Ngày 22/11/1718, Râu Đen (Edward Teach) – cướp biển khét tiếng nhất trong lịch sử – đã bỏ mạng sau khi giao tranh với Hải quân hoàng gia Anh vì hứng chịu khoảng 5 phát đạn và 20 nhát chém chí mạng, mặc dù cũng đã gây không ít tổn thất cho đối phương.
Cái chết của ông (khi chưa tới 40 tuổi) đã đặt dấu chấm hết cho thời đại hoàng kim của hải tặc – những kẻ tung hoàng, thống trị tuyến hải trình và thương mại xuyên Đại Tây Dương (cuối thế kỷ 17, đầu 18), reo rắc nỗi kinh hoàng khiến ngay đến các chỉ huy hải quân cùng thống đốc thuộc địa can đảm nhất cũng phải khiếp sợ.
Râu Đen đã sống một cuộc đời rất không tầm thường. Mặc dù sự nghiệp hải tặc chỉ kéo dài chưa tới 4 năm, song ông ta cũng đã kịp chiếm đóng thành phố Nassau tại Bahamas làm cứ điểm và hoàn toàn kiểm soát thương mại vùng Caribe qua ngả eo biển Florida. Hình ảnh đáng sợ, sự khủng bố và nỗi ám ảnh mà Râu Đen gieo rắc, thậm chí đã khiến những người đi biển quanh New York, Philadelphia, Chesapeake và Charleston … rỉ tai nhau rằng, nếu lỡ có đụng độ thì hãy đầu hàng chứ chớ dại mà chống cự.
Thế nhưng, những gì mà ông ta đã làm lại nhận được rất nhiều sự quan tâm và thích thú của người dân hai bờ Đại Tây Dương. Trong cuốn A General History of the Pyrates (Lịch sử đại cương về hải tặc), tác giả Captain Charles Johnson (không rõ tên thật) đã bày tỏ sự thương cảm trước cái chết và tô vẽ thêm cho cuộc đời huyền thoại của Râu Đen – cuốn sách sau đó đã trở thành một best-seller tại Anh và các thuộc địa, đồng thời cung cấp rất nhiều chất liệu và cảm hứng cho những câu chuyện của Robert Louis Stevenson, các bộ phim của Walt Disney và những hình tượng cướp biển hư cấu như thuyền trưởng Hook hay Jack Sparrow. Vì sao lại vậy?
Cướp biển Râu Đen huyền thoại (tạo hình phim). Ảnh: Wikimedia
Khác với nhiều băng hải tặc khác (chỉ đơn thuần tụ tập nhau lại để cướp bóc), hầu hết các cướp biển Bahamas, trong đó có Blackbeard, đã từng xuất thân là thủy thủ tàu buôn hoặc thậm chí hải quân phải nổi lên để chống lại sự áp bức của giới chủ tàu và thuyền trưởng. Như băng hải tặc Sam Bellamy đã luôn tự ví họ giống với Robinhood “cướp của kẻ giàu dưới sự soi sáng của lòng can đảm” và buộc tội giới nhà giàu “cướp của người nghèo nhờ sự bảo trợ thối nát của pháp luật”.
Tuy nhiên, điểm thú vị nhất là ở vào thời trước Cách mạng Mỹ gần 60 năm, và 70 năm trước Cách mạng Pháp, trên bong tàu của các hải tặc vùng Caribe đã tồn tại một tinh thần dân chủ đáng ngưỡng mộ. Mô hình tổ chức của họ được đánh giá là mang tính kỷ luật rất cao khi có hẳn một bộ luật riêng quy định việc đưa ra phán quyết, phân công nhiệm vụ hay chia chác tài sản đánh cướp được...
Thay vì áp dụng đòn roi và thực thi một hệ thống phân cấp cứng nhắc, các thành viên trong băng lại tổ chức quyền bầu cử để chọn hoặc thay thế thuyền trưởng. Ngoài ra, họ còn chia tiền bạc theo một tỷ lệ (giống cổ tức) gần như đều nhau, và không có ngoại lệ đối với thuyền trưởng.
Thậm chí, những kẻ vốn bị coi là “máu lạnh” ấy cũng lại có các quy định hết sức “nhân vân” cho đồng đội bị thương tật. Chẳng hạn, nếu thuyền viên bị mất chân tay hoặc mắt trong giao tranh thì sẽ được ưu tiên hơn khi chia tài sản. Chưa hết, ngay cả khi bị tàn tật và không còn hữu dụng, họ cũng vẫn sẽ được ở lại tàu chứ không hề bị vứt bỏ.
Tất cả những điều này, cùng với thực phẩm, rượu ngon và sự thoải mái về thời gian … đã khiến công việc trên tàu hải tặc trở nên cực kỳ hấp dẫn, nhất là với các thủy thủ thuyền buôn và cả hải quân – vốn thường phải chịu đựng cảnh suy dinh dưỡng, tiền lương bị cắt xén hay sự ngược đãi từ cấp trên tàn bạo.
