Nghiên cứu trên khỉ đực cho thấy những con hú to nhất, giọng trầm nhất lại sản xuất ít tinh trùng hơn và có hiệu quả thụ tinh thấp hơn.

giong-cang-to-tinh-trung-cang-it

Một bầy khỉ rú cùng nhau cất tiếng hú gọi bạn tình. Ảnh: Đại học Cambridge

Theo IB Times, mặc dù là một trong những loài nhỏ nhất trong bộ linh trưởng, chỉ nặng cỡ 7 kg nhưng khỉ rú (Alouatta) thường hú to để thu hút bạn tình. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng những con khỉ hú to dù thu hút được nhiều bạn tình nhưng lại ít hiệu quả hơn trong việc duy trì nòi giống, theo thuyết chọn lọc dục tính của Darwin.

"Mặc dù thuyết này khởi xướng từ thời Darwin, nhưng đây là lần đầu tiên con người chứng minh được sự đánh đổi giữa tiếng hú trước khi giao phối và hiệu quả thụ tinh sau khi giao phối", giáo sư Leslie Knapp, chủ nhiệm môn nhân chủng học, đại học Utah, Mỹ, cho biết.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Darwin đã đúng khi cho rằng tiếng hú của khỉ đóng vai trò quan trọng đối với sinh sản".

Jacob Dunn, đại học Cambridge cho biết thêm: "Chúng tôi có bằng chứng thuyết phục rằng khỉ rú có âm vực lớn thì có ít tinh trùng hơn. Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy sự đánh đổi giữa giọng nói và chất lượng tinh trùng ở các loài."

Loài khỉ rú hú to để làm chúng trông to lớn hơn so với thực tế. Những con có xương móng (nằm giữa cằm và sụn giáp) càng to, thì tiếng hú càng lớn. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Current Biology (Sinh học đương đại) tuần trước.

Công trình do một nhóm nghiên cứu quốc tế người Anh, Áo và Mỹ tiến hành. Họ thu thập số liệu về kích thước tinh hoàn của 66 con khỉ rú với những loài khỉ khác, sử dụng công nghệ quét laser 3D để phân tích kích thước của 250 xương móng và phát hiện, một số xương lớn gấp 10 lần xương khác.

"Đầu tư vào phát triển cơ quan thanh quản và tiếng hú lớn có thể quá tốn kém, khiến chúng không đủ năng lượng để đầu tư vào tinh hoàn", Dunn nói.