Nhà phê bình sinh thái Karen Thornber đưa ra nhiều minh chứng xác đáng cho thấy sự khủng hoảng sinh thái đã diễn ra từ rất lâu ở phương Đông. Bà cung cấp cho người đọc những kiến giải minh xác, phơi lộ những sự thật ẩn giấu đằng sau mọi huyền thoại về một phương Đông gần gũi và giao hòa với tự nhiên.

Nhà phê bình sinh thái Karen Thornber. Ảnh: INT
Nhà phê bình sinh thái Karen Thornber. Ảnh: INT

Công trình Ecoambiguity: Environmental Crises and East Asian Literatures (2012) [Sự mơ hồ sinh thái: Khủng hoảng môi trường và văn học các nước Đông Á (Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan)] của Thornber đã được Hiệp hội nghiên cứu văn học so sánh Hoa Kỳ trao giải Honorable Mention Wellek Prize năm 2013.

Nhãn quan vị kỉ ẩn sau những phát ngôn về tình yêu thiên nhiên

Bàn về văn học châu Á, Thornber lật lại những ảo tưởng cố hữu coi người Đông Á như là sống trong sự gắn bó hài hòa với thế giới tự nhiên và văn chương Đông Á như một phương cách tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên. Thay vào đó, một trong những định hướng phê bình quan trọng được Thornber đề xuất là sự mơ hồ sinh thái (ecoambiguity) hay một thái độ nước đôi đối với tự nhiên.

Thornber bắt đầu những diễn giải về ý niệm “mơ hồ sinh thái Đông Á” từ sự bất ổn chung quanh một quảng cáo khá nổi tiếng của Tập đoàn du lịch Shosen Gorge, Nhật Bản. “Chúng tôi đốn đi những cái cây trong tình yêu với thiên nhiên” – đó là lời tuyên bố của Suzuki Takehiro, Giám đốc Trung tâm du lịch này vào tháng 8/2008.

Công trình Ecoambiguity: Environmental Crises and East Asian Literatures (2012)
Ecoambiguity: Environmental Crises and East Asian Literatures (2012)

Một phần của Vườn quốc gia Chichibu-Tama-Kai Nhật Bản, suốt nhiều thập kỉ, đã được Shosen Gorge quảng cáo là “vùng thung lũng đẹp nhất nước”. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng chặt phá rừng suốt một thời gian dài bắt đầu từ năm 1950. Sau khi khoảng rừng được phát hiện và đầu tư phát triển du lịch, một vạt cây rừng đứng chắn gây khó khăn cho khách du lịch trong việc ngắm nhìn những tảng đá kì vĩ (đặc trưng khiến hẻm núi trở nên nổi tiếng) dần bị đốn hạ. Chiến lược kinh doanh của nhà đầu tư, đương nhiên, cố gắng dung hòa với việc duy trì thảm thực vật của thung lũng và bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái rừng; nhưng việc để vạt cây phát triển rậm rạp kéo theo nó sự tổn thất đáng kể về kinh tế, bởi khách du lịch đến đây vì muốn ngắm nhìn vẻ đẹp của vách đá chứ không phải để xem cây cối, thậm chí có người còn phàn nàn rằng việc để mặc cho những cái cây phát triển um tùm đã làm mất đi vẻ đẹp của thung lũng. Đó là lí do khiến Suzuki lý luận rằng, những cái cây (một phần của tự nhiên) nên bị đốn hạ để mọi người có thể ngắm nhìn một khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ hơn (hẻm núi).

Chi tiết này gói gọn trong nó những gì Karen Thorner gọi là “sự mơ hồ sinh thái”, hay những quan hệ tương tác phức tạp, đầy mâu thuẫn giữa con người với môi trường (mà bao hàm trong đó là sự hiện diện đáng kể những thực thể tự nhiên phi nhân).

Rất nhiều khu bảo tồn, dù được quy hoạch dưới danh nghĩa bảo vệ hệ sinh thái khỏi sự khai thác của con người, nhưng cuối cùng vẫn phải phụ thuộc vào quyết định và ý muốn con người, nói cách khác, vẫn phục vụ cho những nhu cầu mang tính nhân loại trung tâm luận. Sự mơ hồ trong quan hệ con người với tự nhiên ở trường hợp Hẻm núi Gorge trên đây là tiêu biểu hơn cả. Những đòi hỏi chặt phá cây rừng ngay từ đầu đã không xuất phát từ một ý thức bảo vệ mà chỉ để phục vụ cho việc ngắm nhìn cảnh quan; các đoàn khách du lịch muốn những cái cây phải bị triệt hạ không phải vì muốn bảo vệ những vách đá, mà chỉ là để họ có thể thỏa thích chụp hình. Nhãn quan vị kỉ, như thế, ẩn đằng sau mỗi phát ngôn về tình yêu thiên nhiên.

