Năm 1991, để chứng minh giả thiết gây tranh cãi nêu trên của nhà Đông phương học lừng danh Joseph Needham, ĐH Cambridge, nhà thám hiểm, nhà sử học và nhà văn Tim Severin quyết định tái hiện hải trình năm xưa.
Và ông đã chọn chiếc bè tre từ thời cổ - vẫn đang phục vụ ngư dân Sầm Sơn trong những chuyến đi biển ngắn ngày - làm phương tiện cho hải trình, sau khi thử bước lên một chiếc bè tre và nhận thấy sự cân bằng đến kỳ lạ của nó: “Tuy chiếc mảng thật sự đang ngập trong nước và chúng tôi đều bị ướt đến mắt cá chân, song tôi không hề cảm thấy như mình đang lênh đênh trên biển, không tròng trành nghiêng ngả hay trồi lên thụt xuống gì cả”.
Ưu điểm đó của bè tre Việt Nam tiếp tục khiến Tim và các đồng sự đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trong suốt hải trình. Thậm chí, bè rất “bình tĩnh” đi xuyên qua cả những cơn bão cấp 4, 5 trên Thái Bình Dương và hóa giải nó. “Thay vì bị nhấc lên trên không mỗi đợt sóng qua, chiếc bè bình thản hấp thụ từng ngọn sóng xuyên qua nó”.
Mặc dù tất cả những đặc điểm vật lý của bè tre Sầm Sơn đã được tính toán kỹ lưỡng trước khi đi nhưng vẫn có những thách thức không lường trước được. Liệu họ có đến được bờ bên kia đại dương khi ngày qua ngày, sự sinh tồn của chiếc bè tre càng trở nên mong manh? Còn bao lâu nữa thì những mối lạt mây lỏng ra, từng thanh tre tuột mất? Và liệu chàng ngư dân Sầm Sơn Lương Viết Lợi - người Việt Nam duy nhất tham gia hải trình - có hòa nhịp được với lối sống của thủy thủ đoàn chỉ gồm toàn những người phương Tây, trong khi anh chưa một lần bước chân ra khỏi làng chài nhỏ bé của mình? Làm thế nào để anh đóng vai trò chính trong việc lèo lái chiếc bè, trong khi anh hầu như không thể diễn đạt thành lời những kiến thức đi biển có được nhờ tích lũy qua bao đời?
Hải trình phiêu lưu đó được Tim Severin thuật lại trọn vẹn trong cuốn sách “Bè tre Việt Nam du ký: 5.500 dặm vượt Thái Bình Dương”, mang đến rất nhiều tư liệu quan trọng về dân tộc học hàng hải cũng như về tinh thần hàng hải, truyền thống đi biển theo cách “hòa hợp” với tự nhiên của người Việt Nam.
Đọc cuốn sách, chúng ta không khỏi liên tưởng tới một hải trình khác - hải trình Kontiki lừng danh. Năm 1947, nhà dân tộc học người Na Uy Thor Heyerdahl đã vượt 4.300 dặm trên đại dương trong 101 ngày nhằm kiểm chứng giả thiết về mối quan hệ văn hóa xuyên Thái Bình Dương giữa Peru ngày nay với các quần đảo ở Polynesian. Dường như, khi việc chứng minh những giả thiết về mối liên hệ xuyên đại dương giữa các lục địa bằng các tài liệu dân tộc học, lịch sử và khảo cổ học trở nên quá khó khăn, thậm chí hầu như là bất khả, bởi chẳng có một ghi chép cụ thể nào, thì bước lên chiếc bè tre hay thuyền gỗ mong manh để “thực nghiệm” chính là cách duy nhất mà các nhà nghiên cứu có thể chọn.