Sau nhiều năm với nhiều cuốn sách, cả tản văn lẫn khảo cứu, tập trung vào chủ đề Hà Nội, tưởng như Nguyễn Trương Quý sẽ gặp đôi chút khó khăn khi tiếp tục viết về mảnh đất này, ít nhất ở yêu cầu không để lặp mình và không cũ kĩ góc nhìn.

Thế nhưng, đọc Hà Nội bảo thế là thường (tháng 9/2020), người ta vẫn thấy anh làm chủ được cách tiếp cận và giọng điệu riêng của mình, hơn nữa, đã thực sự nhẹ nhõm ngay trong những ẩn ý sâu xa.

Tác giả Nguyễn Trương Quý bên tác phẩm mới ra mắt – Hà Nội bảo thế là thường. Ảnh: NVCC
Tác giả Nguyễn Trương Quý bên tác phẩm mới ra mắt – Hà Nội bảo thế là thường. Ảnh: NVCC

Dầu thế nào, Hà Nội có lẽ không phải là một tập hợp những biểu tượng dễ thấy. Đôi khi, chúng lẩn khuất trong sự biến đổi hoặc biến mất đến mức rất khó nhận diện, phục dựng và thông hiểu cặn kẽ. Những cố gắng nắm bắt, phô bày hay xác thực nét đặc trưng Hà Nội, xét cho cùng, đều tùy thuộc vào từng cá nhân, đặc biệt tùy thuộc những tích lũy sống trải văn hóa. Người ta có thể viết về Hà Nội theo nhiều cách và vốn liếng khác nhau nhưng nhất định phải có độ dày văn hóa, thứ giúp họ vừa giải mã được biểu hiện bề ngoài của các thành tố vật chất, tinh thần Hà Nội, vừa có khả năng cấp nghĩa, tạo nghĩa cho chúng và cho cả văn bản văn chương vốn dĩ cần để ngỏ các cơ hội diễn giải. Câu chuyện Hà Nội là thế nào, vì thế, không còn thực sự quyết định mà Hà Nội được bồi lắng thêm những lớp nghĩa gì theo biến thiên thời cuộc mới đáng chú ý hơn.

Bản thân Nguyễn Trương Quý, kể từ Một thời Hà Nội hát (2018), cũng đã không còn quá bận tâm vào viết cái gì hay phải cung cấp thông tin, tri thức về đối tượng tìm biết ra sao, mà theo tôi, đã hướng đến trọng tâm cắt nghĩa, phân tích các thiết chế tạo dựng nên sự bền vững và sức hấp dẫn của một đô thị đa tầng lớp văn hóa, lịch sử như Hà Nội.

Các thiết chế đó có thể là huyền thoại nghệ sĩ, các không gian văn hóa, mà cũng có thể là những món ăn, trang phục, âm nhạc, và phức tạp hơn là các trạng thái tinh thần của đời sống thế tục. Giữa hiện hữu và mờ nhòe, giữa cố định và biến đổi của thiết chế, Nguyễn Trương Quý lựa chọn tâm thế tham dự theo lời mời gọi của tư liệu sách báo, hình ảnh, và từ kí ức của cá nhân anh, thế hệ sau muộn thế kỉ XX nhưng kịp chứng kiến các trào lưu thất thường bậc nhất trong tái nhận thức về quá khứ.

Trong Hà Nội bảo thế là thường, mặc dù tiếp tục quan sát các câu chuyện xoay quanh thức ăn đồ uống, quần áo giày dép, nhưng Nguyễn Trương Quý dừng lại lâu hơn ở nghĩa lí bên trong của vấn đề. Có thể viết về mẻ chua, về thịt ba chỉ, thịt đông, thịt ốc, có thể viết về quần tây, va-li, thắt lưng, mũ phớt, nước hoa, mảnh vườn,.... nhưng đó đều chưa phải là đích ngắm duy nhất. Những điều tác giả muốn tìm hiểu, trái lại, nằm ở chuỗi lí do, căn cớ mà chúng xuất hiện, tồn tại để rồi trở nên Hà Nội hóa trong những điều kiện khác nhau của lịch sử xã hội.