Ở Hẻm núi Gorge, có những cái cây đã bị đốn đi nhân danh tình yêu với thiên nhiên. Nguồn: INT
Ở Hẻm núi Gorge, có những cái cây đã bị đốn đi nhân danh tình yêu với thiên nhiên. Nguồn: INT

Sự mơ hồ giữa lí tưởng và thực trạng, sự vênh lệch giữa đức tin và hành động

Cảm quan về sự đặc thù Đông Á bị giải hoặc khi Thornber đặt khu vực này trước một vấn đề toàn cầu như sự suy thoái môi trường.

Cũng thế, ban đầu, khi xem xét văn học các nước Đông Á, Thornber dự định sẽ áp dụng bộ khung so sánh để cho thấy sự khác biệt về văn hóa và đặc trưng khu vực, trong đó nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa các xã hội phương Tây với các xã hội phi-phương Tây cũng như giữa các xã hội phi-phương Tây với nhau. Những cách phân biệt kiểu này đã trở nên khá phổ biến. Nhưng càng đọc thêm và đọc sâu, bà nhận ra, tư duy phân biệt ấy mỗi lúc một lung lay hơn: “Trong suốt tiến trình lịch sử, điểm chung lớn nhất là con người đã liên tục phá hủy những cảnh quan gần và xa, dù rằng không thể phủ nhận sự khác biệt giữa các nền văn hóa […] Tàn phá môi trường là một hành động đa dạng, đa chiều; và đến bây giờ chỉ còn quá ít những nơi chốn chưa bị xâm phạm bởi dấu chân con người, cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Tôi sớm nhận ra rằng điều quan trọng, và thực sự cấp thiết, là phải xem xét xem văn học, trong ý nghĩa một hình thức diễn ngôn, đã có những phản ứng nào khi chứng kiến sự hủy diệt môi trường sinh thái”.

Nhưng một điều có thể khẳng định chắc chắn hơn nữa là, thái độ mơ hồ sinh thái xuất hiện phổ biến hơn cả trong văn chương Đông Á, với một sự mỉa mai sâu sắc hơn, nhất là đặt trong lịch sử văn hóa lâu dài của một khu vực vốn có tiếng về việc tôn sùng ca tụng mối quan hệ hài hòa gắn kết với tự nhiên. Vấn đề then chốt mà công trình của Thornber hướng đến, bởi vậy, là sự phản biện lại mặc định rằng văn chương Đông Á thường chỉ mô tả những mối quan hệ hài hòa giữa con người với thế giới tự nhiên.

Đặt nền tảng trên sự khảo sát một diện rộng các văn bản văn học Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Thornber đã chỉ ra được cách văn chương Đông Á mô tả sự phá hủy sinh thái trải dài suốt thời gian lịch sử và rộng khắp không gian khu vực, nếu không muốn nói là toàn cầu. Khảo sát phạm vi văn học này, Thornber muốn đưa đến một thức nhận mới trong nghiên cứu văn chương, rời bỏ cái nhìn sinh thái “Đông phương luận”. Bằng lối lập luận sắc bén, Thornber chỉ ra rằng, văn chương Đông Á không hề là một thực thể tư tưởng nhất quán như chúng ta hằng nghĩ, mà bao chứa trong nó những đường hướng mơ hồ, mâu thuẫn và khó nắm bắt hơn, đặc biệt trong việc lựa chọn cách ứng xử với tự nhiên.

Từ đó, Thornber thay ý niệm “tình yêu sinh thái” bằng ý niệm “mơ hồ sinh thái”, coi đó như là chìa khóa để tiếp cận văn học Đông Á. Lập luận của Thornber đi từ một thực tế hiển nhiên không thể tránh khỏi là mọi hành động dù nhỏ nhất của con người đều gây ảnh hưởng và làm biến đổi môi trường. Trong đó, một số thay đổi có thể trông thấy và dễ dàng đo đếm được, một số khác khó nhận diện hơn hay dễ dàng bị lờ đi và bỏ qua, một số cần được minh chứng qua công tác khảo cổ học, một số khác lại mới đơn thuần chỉ dựa trên giả thiết, và có thể nói, vô số những tác động và thay đổi ấy gần như chưa được nhận thức và ý thức.

