq).
Một đội khai quật giải cứu được thành lập chỉ trong vài ngày. Trong thời gian ngắn công trình này đã nhận được tài trợ từ Quỹ Fritz Thyssen thông qua Đại học Freiburg. Nhóm các nhà khảo cổ người Đức – Kurd phải chịu áp lực vô cùng lớn về thời gian do không rõ lúc nào nước trong hồ chứa lại dâng lên.
Trong thời gian ngắn, các nhà nghiên cứu đã thành công lập được bản đồ của phần lớn thành phố. Ngoài cung điện, nơi vốn đã được ghi chép trong một chiến dịch ngắn vào năm 2018, họ đã phát hiện một số tòa nhà lớn khác – một công trình phòng thủ khổng lồ có tường vây và tháp canh, một nhà kho nhiều tầng đồ sộ và một khu phức hợp công nghiệp. Khu phức hợp dân cư rộng lớn có từ thời Đế chế Mittani (khoảng năm 1550 – 1350 TCN), Đế chế này kiểm soát phần lớn vùng phía Bắc Lưỡng Hà và Syria.
“Tòa nhà chứa vũ khí khổng lồ là một nơi cực kì quan trọng bởi vì nhất định ở đây trữ khối lượng hàng hóa khổng lồ, có thể chúng được mang về từ khắp nơi trong khu vực”, bà Ivana Puljiz cho biết. Ông Hasan Qasim đưa ra kết luận “Các kết quả khai quật cho thấy địa điểm này là trung tâm quan trọng ở Đế chế Mittani”.
Nhóm nghiên cứu vô cùng kinh ngạc khi thấy các bức tường được bảo tồn rất tốt, có nơi cao tới vài mét, tuy trên thực tế các bức tường được xây từ gạch bùn phơi khô và đã nằm dưới nước hơn 40 năm. Tình trạng bảo quản tốt như vậy là do thành phố này đã bị phá hủy trong một trận động đất vào khoảng năm 1350 TCN, trong trận thiên tai đó những phần phía trên của bức tường sập xuống đã chôn vùi các tòa nhà.
Một điều đặc biệt đáng chú ý là các nhà khảo cổ phát hiện năm chiếc bình gốm chứa hồ sơ lưu trữ của hơn 100 tấm bảng khắc chữ hình nêm. Chúng có niên đại từ thời Trung Assyria, thời kì diễn ra không lâu sau động đất phá hủy thành phố. Một số bảng đất sét, có thể là các lá thư, thậm chí vẫn nằm trong phong bì bằng đất sét. Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện này sẽ cung cấp thông tin quan trọng về hồi kết của thành phố thuộc thời kì Mittani và sự khởi đầu thống trị khu vực này của người Assyria. “Đây gần như là một phép màu khi các tấm bảng khắc chữ nêm làm từ đất sét chưa nung qua lửa lại có thể tồn tại qua nhiều thập niên như vậy dưới nước, ông Peter Pfälzner chia sẻ.
Để ngăn ngừa di tích quan trọng này bị nước dâng lên phá hủy thêm, các nhà khảo cổ đã phủ lên các tòa nhà được khai quật những tấm nhựa kín và chèn sỏi lên, đây là một phần của dự án bảo tồn toàn diện do Quỹ Gerda Henkel tài trợ. Điều này nhằm mục đích bảo vệ những bức tường đất sét không nung và bất kỳ phát hiện nào khác vẫn ẩn giấu trong đống đổ nát trong thời gian ngập lụt. Hiện nay, di tích này một lần nữa bị nhấn chìm hoàn toàn.