Tổ tiên con người sử dụng những hồ nước tĩnh lặng như một chiếc gương để ngắm nhìn cơ thể trong hàng trăm nghìn năm, hoặc thậm chí hàng triệu năm. Gương hiện đại ra đời vào thế kỷ 19, nhưng nguồn gốc của gương bắt đầu cách đó lâu hơn nhiều.

Những chiếc gương đầu tiên trên thế giới được mài từ đá thủy tinh núi lửa. Ảnh: History.
Những chiếc gương đầu tiên trên thế giới được mài từ đá thủy tinh núi lửa. Ảnh: History.

Theo nghiên cứu của tiến sĩ Jay Enoch công bố trên tạp chí Optometry and Vision Science vào năm 2006, người dân ở Anatolia [vùng đất là Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay] đã tạo ra những chiếc gương đầu tiên bằng đá thủy tinh núi lửa (obsidian) đánh bóng khoảng 8.000 năm trước. Nhà khảo cổ học Mellaart phát hiện một số mảnh vỡ của chúng trong ngôi mộ có niên đại năm 6200 trước Công nguyên tại thành phố cổ Catal Huyuk thuộc khu vực Konya, phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Đường kính mỗi chiếc gương khoảng 9cm với bề mặt phản chiếu hình tròn hoặc hình nón. Mellaart khẳng định: “Các vật này được dùng làm gương soi với đầy đủ chức năng của một bề mặt phản chiếu. Đó là điều không thể tranh cãi.”

Người dân ở Iran và Ai Cập cổ đại đã biết sử dụng gương đồng đánh bóng từ năm 4000 – 3000 trước Công nguyên. Trong Kinh thánh, nhà tiên tri Do Thái Isaiah trách mắng những người phụ nữ Do Thái là “kiêu căng, bước đi với cổ vươn cao, liếc mắt đưa tình, vừa đi vừa õng ẹo…”. Ông cảnh báo rằng Chúa Trời sẽ lấy đi tất cả những đồ trang trí lòe loẹt, bao gồm cả gương đồng của họ.

Tại khu vực là Iraq ngày nay, một phụ nữ quý tộc người Sumer gọi là “Quý bà ở thành phố Uruk” đã có một chiếc gương làm bằng vàng nguyên chất vào năm 2000 trước Công nguyên, theo nội dung viết bằng chữ hình nêm trên phiến đất sét được phát hiện trong đống tàn tích của thành phố này. Cùng thời điểm đó, người dân ở khu vực Trung Mỹ và Nam Mỹ bắt đầu chế tạo gương bằng đá mài.

Một tư liệu cổ ở Trung Quốc có niên đại năm 673 trước Công nguyên đề cập rằng hoàng hậu đeo một chiếc gương ở thắt lưng, và cho biết gương đã xuất hiện khá phổ biến trong thời kỳ này. Những chiếc gương đầu tiên ở Trung Quốc được làm từ đá ngọc bích đánh bóng, sau đó chuyển sang gương sắt hoặc đồng. Nhiều học giả tin người Trung Quốc đã học hỏi cách làm gương từ người Scythia du mục, một số khác lại cho rằng người Trung Quốc biết cách chế tạo gương một cách độc lập.

Gương thủy tinh được phủ mặt sau bằng kim loại để tạo ra bề mặt phản chiếu ra đời cách đây 2.400 năm. Người làm ra chúng là các nghệ nhân sống gần thành phố Sidon, Lebanon. Bởi vì thủy tinh nhân tạo nhiều khả năng được sản xuất đầu tiên ở Lebanon, nên không quá ngạc nhiên khi đây là nơi có những chiếc gương thủy tinh sớm nhất.

Để làm gương, người Lebanon thời kỳ tiền Kitô giáo, hay người Phoenicia, thổi một quả cầu thủy tinh nóng chảy giống như bong bóng, sau đó đổ chì nóng vào bên trong. Chì sẽ bao phủ mặt trong quả cầu thủy tinh. Khi thủy tinh nguội, nó bị đập vỡ và cắt thành những mảnh gương lồi. Hình ảnh khi soi bằng gương thủy tinh rõ nét hơn nhiều so với gương làm bằng đồng đỏ hoặc đồng thiếc đánh bóng. Gương thủy tinh khá mỏng, giảm thiểu tác động của các vết rạn. Do đó, những chiếc gương thủy tinh đầu tiên có nhiều cải tiến rõ ràng so với công nghệ làm gương trước đó. Hạn chế của kỹ thuật trên là bề mặt gương không bằng phẳng, nên nó thường tạo ra hình ảnh méo mó. Mũi của người soi gương có thể trông rất lớn. Ngoài ra, thủy tinh thời kỳ đầu thường có các bọt khí nhỏ bên trong và hay đổi màu, làm ảnh hưởng đến độ trong suốt của gương.