Xác định những tác nhân đưa đến sự thay đổi chưa bao giờ là việc dễ dàng. Tương tự, để dự báo chính xác sự thay đổi trong tương lai cũng là việc quá sức khó khăn. Chính sự không rõ ràng về nhận thức này đã dẫn đến những cảm thức mâu thuẫn, mà tiêu biểu hơn cả là sự hiện diện song song của chứng sợ sinh thái (ecophobia) và tình yêu sinh thái (biophillia).

Nếu ý niệm ‘ecophobia’ giúp chúng ta có cái nhìn sâu hơn vào lịch sử ham muốn kiểm soát và chế ngự tự nhiên, từ đó dẫn tới sự hủy diệt hệ sinh thái và các giống loài trên quy mô lớn; thì ‘ecophillia’ là xuất phát điểm của những khao khát gắn bó mật thiết với tự nhiên, thúc đẩy mong muốn bảo tồn và phục hồi tự nhiên, trong thực tế, còn là cội nguồn cảm hứng của chính phê bình sinh thái (Ecocritism).

Tuy nhiên, Thornber chất vấn lại những cách xác định nguyên nhân này về sự suy thoái môi trường và phá hủy cảnh quan. Bà hoài nghi sự nhất quán trong tình cảm, tư tưởng cũng như mối quan hệ tất yếu giữa suy nghĩ và hành động. Bà đưa ra một nghịch lí rõ ràng rằng, “cái gọi là tình “yêu tự nhiên đến chết” (love nature to death) đầy sáo rỗng càng lúc càng không giấu được khả năng tàn phá của riêng nó.

Không những thế, việc xác định tình cảm, suy nghĩ của một cá nhân hay một nhóm xã hội đối với môi trường sống hay khi đứng trước một thực thể phi nhân, thực ra, không hề dễ dàng được xếp vào những ngăn kéo cố định của nỗi sợ hay tình yêu thương tôn trọng. Tóm lại: “Quan hệ của con người đối với tự nhiên có thể được khái quát thông qua một từ: mâu thuẫn”.

Sự mơ hồ đầu tiên mà Thornber chỉ ra là sự mơ hồ giữa lí tưởng và thực trạng: “Suốt một thời gian dài, các nghệ sĩ và các triết gia châu Á đã lí tưởng hóa mối quan hệ tương tác giữa con người với cái phi nhân xung quanh. Những thể hiện của họ đã đưa đến một ấn tượng rằng: không giống như châu Mĩ hay châu Âu, Đông Á vốn dĩ rất nhạy cảm với môi trường, rằng họ yêu tự nhiên và hòa nhập một cách hài hòa vào nó. Nhưng sự gắn kết gần gũi đầy lãng mạn hóa giữa họ và môi trường sống của mình thường chỉ có trên lí thuyết, chứ không phải là trong thực tế kinh nghiệm. Cũng giống như tất cả các dân tộc khác, người Á Đông, suốt hàng nghìn năm, đã tái định hình, thậm chí, đã khai thác bóc lột môi trường xung quanh”.

Tương tự, Heiner Roetz tuyên bố: “sự tương thông giao cảm với tự nhiên được biểu hiện ở Trang Tử chỉ là một phản ứng nhằm chống lại những gì đang diễn ra trong thực tế”. Sự tụng ca thiên nhiên, như thế, không minh chứng cho một thực tế quan hệ hài hòa, mà “xuất hiện cả trong các xã hội đang làm biến đổi đáng kể môi trường sống, có thể được đọc như là những phản ứng chống lại hoàn cảnh thực tế, bằng cách đưa ra một lựa chọn thay thế”.

Sự mơ hồ thứ hai nằm trong sự vênh lệch giữa đức tin và hành động. Dẫn lại lời của nhà sử học Mark Elvin khi nghiên cứu về Trung Hoa: “Trải qua hơn 3.000 năm, người Trung Quốc đã tái định hình nước Trung Quốc. Họ phá rừng và những thảm thực vật nguyên sinh, làm ruộng bậc thang trên những sườn đồi, cắt xẻ thung lũng thành những cánh đồng. Họ đắp đất, xây đập, chuyển hướng sông hồ. Họ săn bắn, thuần dưỡng động vật và các loài chim, phá hủy nơi sinh sống của mình như một hệ quả phụ của việc theo đuổi những lợi nhuận kinh tế. Vào khoảng thời gian cuối thời kì phong kiến, chỉ còn quá ít những gì có thể được gọi là “tự nhiên” chưa chịu tác động bởi những quá trình khai thác và thích nghi...”; Thornber chỉ ra một nghịch lí nằm ngay trong cái nhìn về cảnh quan: “Một mặt, nó được coi là một phần của quyền lực thần thánh tối cao. Một con người hiền minh là con người biết đặt mình vào trong nhịp điệu của tự nhiên. Mặt khác, cảnh quan, trong thực tế, liên tục bị thuần hóa, biến đổi, khai thác”.

