Khi các công cụ chỉnh sửa gen ngày càng được phát triển tinh vi thì những câu hỏi đạo đức về lĩnh vực này cũng ngày càng trở nên riết róng.
Cuốn sách “Gen: Lịch sử và tương lai của nhân loại” của Siddhartha Mukherjee được viết ra giúp công chúng phổ thông nắm bắt được những hiểu biết cơ bản để có thể tham gia vào cuộc bàn thảo những câu hỏi này của cả xã hội, như Bill Gates bình luận về cuốn sách.
Trong cùng năm vợ chồng tôi lập Quỹ Bill & Melinda Gates, Tổng thống Bill Cliton đã triệu tập những nhà khoa học giỏi nhất thế giới để công bố một cột mốc mang tính toàn cầu. Các viện Y tế Quốc gia (NIH) và một công ty tư nhân đã cùng chạy đua để hoàn thành phác thảo đầu tiên bản đồ hệ gen người. “Không nghi ngờ gì nữa”, Clinton nói, “đây là bản đồ quan trọng và kì diệu nhất mà loài người đã tạo ra”.
16 năm sau đó, giới di truyền học đã đạt một mốc đặc biệt quan trọng khác, khiến công chúng có phần náo nức. Trong khi bản đồ hệ gen người cho chúng ta khả năng đọc tất cả ba tỉ mã di truyền, thì giờ đây chúng ta còn chỉnh sửa được bộ gen người. Một phần nhờ vào phát hiện tình cờ của những nhà nghiên cứu tìm cách cải thiện chất lượng sữa chua, giờ đây giới khoa học có thể xâm nhập tế bào con người, cắt bỏ có chọn lọc một vài đoạn mã rồi xếp các chuỗi này lại một cách vĩnh viễn.
Hiện các nhà khoa học đã đưa các công cụ chỉnh sửa gen mới mẻ vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu. Những công cụ này tạo ra vô vàn lạc quan về khả năng chẩn đoán, điều trị và chữa khỏi bệnh cho con người. Trước cả khi các nhà nghiên cứu thành công với những thử nghiệm lâm sàng trên người, chỉnh sửa gen sẽ được ứng dụng để biến đổi động thực vật - tất cả những điều vốn hứa hẹn sẽ thay đổi căn bản công cuộc xóa đói và cải thiện sức khỏe ở những nước nghèo của chúng ta.
Dù tôi phấn khích về những tiến bộ này, nhưng chúng ta phải tiếp cận chúng với tất cả sự thận trọng. Tái lập mã để vận hành máy tính là một chuyện, tái lập mã để vận hành các giống loài của chúng ta lại là một chuyện rất khác.
Chỉnh sửa gen, như bất cứ công nghệ mới và quyền năng nào, đều hấp dẫn cả những mục đích tốt (giảm đau khổ) lẫn mục đích xấu (gây đau khổ). Dù tôi tôn trọng những người có mục đích tốt thì những câu hỏi đạo đức vẫn cần đặt ra.
Đó là lý do mà tôi rất vui khi đọc cuốn sách The Gene: An Intimate History (Gen: Lịch sử và tương lai của nhân loại) của bác sĩ và nhà nghiên cứu ung thư tại Đại học Columbia, Siddhartha Mukherjee, mà mới đây tôi đã có dịp nói chuyện cùng. Siddhartha Mukherjee là người dẫn đường hoàn hảo để chúng ta đi xuyên quá khứ, hiện tại và tương lai của ngành hệ gen học.
Tôi thích bài nói chuyện TED năm 2015 của Mukherjee cùng cuốn sách tuyệt vời Ung thư: Hoàng đế bách bệnh, đoạt giải Pulitzer năm 2011. Điều này nhắc nhở những nhà văn chuyên nghiệp rằng một vị bác sĩ chỉ viết trong thời gian rảnh cũng hoàn toàn có thể chiến thắng tại giải Pulitzer!
Trong Gen: Lịch sử và tương lai của nhân loại, Mukherjee một lần nữa chứng tỏ khả năng biến những nghiên cứu khô khan trở thành thứ có thể tiếp cận dễ dàng. Anh viết cuốn sách này cho độc giả phổ thông, vì anh hiểu rằng chỉ mỗi giới nghiên cứu tranh luận về những câu hỏi đạo đức lớn do các phát minh của họ khơi ra không thôi thì chưa đủ. Như anh nhấn mạnh nhiều lần trong cuộc nói chuyện của chúng tôi, việc xác định những quy tắc và ranh giới thích hợp cho các công nghệ này đòi hỏi phải được bàn bạc, thảo luận, và đồng thuận rộng rãi trong công chúng.