Một thiếu nữ người La Mã​ đang soi gương. Ảnh: Wikimedia.
Một thiếu nữ người La Mã​ đang soi gương. Ảnh: Wikimedia.

Trong quá khứ, người Phoenicia kiểm soát các tuyến đường thương mại ở khu vực Địa Trung Hải. Bởi vậy, gương soi nhanh chóng trở thành một mặt hàng thương mại phổ biến trên khắp Địa Trung Hải và khu vực Trung Đông. Darius Đại đế, người cai trị đất nước Ba Tư, thậm chí còn treo vô số những chiếc gương trên ngai vàng và trong phòng của mình để trang trí, thể hiện vẻ lộng lẫy của hoàng cung.

Vào năm 1835, nhà hóa học người Đức Justus von Liebig đã phát triển quy trình phủ một lớp bạc kim loại mỏng lên trên bề mặt một tấm kính trong suốt. Kỹ thuật này được điều chỉnh và cải tiến, cho phép sản xuất gương hàng loạt. Kể từ đây, những chiếc gương thủy tinh tráng bạc hiện đại dần trở thành vật dụng không thể thiếu đối với mỗi gia đình.

Tuy nhiên, không phải trên thế giới ai cũng thích soi gương. Khi một nhà nhân chủng học giới thiệu gương soi với tộc người Biami sống cô lập trên đảo Papua New Guinea vào thập niên 1970, bộ tộc ấy đã tròn xoe mắt hoảng hốt, sợ hãi thay vì tỏ ra thích thú.

Kể từ khi ra đời, gương không chỉ giúp người dùng ngắm nhìn bản thân mà nó còn mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Vào thời cổ đại, người ta cho rằng gương sở hữu khả năng huyền bí và nó là vật dụng không thể thiếu trong các buổi lễ tế thần. Người Ai Cập cổ đại tin những chiếc gương có thể giúp các nhà chiêm tinh nhìn thấy quá khứ và tương lai, nhìn thấu nội tâm của một người, thậm chí gương còn được dùng làm bùa hộ mệnh.

Nhà triết học Hy Lạp Socrates khuyên những người đàn ông trẻ nên nhìn vào trong gương để luôn giữ cho tâm hồn mình trong sạch, tránh xa những cám dỗ cuộc sống – thứ có thể đưa họ đến con đường sai trái.

Trong thời Trung cổ, gương thủy tinh được sử dụng rất hạn chế, bởi vì một số tín đồ tôn giáo tuyên bố ma quỷ đang nhìn và quan sát thế giới của con người từ phía đối diện của gương. Các pháp sư thậm chí có thể dùng gương để triệu hồi quỷ dữ. Do đó, người dân chuyển sang dùng gương kim loại đánh bóng hoặc bát nước để thay thế gương thủy tinh. Lịch sử phát triển của gương đã có một bước lùi tạm thời do những quan niệm mê tín của con người. Đến thế kỷ 13, những chiếc gương bằng thủy tinh mới được sử dụng rộng rãi trở lại. Nhưng ở châu Âu vào thế kỷ 16, một số người xem gương là đồ vật liên quan tới phù thủy và các nghi lễ huyền bí.

Nhiều nền văn hóa tin rằng gương có thể là cánh cổng dẫn vào các cõi siêu nhiên, hay một thế giới khác. Khi một người Do Thái chết, người thân của họ sẽ che tất cả các tấm gương trong gia đình để ngăn linh hồn của người quá cố không bị nhốt trong gương.

Theo quan niệm mê tín ở một số nơi trên thế giới như Hy Lạp, Trung Quốc, Ấn Độ, nếu ai đó làm vỡ một tấm gương, họ sẽ gặp nhiều điều xui xẻo và bất hạnh trong tương lai. Bởi vì tấm gương là hình ảnh phản chiếu của một người và linh hồn người đó. Việc làm vỡ một tấm gương sẽ khiến linh hồn chủ nhân của nó vỡ thành từng mảnh. Linh hồn bị hư hỏng nghiêm trọng không thể bảo vệ chủ nhân thoát khỏi những điều không may mắn.