Con người – Thiên nhiên: Mối quan hệ nằm trong tính công cụ

Tình yêu hay sự tôn trọng đối với thiên nhiên không hề đảm bảo cho một cái nhìn phi-công cụ hóa với thiên nhiên. Bởi “mối quan hệ phổ biến của con người với thế giới tự nhiên rốt cuộc vẫn nằm trong tính công cụ, bất kể việc chúng ta là người ủng hộ sự bảo tồn sinh thái hay là những kẻ cướp bóc hoang phí các hệ sinh thái”.

Không chỉ thế, sự mơ hồ còn tràn ngập trong tất cả những cách con người “diễn giải về mối quan hệ giữa chính mình với môi trường sống”. Điều này đặt ra sự mơ hồ/tính nước đôi ngay trong nội bộ một hệ tư tưởng. Chẳng hạn, các học thuyết Phật giáo, bất chấp bao chứa vô số diễn ngôn thường thấy về bình đẳng, bác ái, cấm sát sinh,...; về cơ bản, vẫn là một tư tưởng nhân loại trung tâm luận: “Con người vẫn là mối quan tâm chính của giáo lí đạo Phật và vì mục đích căn bản của Phật giáo là hướng dẫn nhân loại từ bóng tối khổ đau qua ánh sáng giải thoát, điều này không phải là chuyện đáng ngạc nhiên” (Keown). Thêm nữa, ai dám chắc quan niệm luân hồi không ngầm chứa trong nó phần nào tư tưởng phân biệt giống loài? Nói cách khác, quan điểm của Phật giáo về thiên nhiên có lẽ không khác biệt nhiều lắm với quan điểm Thiên Chúa giáo như đôi khi vẫn tưởng.

Cách nhìn này giúp Thornber, trong khi tìm hiểu về văn chương Đông Á, thoát được ra khỏi những sự đối lập cố hữu phương Đông/phương Tây hay những mặc định vốn có về một “phương Đông sinh thái”. Nếu như Lynn White đã không chỉ quy kết phương Tây như là những kẻ tội đồ sinh thái mang “món nợ Ki-tô giáo”, mà còn mở ra một hi vọng mới dựa trên “những hệ thống niềm tin chứa chở một cái nhìn minh triết về tự nhiên và tâm linh” phương Đông; thì ngược lại, Thornber chất vấn những mặc định kiểu này. Bà nhận ra rằng: quan niệm về một phương Đông yêu thiên nhiên và chung sống hài hòa với thiên nhiên chắc chắn sẽ khiến người ta bế tắc khi nhìn vào lịch sử của sự suy thoái sinh thái mấy ngàn năm vẫn diễn ra nơi đây.

Thornber không phủ nhận phương Đông “từ lâu đã gắn với những hệ thống niềm tin khuyến khích một thái độ tôn kính với tự nhiên, đặc biệt là Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo, Thần đạo (Shinto) cũng như các tôn giáo bản địa khác”, nhưng đồng thời, cũng không thể chối bỏ một thực trạng rằng, phương Đông cũng đang phải “kế thừa hàng ngàn năm suy thoái môi trường dữ dội”. Đó hoàn toàn không phải chỉ là do bị nền văn minh phương Tây làm cho “ô nhiễm”: “Những nhận thức phổ biến cả ở trong và ngoài khu vực Đông Á thường cho rằng sự suy thoái môi trường khu vực này bắt đầu từ cuối thế kỉ XIX, khi các dân tộc Đông Á bị xâm lược bởi các nước phương Tây, chịu sự đồng hóa của phương Tây về công nghệ và công nghiệp. Nhưng một thực tế không phủ nhận được là các xã hội Đông Á cũng có một lịch sử lâu dài của việc phá hủy môi trường”.

Tài liệu trích dẫn:

Karen Thornber. (2012). Ecoambiguity.University of Michigan Press.

Keown Damien. (2013). Đạo đức học Phật giáo. Nguyễn Thanh Vân (dịch), NXB. Tri thức.

White Lynn.(1996). “The Historical Roots of Our Ecologic Crisis”. Ecocriticism Reader. Landmarks in Literary Ecology, Cheryll Glotfelty and Harold Fromm (Ed.), the University of Georgia Press, 1996