Cuốn sách của Mukherjee có thể được đọc theo nhiều cách khác nhau. Như tất cả những người giỏi viết về khoa học, anh đưa ra các ẩn dụ sáng tạo để giải thích các khái niệm khó. Anh cũng là một người kể chuyện hấp dẫn, và dùng tài năng ấy để dệt nên lịch sử bệnh tâm thần của gia đình mình, làm tôi vô cùng cảm động. Qua nhiều câu chuyện, anh giới thiệu với chúng ta về một vài nhân vật tiên phong quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu di truyền học - từ Gregor Mendel, người nhiều lần trượt kỳ thi tuyển giáo viên dạy môn khoa học ở trường trung học, nhưng sau đó đã mở đường cho di truyền học hiện đại; đến Francis Collins, một tín hữu Cơ Đốc sùng tín và một người say mê mô tô, đã lãnh đạo xuất sắc nỗ lực giải trình tự hệ gen người của cộng đồng.
Tôi thích nhất chương cuối, “Hậu gen: Di truyền học của số phận và tương lai”. Nó đã làm được điều tuyệt vời là tập trung một cách sắc nét vào những câu hỏi đạo đức hóc búa mà ngày sẽ càng trở nên riết róng hơn.
Trong vòng 10 năm tới, các bác sĩ lâm sàng sẽ có thể chỉnh sửa gen để điều trị cho những người mắc một chứng bệnh nào đó do một gen lỗi gây ra, ví dụ như bệnh u xơ nang. Chuyện này thì chẳng có vấn đề gì về đạo đức. Nhưng tiến hành chỉnh sửa trong tế bào trứng hoặc tinh trùng để ngừa dị tật sau khi sinh thì sao? Hình thức điều trị này có thể đạt hiệu quả cao, nhưng điều đó có nghĩa là trẻ em sinh ra từ những trứng hoặc tinh trùng này rồi sẽ truyền bộ gen đã qua chỉnh sửa cho con cháu mình, làm biến đổi tế bào mầm (germ line) của con người và vượt qua hàng rào đạo đức.
Biến đổi tế bào mầm của con người không còn là một giả định. Nhiều nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc đang chạy đua để biến đổi tế bào mầm trong phôi người. Trong khi những nhóm này sử dụng những phôi thai không thể phát triển thành người (non-viable embryos), thì gần đây một nhà sinh học phát triển người Thụy Điển tuyên bố rằng ông đang chỉnh sửa phôi khỏe mạnh, có thể phát triển thành người. Ông nói sẽ không để phôi đã qua chỉnh sửa phát triển quá 14 ngày, nhưng không thể nói các nhà khoa học khác đang dự tính điều gì. “Vào thời điểm cuốn sách này được xuất bản… con người đã qua chỉnh sửa gen đầu tiên có thể đã chào đời”, Mukherjee cho biết.
Khi đọc Gen: Lịch sử và tương lai của nhân loại, trong đầu tôi nảy ra một danh sách dài các câu hỏi đạo đức của riêng mình. Ví dụ, điều gì sẽ xảy ra nếu xét nghiệm tiền sản cho bạn biết khả năng cao con bạn sẽ có chỉ số IQ là 80, trừ khi bạn chỉnh sửa gen một tẹo? Điều gì sẽ xảy ra nếu một phòng khám thụ tinh ống nghiệm tư nhân cung cấp cho bệnh nhân một chút cải tiến ở phôi được thụ tinh, để tăng khả năng IQ của con cái họ từ cao thành rất cao? Điều này có làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng vốn đã là một vấn đề lớn, đặc biệt là nếu công nghệ này chỉ dành cho người giàu. Vậy thì một loạt những chỉnh sửa gen có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ rối loạn trong phổ tự kỷ thì sao? Chẳng phải điều đó có nghĩa là làm giảm sự đa dạng của con người theo những cách nguy hiểm - thậm chí là loại bỏ sự ra đời trong tương lai của những Alan Turing, nhà khoa học tiên phong xuất sắc về máy tính, người đã giúp phá vỡ mã Enigma của Đức trong Đệ nhị Thế chiến?
Công nghệ nằm ngoài phạm vi đạo đức. Nó không tốt cũng không xấu. Những công nghệ mới nên và không nên được sử dụng như thếnào tùy thuộc vào suy nghĩ thấu đáo của tất cả chúng ta - không chỉ những nhà khoa học, mà cả quan chức chính phủ và những người may mắn lãnh đạo các tổ chức. Đọc cuốn sách của Mukherjee sẽ giúp bạn nắm được những ý chính để tích cực tham gia vào cuộc tranh luận này.
Một nghiên cứu viên cao cấp về hệ gen học cho rằng, Gen: Lịch sử và tương lai của nhân loại không có giá trị nhiều về chuyên môn sâu trong lĩnh vực di truyền học do thông tin trong sách không cập nhật, chủ yếu là các tài liệu cũ mang tính chất lịch sử quá trình nghiên cứu; nhưng với đối bạn đọc rộng rãi thì đây là một cuốn sách khá hay và phù hợp. Điều đáng tiếc là trong bản dịch tiếng Việt, nhiều thuật ngữ về di truyền học không chính xác nên có thể gây khó hiểu hay hiểu sai nhiều khía cạnh của vấn đề khoa học. Trước ý kiến này, đơn vị xuất bản cho biết sẽ có những chỉnh sửa kịp thời trong lần tái bản tới. |
Bill Gates