Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đã không thể hiện nhiều quan điểm về lĩnh vực khoa học trong các chiến dịch tranh cử. Điều các nhà hoạt động vì môi trường quan tâm nhất là liệu ông Trump có thay đổi quan điểm về vấn đề biến đổi khí hậu hay không.

Ông Trump và quan điểm về khoa học

Chiến thắng của Donald Trump trong cuộc đua đến Nhà Trắng khiến nhiều nhà khoa học băn khoăn về tương lai của cộng đồng nghiên cứu Mỹ. Trước cuộc bầu cử, tổ chức Science Debate đã đề nghị các ứng viên phác thảo quan điểm về khoa học. Những phúc đáp của Trump giúp giới khoa học Mỹ hiểu thêm về cách nhìn của ông.

Donald Trump nói về sự đổi mới ở Mỹ - nước dành nhiều tiền nhất thế giới cho nghiên cứu và phát triển: “Đổi mới luôn là một trong những điều tuyệt vời của hệ thống thị trường tự do. Các doanh nhân đã luôn tìm thấy cánh cửa vào thị trường bằng cách cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn đối với các sản phẩm mà họ mong muốn”.

Việc một doanh nhân thực dụng như ông Trump lên nắm quyền khiến cộng đồng khoa học Mỹ lo tiền tài trợ cho các nghiên cứu khoa học cơ bản với mục đích khám phá thế giới sẽ bị cắt giảm; và lập trường của ông về người nhập cư sẽ cản trở các trường đại học Mỹ thu hút các tài năng từ khắp thế giới.

Ông Trump tuyên bố sẽ cứu ngành công nghiệp than đá Mỹ. Ảnh: Time

Chi phí nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng nhiều khả năng cũng bị cắt giảm. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Trump bóng gió rằng mình đã nghe nhiều thông tin “khủng khiếp” về Viện Y tế quốc gia Mỹ - nơi giám sát khoảng 30 tỷ USD tiền nghiên cứu mỗi năm.

Trả lời Science Debate về vấn đề nghiên cứu liên bang trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, ông Trump nói: “Trong thời kỳ các nguồn lực hạn chế, phải đảm bảo rằng đất nước nhận được kết quả tốt nhất cho chi phí bỏ ra. Chúng ta không thể chỉ đơn giản là ném tiền vào các tổ chức và giả định rằng đất nước sẽ được phục vụ tốt”.

Lĩnh vực khoa học được Trump chú trọng là thăm dò không gian: “Lĩnh vực thám hiểm không gian đã đóng góp rất nhiều cho nước Mỹ, gồm cả việc mang đến sự tự hào to lớn về sức mạnh khoa học, kỹ thuật của chúng ta. Một chương trình không gian mạnh mẽ sẽ khuyến khích trẻ em Mỹ tìm đến Stem”. Ông nói thêm rằng Chính phủ Mỹ phải khuyến khích sự đổi mới trong lĩnh vực thăm dò không gian, đầu tư nghiên cứu và phát triển ở các học viện.

Về tổng thể, ông Trump thừa nhận rằng các tiến bộ khoa học “đòi hỏi sự đầu tư dài hạn”, nhưng cũng đề cập đến nhu cầu ngày càng tăng về việc cắt giảm chi tiêu và cân đối ngân sách liên bang: “Chính phủ và các tổ chức khoa học liên quan cần ngồi lại với nhau và bàn xem những gì cần ưu tiên cho nước Mỹ”.

Tuyên bố đó khiến nhiều nhà khoa học nhận định, các ưu tiên về đầu tư nghiên cứu khoa học sẽ có nhiều thay đổi trong 4 năm tới.

Mối lo về biến đổi khí hậu

So với các lĩnh vực khoa học khác, quan điểm của Donald Trump về biến đổi khí hậu thu hút sự quan tâm lớn nhất bởi ông từng gọi sự nóng lên toàn cầu là một “trò lừa bịp” và tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu - có hiệu lực từ đầu tháng này - sau khi đắc cử.


Trump cũng từng kêu gọi bỏ quy định hạn chế sử dụng than, dầu và khí tự nhiên - một nguồn quan trọng của khí thải và hủy bỏ các kế hoạch năng lượng sạch mà chính quyền Obama đang thực hiện. Ông này cũng từng tuyên bố sẽ “cứu ngành công nghiệp than” và ngừng sử dụng tiền thuế cho các chương trình nóng lên toàn cầu. Một số chuyên gia thậm chí còn cảnh báo rằng sự nóng lên toàn cầu có thể lên đến đỉnh điểm nếu Donald Trump thực hiện các cam kết của mình trong chiến dịch tranh cử - theo AP.

Trên thực tế, theo các điều khoản của thỏa thuận Paris, dù Mỹ có rút khỏi hiệp định này thì cũng phải mất 4 năm - bằng toàn bộ nhiệm kỳ tổng thống. Tuy nhiên, ông Trump cũng có thể chỉ đơn giản bỏ qua các cam kết rằng đến năm 2025, Mỹ sẽ cắt giảm 26-28% lượng khí thải của năm 2005, bởi sẽ chẳng có sự trừng phạt nào đối với các nước không hoàn thành mục tiêu cam kết.

“Nếu Mỹ không giảm lượng khí phát thải như đã cam kết, việc thực hiện Hiệp định Paris chắc chắn sẽ chậm lại. Khi đó, việc ngăn Trái đất ấm lên thêm 2 độ C - ngưỡng nguy hiểm - sẽ là bất khả thi” - Michael Oppenheimer - nhà khoa học khí hậu tại Đại học Princeton nói.

Đoàn đàm phán Mỹ tham dự hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP22) đã từ chối trả lời các phóng viên về kết quả bầu cử. Các quan chức Mỹ chỉ cho biết họ hy vọng các nước khác sẽ tiếp tục công cuộc chống biến đổi khí hậu, bất kể quyết định từ Washington ra sao.

Nhiều nhà khoa học tham dự COP22 cho rằng phần còn lại của thế giới phải nỗ lực hơn rất nhiều để kiềm chế phát thải khí nhà kính. Một số khác thì hy vọng ông Trump sẽ thay đổi lập trường và tôn trọng những gì Mỹ đã cam kết.

Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki Moon cho rằng các nỗ lực chống biến đổi khí hậu sẽ không thể dừng lại và bày tỏ hy vọng ông Trump sẽ từ bỏ kế hoạch rút khỏi Hiệp định Paris.