Tổng thống Mỹ mới đây đã chuyển cho Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) bản phác thảo kế hoạch ngân sách năm 2018 với số tiền 19,1 tỷ USD cho cơ quan này, tập trung hơn vào sao Hỏa, Mặt trăng và các nhiệm vụ thăm dò không gian...

Liệu điều này đã đủ để thực hiện mục tiêu đưa người lên sao Hỏa, Mặt trăng vào năm 2020 như ông Trump từng tuyên bố?

Dồn tiền cho sứ mệnh Mặt trăng, sao Hỏa

Khi tranh cử, Donald Trump hứa nếu trở thành tổng thống Mỹ, ông sẽ chuyển trọng tâm của NASA từ khoa học trái đất và giáo dục sang các nhiệm vụ thăm dò không gian sâu, đặc biệt là sứ mệnh Mặt trăng và sao Hỏa và có vẻ như ông đang làm đúng những gì từng cam kết. Bản phác thảo của chính quyền mới đề xuất một kế hoạch ngân sách với 19,1 tỷ USD cho NASA vào năm 2018 (so với 19,3 tỷ mà chính quyền Obama phân bổ trong năm 2017).

Cụ thể, tiền sẽ được chia cho các hoạt động sau của NASA: Hoạt động thương mại, khoa học hành tinh (1,9 tỷ USD), khoa học trái đất (1,8 tỷ USD - giảm gần 100 triệu USD) và hàng không (624 triệu USD). Phần tiền lớn nhất thuộc về bộ phân thăm dò không gian với 3,7 tỷ USD cho phi thuyền Orion và tên lửa SLS - phương tiện chính mà NASA dùng để thực hiện các sứ mệnh sao Hỏa. Toàn bộ ngân sách giáo dục - khoảng 115 triệu USD - đã bị loại bỏ hoàn toàn với lý do nó “thực hiện những chức năng trùng lặp với các phần khác của ngân sách”.

Mục tiêu đưa người Mỹ lên sao Hỏa vào thập niên 2020 của ông Trump bị nghi ngờ tính khả thi. Ảnh: Businessinsider

“Cần tăng cường hợp tác với các ngành công nghệ thông qua việc sử dụng các quan hệ đối tác công - tư. Ngân sách cần tập trung vào các nỗ lực của quốc gia trong việc thăm dò không gian sâu hơn là lấy Trái đất làm trung tâm, nghiên cứu và phát triển công nghệ giúp Mỹ đạt các mục tiêu không gian, đem lại lợi ích kinh tế” - bản đề cương của chính quyền Trump nêu.

Nhà khoa học “giội gáo nước lạnh”

Tổng thống Trump từng tuyên bố trước Quốc hội Mỹ: “Việc người Mỹ in dấu chân trên các thế giới xa xôi trong vũ trụ không còn là giấc mơ xa vời. Giờ đây chúng ta đơn giản chỉ là biến ước mơ thành sự thật”. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, việc đưa người lên Mặt trăng, sao Hỏa là không hề đơn giản và để đạt mục tiêu này, cần có nhiều bước đi đồng bộ và tăng cường tiềm lực cho NASA thay vì cắt giảm ngân sách.

Trong kiến nghị gửi Tổng thống Mỹ mới đây, Bill Nye - Giám đốc điều hành của Planetary Society - tổ chức hỗ trợ việc thúc đẩy khoa học và thăm dò không gian) - cho rằng để cụ thể hóa giấc mơ sao Hỏa, ông Trump cần làm được 5 điều. Thứ nhất là khiến các nỗ lực của NASA tập trung vào mục tiêu trọng tâm là sao Hỏa. “NASA đang thực hiện mục tiêu đưa các phi hành gia tới hành tinh đỏ trong những năm 2030 - theo chỉ đạo vào năm 2010 của cựu Tổng thống Obama. Ông Trump nên để NASA tiếp tục điều này hơn là áp đặt một hướng đi khác” - Nye nói.

Thứ hai, Mỹ cần lặp lại chiến lược đã áp dụng trong cuộc chinh phục Mặt trăng. Cụ thể, phi hành đoàn đầu tiên của NASA sẽ chỉ bay trên quỹ đạo sao Hỏa thay vì đặt chân lên hành tinh này. Thứ ba, ông Trump nên tăng cường cho 4 bộ phận khoa học của NASA, gồm: Vật lý thiên văn, khoa học hành tinh, vật lý mặt trời và khoa học trái đất.

Tiếp tục duy trì cuộc cách mạng tư nhân trong lĩnh vực không gian vũ trụ là vấn đề thứ tư mà Bill Nye khuyên Tổng thống Mỹ. Cuối cùng, Nye cho rằng NASA cần được tăng 15% ngân sách trong 5 năm tới. Nếu được như vậy, số tiền đổ vào tổ chức này lên đến 24,2 tỷ USD vào năm 2022. “Nếu không được tăng ngân sách, NASA sẽ không có khả năng đưa con người đến bất cứ đâu, Mặt trăng cũng vậy mà sao Hỏa cũng thế” - ông Bill Nye nhấn mạnh.

Phát biểu trước Quốc hội Mỹ ngày 28/2, Tổng thống Trump nêu mục tiêu đưa các nhà du hành vũ trụ Mỹ trở lại Mặt trăng và hạ cánh an toàn lên sao Hỏa vào thập niên 2020. Những người quan tâm đến ngành vũ trụ đang chờ xem ông sẽ làm gì để biến điều được cho là không thể thành có thể, như cách ông giành chiến thắng trong cuộc đua đến Nhà Trắng.