Thực tế cho thấy, một phần thủy thủ đoàn trên các con tàu bị đánh cướp thường sẽ tình nguyện nhập băng hải tặc, dẫn tới sự bùng nổ về số lượng chỉ trong một thời gian ngắn. Ngay cả tàu của hải quân cũng không phải là ngoại lệ, như chiếc khu trục hạm H.M.S. Phoenix khi phải đương đầu với hải tặc ở Nassau (mùa xuân 1718), một số thủy thủ đã lén bỏ tàu vào ban đêm để quy thuận dưới trướng của lá cờ Jolly Roger.
Những nô lệ da đen bỏ trốn cũng rất dễ nhập bọn với các toán cướp biển như vậy bởi sự bình đẳng và cơ hội mà họ có thể nhận được. Vì thế mà có lúc cao điểm, người da đen chiếm tới 1/4 (hoặc hơn) số lượng thành viên trong các băng hải tặc. Mặc dù còn tồn tại tình trạng phân biệt đối xử, khi một số băng hải tặc coi nô lệ đánh cướp được như hàng hóa, chứ không phải để thu nạp làm đồng đội, song những con tàu ô hợp như vậy vẫn trở thành mối đe dọa cực lớn đối với các thuộc địa buôn bán nô lệ xung quanh Bahamas.
Ngoài ra, không phải tất cả cướp biển đều là kẻ bị áp bức. Chẳng hạn Paulsgrave Williams – người đồng hành của Bellamy – chính là con trai của tổng chưởng lý Rhode Island, hay “quý ông hải tặc” Stede Bonnet vốn xuất thân từ một gia đình quyền quý ở Barbados.
Chưa hết, nhiều chứng cớ tìm được cũng cho thấy, những hải tặc này còn có động cơ riêng của họ, chẳng hạn hạ bệ vua George I và phục hồi lại ngai vàng cho Nhà Stuarts (bị phế truất sau khi Nữ hoàng Anne băng hà năm 1714). Bởi thế, không phải ngẫu nhiên chiếc soái hạm của Râu Đen lại được đặt tên là Queen Anne’s Revenge (Sự trả thù của Nữ hoàng Anne).
Bên cạnh đó, nhiều hải tặc còn ngấm ngầm liên hệ với những cận thần của triều Stuart đang lưu vong tại Pháp, hay hậu thuẫn cho một cuộc nổi dậy thất bại vào năm 1715. Chính vì điều này mà rất nhiều nhà chức trách thuộc địa đã phải thường xuyên phàn nàn với triều đình ở London về xu hướng “tôn vinh các hải tặc như anh hùng” của người dân, mà theo Alexander Spotswood (phó thống đốc Virginia) là “không thể lý giải nổi”.
Trong số những cướp biển được yêu thích nhất, bao gồm Mary Read và Anne Bonny (nữ), Calico Jack Rackham thích “lòe loẹt” hay Charles Vane yêu sự “phô trương”, Râu Đen vẫn đặc biệt và nổi tiếng hơn cả – một phần cũng nhờ những hình ảnh đáng sợ được nuôi dưỡng trong tâm trí người đi biển thời đó (Râu Đen hay buộc diêm cháy chậm lên râu, tóc … hiện ra trong màn khói lửa ma quái khiến kẻ địch khiếp sợ). Tuy vậy, nếu đối phương đầu hàng, ông ta sẽ chỉ lấy đi những thứ có giá trị như vàng bạc, trang sức, vũ khí, nô lệ hay rượu rum … và tha chết cho họ.
Trận chiến cuối cùng với hải quân đã khiến Râu Đen bỏ mạng, nhưng đồng thời cũng khẳng định vị thế của ông ta trong lịch sử. The Boston News Letter (tờ báo duy nhất tại Bắc Mỹ khi đó) đã khái quát lại rất chi tiết về trận đánh này, bao gồm cả những tranh cãi về tính hợp pháp của chiến dịch truy sát do Spotswood chỉ đạo – vốn bị một số nhà chức trách Bắc Carolina phản đối. Chính bê bối này đã làm sụt giảm uy tín của Spotswood, khiến ông phải từ chức (năm 1722); còn trung úy Robert Maynard – người hùng của chiến dịch – cũng nhiều lần từ chối lời đề nghị thăng chức.
Sau khi giết được Râu Đen, hải quân đã ném thi thể của ông xuống đầm Pamlico Sound, còn đầu thì bêu trên một cây cột ở Hampton Roads – nơi sau này trở thành địa danh Blackbeard’s Point (Mũi Râu Đen) thu hút du khách. Và khi cả Spotswood lẫn Maynard đều bị lịch sử lãng quên, thì tên tuổi của Râu Đen lại sống mãi, thậm chí còn nổi tiếng hơn cả khi còn sống.