Một thức phẩm khiêm nhường là mẻ chua khiến tác giả phát hiện ra “sự eo hẹp của hoàn cảnh lại làm nên cái tinh túy của đời sống”. Một nơi chốn quen thuộc là quán nước chè làm tác giả chú ý đến thực tế “chúng đã kịp được không gian hóa thành nơi tự tình trong một vài ca khúc lãng mạn thời kì đầu kháng chiến chống Pháp”. Một điệu khiêu vũ dặt dìu nhập khẩu từ trời Tây cho phép tác giả nhận định “nó vượt qua phạm vi một sản phẩm của quá trình thuộc địa để trở thành phương tiện hữu tình của tao nhân mặc khách ở một nước Việt nóng lòng hiện đại hóa”. Một bữa cơm nhiều món mà người Việt cố gắng bày biện có thể là “một ý niệm thẩm mĩ có tính bố cục”. Những mùi cốm, mùi bưởi, mùi hoa sữa, hoa ngâu trải khắp bốn mùa thì làm cho... Nguyễn Trương Quý tìm đến các ngõ ngách thị hiếu thẩm mĩ lẫn tâm lí chuộng mới của thị dân Hà Nội để không phải biện minh mà đồng cảm với cái gọi là “lãng mạn” phảng phất khắp chốn, khắp thời.

Lãng mạn có thể vì học đòi, a dua nhưng phần nhiều cũng vì thói quen kháng cự lại sự dễ dãi, tầm thường. Việc Hà Nội định hình trong cội gốc văn hóa Nho giáo rồi được bồi thêm một lớp sơn văn hóa Pháp đã tạo đà cho thị dân nơi đây nhạy cảm hơn trước các lớp sóng hưng phế giá trị, nhưng không đến mức quá bảo thủ niềm tin, quan niệm. Bởi vậy, dầu cuốn sách có lần ngược về quá vãng để đối sánh được mất với hôm nay thì nhìn chung, tác giả không có chủ ý biến cái đã qua thành cái đang là.

Cũng như đặc tính văn hóa Việt ưa tân chế và “phiên phiến”, giới tinh hoa Hà thành tạm chấp nhận một câu cửa miệng mang hàm ý bằng lòng, như tác giả chỉ ra, là “được” cho mọi nỗ lực tìm kiếm, xây dựng sự toàn bích. Vậy thì, Hà Nội bảo thế là thường, có chăng, khích lệ tiếng cười nhẹ nhõm và thông thái trước khi ngã ngũ thừa nhận tính chất sớm nở tối tàn của các dấu chỉ đời sống đô thị mà Hà Nội chỉ là ví dụ điển hình?

Rõ ràng, nếu lần theo cách diễn giải nhẩn nha của Nguyễn Trương Quý, độc giả sẽ được dịp phiêu lưu vào những mạng nghĩa mà một thực thể hay tập tục, hành vi văn hóa có thể hàm chứa. Nếu chúng ta đồng ý với quan niệm của học giả Clifford Geertz (1926-2006) rằng, văn hóa, thực chất, là một tập hợp các văn bản khác nhau (“an ensemble of texts”) thì Hà Nội trong góc nhìn của Nguyễn Trương Quý cũng là kiểu văn bản đầy ắp biểu tượng, huyền thoại, kí hiệu. Đến như ăn món ốc mà tác giả còn thấy biên giới văn hóa, ngôn ngữ ẩn tàng trong đó thì những sử sự lớn lao hơn chắc chắn đều chằng chịt, đan dệt đủ loại câu chuyện khác nhau. Đến như những cành hoa tim tím violet của sáu mươi năm trước mà tác giả còn liên tưởng với bản sắc, ý niệm Tết Hà Nội thì trong mỗi một “hành vi văn hóa thường ngày” chắc chắn đều có thể tạo thành lịch sử nhỏ (vi lịch sử) đủ phức tạp khôn lường. Điều lí thú là, thay vì chắc mẩm hoàn toàn, Nguyễn Trương Quý đã chừa ít nhiều khoảng trống hoài nghi, chất vấn mức độ sự thật của các tín niệm ấy. Nhờ đó, độc giả, như trường hợp của tôi, không bị “Hà Nội trung tâm luận” khía vào mặc cảm mình là kẻ xa lạ, ngoại biên, là kẻ mất vài năm ánh sáng mới tới được sự vỡ lẽ, sự hiểu Hà Nội cụ thể nảy sinh từ cuốn sách này.