Một cách vô thức, con người “tâm sự” rất nhiều điều với Google qua các thao tác tìm kiếm thông tin, kể cả những điều mà thường họ sẽ không bao giờ tiết lộ với bất cứ ai. Liệu có thể dựa vào thực tế đó để dự báo kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới?

Trump áp đảo về tỷ lệ tìm kiếm

Phân tích dữ liệu Internet - nhất là hoạt động tìm kiếm trên Google - là xu hướng trong nghiên cứu xã hội học vài năm gần đây. Thông tin Internet có giá trị trong việc dự báo xu hướng hoặc sự kiện sắp xảy ra, bầu cử tổng thống Mỹ không phải ngoại lệ. Một dấu hiệu chứng minh sự ủng hộ của cử tri đối với một ứng viên là tần suất tìm kiếm về người đó. Trong 3 cuộc bầu cử gần đây, kịch bản đều diễn ra theo hướng người được tìm kiếm nhiều nhất (Bush năm 2004, Obama năm 2008 và 2012) là người thắng cử.

Trong cuộc bầu cử 2016, trên toàn nước Mỹ, số lượt tìm kiếm Donald Trump luôn cao gấp đôi Hilary Clinton. Liệu đó có phải là chỉ dấu chứng minh sự ủng hộ rộng rãi dành Trump, rằng ông sẽ trở thành tổng thống và các cuộc thăm dò dư luận gần đây đã không chính xác?

Dấu chỉ thị thứ hai là các lượt tìm kiếm với từ khóa có cả hai ứng cử viên, như “tranh luận Trump-Clinton”. Bà Clinton xuất hiện trong 12% số lượt tìm kiếm thông tin về Trump và ở chiều ngược lại là hơn 25%. Đây là chỉ số quan trọng bởi các thống kê cho thấy cử tri rất có thể sẽ bầu cho người xuất hiện đầu tiên trong từ khóa.

Ông Trump và bà Clinton đang quyết liệt tranh đua trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kỳ lạ nhất lịch sử. Ảnh: Independent

Trong 3 cuộc bầu cử gần nhất, ứng viên xuất hiện trước nhiều hơn đều nhận nhiều phiếu hơn. Năm 2012, Nate Silver - người sáng lập website FiveThirtyEight - đã dự đoán chính xác kết quả tại 50 bang. Tuy nhiên, tại các bang mà tên ứng viên Mitt Romney thường xuất hiện trước Obama, số phiếu dành cho Romney trên thực tế lớn hơn con số mà Silver dự đoán.

Trở lại cuộc bầu cử 2016, một lần nữa các chỉ số lại thiên về Trump: Trên toàn nước Mỹ, các tìm kiếm thường đặt Trump trước Clinton. Đây có thể là bằng chứng Trump sẽ có nhiều phiếu hơn kết quả thăm dò dư luận? Chưa thể trả lời chắc chắn hay loại trừ yếu tố “nhiễu” nhưng nói chung, các bang có tỷ lệ tìm kiếm thiên về đặt Trump trước Clinton sẽ là nơi Trump có số phiếu tốt, và ngược lại.

Dữ liệu bất thường của cuộc bầu cử kỳ lạ

Cuộc bầu cử 2016 được nhận xét là có nhiều điểm độc nhất vô nhị. Việc phân tích dữ liệu cũng phải theo quy luật riêng, đặc biệt khi một ứng viên là nhân vật gây tranh cãi chưa từng có trong lịch sử.

Tìm hiểu sâu hơn về kết quả tìm kiếm ở từng bang, các nhà phân tích thấy rằng dữ liệu Google đã dẫn đến một bản đồ bầu cử hoàn toàn khác thực tế. Nó cho thấy Trump thắng ở tất cả các tiểu bang và thắng cách biệt nhất là tại Vermont, California. Nếu như vậy, có lẽ tất cả các cuộc thăm dò dư luận đều đáng vứt sọt rác, thay bằng việc phân tích tìm kiếm Google.

Sẽ phù hợp hơn nếu coi khối lượng tìm kiếm khổng lồ dành cho Trump là bằng chứng ông gây nhiều phản ứng trong cử tri. Nhiều cử tri của bà Clinton có lẽ đang tìm kiếm thông tin để đánh giá cơ hội thắng của Trump.

Dữ liệu Google đương nhiên sẽ có một số từ khóa phản ánh chính xác thái độ cử tri như “tôi yêu Trump”, nhưng số lượng quá ít để được dùng dự đoán kết quả bầu cử. Đặc biệt, Alabama - một tiểu bang “đỏ” gần như chắc chắn sẽ bầu cho Trump - lại có số lượng tìm kiếm tiêu cực về Trump thuộc top đầu. Có thể các từ khóa tiêu cực đó thuộc về cộng đồng người Mỹ gốc Phi - vốn đặc biệt ghét Trump, nhưng họ không đủ đông để thay đổi kết quả bầu cử bang.

Thứ tự tìm kiếm từ khóa ứng viên là bằng chứng rõ hơn về khả năng giành phiếu của Trump. Nghiên cứu cho thấy thứ tự xuất hiện của ứng viên trong từ khóa tìm kiếm Google có liên hệ chặt chẽ với số phiếu bầu mà ứng viên nhận được ở từng bang. Rất có thể Trump sẽ giành nhiều phiếu hơn dự báo của các cuộc thăm dò dư luận, bởi câu trả lời của cử tri đôi khi không phản ánh đúng những gì họ nghĩ.

Không loại trừ khả năng Trump là ứng viên gây chia rẽ tâm lý cử tri đến mức ngay cả những người ủng hộ Clinton cũng thiên về tìm kiếm Trump trước.

Một trong các chỉ thị quan trọng nhất là lượt tìm thông tin về quá trình bầu cử, với các từ khóa như “cách bỏ phiếu”, “nơi bỏ phiếu”. Chỉ số này có thể dùng dự báo tỷ lệ cử tri đi bầu. Nghiên cứu đã chứng minh hơn một nửa số người không đi bầu vẫn trả lời “có” trong thăm dò dư luận.

Một lần nữa, các con số ủng hộ Trump. Dữ liệu nhân khẩu học và khối lượng tìm kiếm của từng thành phố cho thấy tỷ lệ cử tri gốc Phi đi bầu giảm. Tỷ lệ tìm kiếm thông tin bầu cử tại các thành phố đông người da đen giảm đáng kể so với năm 2008 và 2012. Điều này cho thấy ngay cả khi quan điểm về người Mỹ gốc Phi là điểm yếu của Trump, cử tri sẽ không mặn mà thể hiện sự phản đối ông bằng lá phiếu như những gì họ làm để ủng hộ Obama.

Liệu các thông số của Google có đúng? Kết quả sẽ được kiểm chứng trong vài tuần nữa.